Thời sự

Hết đốt tiền tỉ ngoài đồng

  • Tác giả : Mai Loan
(khoahocdoisong.vn) - Chỉ tính riêng một tỉnh, một năm có khoảng 700 tỷ đồng bị đốt từ phu phẩm nông nghiệp, gây ô nhiễm môi trường. Nếu sử dụng công nghệ đệm lót sinh học, tiền tỉ sẽ không bị đốt vô nghĩa ngoài đồng nữa.

Một giọt nước tiểu cũng không lọt ra ngoài

Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (LHH) đã tổ chức một buổi tham quan mô hình chăn nuôi gia súc của Công ty T&T 159, thôn Yên Mông, xã Trường Yên, thuộc thành phố Hòa Bình do ông Hà Văn Thắng, Phó Chủ tịch LHH Hòa Bình làm Chủ tịch HĐQT Công ty.

Ấn tượng khiến cả đoàn ngạc nhiên, đó là chuồng trại nuôi cả ngàn con bò nhưng không hề có mùi hôi thối như thường thấy khi vào các trại chăn nuôi gia súc. Trái lại, chỉ có mùi chua thanh dìu dịu. Cũng không hề thấy hình ảnh các con bò lấm láp phân, chất thải, mà sạch sẽ, thong thả đứng ăn.

Ông Thắng dẫn đoàn lên tham quan mô hình chăn nuôi gia súc với môi trường trong lành hiếm thấy.

Ông Thắng dẫn đoàn lên tham quan mô hình chăn nuôi gia súc với môi trường trong lành hiếm thấy.

Chia sẻ về bí quyết này, TS Phạm Ngọc Tuấn, thành viên Hội đồng khoa học  T&T 159 Hòa Bình chia sẻ, điều bí mật nằm ở đệm lót sinh học. Ở nước ta, các phế phụ phẩm nông nghiệp, từ cây lương thực như rơm rạ, thân cây ngô; hoặc trong lâm nghiệp như thân cây keo mỗi năm đều thải ra rất nhiều.

Công ty thu gom về phân loại, những gì có thể làm thức ăn cho chăn nuôi được thì nghiền ra để làm thức ăn. Còn những thứ không thể làm thức ăn được thì cũng nghiền ra, ủ làm chất đệm lót sinh học.

Điều này cũng phải qua quá trình nghiên cứu của các nhà khoa học của Công ty. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các phụ phẩm có độ cứng tương đối, không dễ bị phân hủy, có kích thước nhỏ, không dễ vón cục, có tính năng hút nước, không độc, không gây kích thích… khi trộn vỏ keo, trấu, rơm rạ nghiền nhỏ sau đó trộn với một hệ vi sinh vật gọi là men vi sinh.

Sau đó, chất tổng hợp này được rải một lớp dưới sàn nuôi bò, có tác dụng làm phân hủy phân, nước tiểu, giảm khí độc và mùi hôi chuồng nuôi, tạo môi trường trong sạch không ô nhiễm.

Chuồng trại sạch sẽ nhờ đệm lót sinh học.

Chuồng trại sạch sẽ nhờ đệm lót sinh học.

Còn theo ông Thắng, bình thường với một trại chăn nuôi như thế này, số lượng khoảng 4000 con bò, mỗi con bò thải ra 20kg phân và 40 lít nước tiểu một ngày, thì dù có xây dựng hệ thống xử lý chất thải theo đúng quy định như hệ thống bể ngưng, bể phốt, chi phí phải mất khoảng 1 triệu đô mà cũng vẫn sẽ không tránh được mùi, không xử lý được.

Nhưng khi áp dụng công nghệ mới lấy đệm sinh học, thu lại toàn bộ phân và nước tiểu thì một giọt nước tiểu không có cơ hội lọt ra ngoài. Và chính nó lại là mồi, thức ăn cho các loại vi khuẩn trong thảm sinh học đó.

Ông Thắng (áo trắng) tươi cười giới thiệu mô hình chuồng trại sạch sẽ.

Ông Thắng (áo trắng) tươi cười giới thiệu mô hình chuồng trại sạch sẽ.

Hết đốt tiền tỉ ngoài đồng

Ông Thắng cho biết, ích lợi đầu tiên khi sử dụng đệm lót sinh học này chính là góp phần giải quyết vấn đề về ô nhiễm môi trường. Song song với đó là đem lại giá trị về kinh tế.

Nếu tính cả nước, mỗi năm phế phụ phẩm nông nghiệp có khoảng 100 triệu tấn. Những phế phụ phẩm này, chủ yếu bà con nông dân đem đốt, khói đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường. Và Hà Nội trong đợt ô nhiễm không khí vừa rồi, có sự góp mặt của loại khí thải này. Ngoài ra, còn lãng phí rất lớn về kinh tế.

Mỗi năm, số tiền bị đốt ngoài đồng từ phế phụ phẩm nông nghiệp là con số khổng lồ.

Mỗi năm, số tiền bị đốt ngoài đồng từ phế phụ phẩm nông nghiệp là con số khổng lồ. 

“Đoàn công tác tỉnh Thái Bình lên xem mô hình của chúng tôi về “điều tra” lại mới biết mỗi năm Thái Bình đốt mất khoảng 1,4 triệu tấn phế phụ phẩm nông nghiệp. Tương đương 700 tỷ đồng.

Còn riêng phế thải chăn nuôi, mỗi năm thải ra  từ 110 – 120 triệu tấn. Như vậy, làm sao mà không ô nhiễm”, ông Thắng nói.

Trong khi đó, khi sử dụng đệm lót sinh học, các phế phụ phẩm được thu gom, sẽ không còn khói đốt từ rơm rạ, các phế phụ phẩm.

Bò không cần tắm vẫn sạch sẽ, không hôi, giảm chi phí điện nước. Mặt khác, thành phần của các chế phẩm men vi sinh chứa nhiều men sinh học hữu ích giúp bò tăng trưởng tốt, hạn chế bệnh dịch.

Người công nhân không mất thời gian dọn dẹp chuồng, một tháng mới phải thu gom một lần, giảm chi phí đầu tư.

Đặc biệt, đệm lót sinh học còn tái sản xuất làm phân hữu cơ, có thể bón cho nhiều loại cây.

Phân hữu cơ sản xuất từ đệm lót sinh học bón được cho tất cả các loại cây.

Phân hữu cơ sản xuất từ đệm lót sinh học bón được cho tất cả các loại cây.

“Sản lượng phân bón hiện tại của Công ty đạt khoảng 100 tấn một ngày. Đây là mô hình kinh tế tuần hoàn, trong một chu trình khép kín. 100% rơm rạ vứt đi thì giờ được tận dụng. Nếu có nhiều mô hình thế này thì không còn cọng rác nào trên đường cả”, ông Thắng nhấn mạnh.

Ông Thắng cho biết, gần đây có rất nhiều công ty sản xuất các đệm lót sinh học để phục vụ cho chăn nuôi gia cầm. Nhưng chăn nuôi đại gia súc gần như chưa có đơn vị nào sản xuất. Vì nguyên liệu đầu vào và cách thu gom nguyên liệu, phương thức tổ chức để sản xuất chưa thực hiện được. Yêu cầu đặt ra là phải có phương thức sản xuất mới, mang tính công nghiệp.

Nếu không làm tốt thu gom thì giá thành sản phẩm rất cao. Khi đưa vào trong quá trình sản xuất không có hiệu quả.

Phương pháp thu gom của Công ty ông là sử dụng máy thu gom hiện đại, đưa máy tới thu gom, cuốn rơm, băm thân ngô… thổi lên xe và làm đất cho người nông dân luôn. Như vậy, giá thành thức ăn rẻ bằng nửa trồng cỏ.

Mô hình sản xuất của Công ty được đánh giá cao. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, mô hình sản xuất của Công ty rất đáng học hỏi.

Về phân hữu cơ của công ty, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, đây là một giải pháp để để đáp ứng nhu cầu phân bón hữu cơ của nông nghiệp Việt Nam và cần đẩy mạnh chăn nuôi đại gia súc theo mô hình này…

“Tuy đã có những thành công bước đầu, được ghi nhận, nhưng những khó khăn, vướng mắc cũng vẫn nhiều kể không hết. Ví dụ như hiện tại, chưa có một khung pháp lý riêng cho việc đầu tư cho nông nghiệp. Và đánh đồng đầu tư cho nông nghiệp giống như đầu tư ở các lĩnh vực khác. Trong khi đó, đầu tư vào nông nghiệp thì rủi ro cao và cần có nhiều thời gian. Ví dụ như bài toán được mùa mất giá, được giá mất mùa đã nói mãi rồi. Điều này, chưa thực sự là sự khuyến khích cho đầu tư vào nông nghiệp. ”, ông Hà Văn Thắng.

Mai Loan