Địa ốc

Hậu vụ đấu giá tại Thủ Thiêm, giá nhà tại TP.HCM liên tục tăng chóng mặt

  • Tác giả : Thiên Ân
Từ đầu năm tới nay, giá nhà tại TP.HCM tăng cao, liên tục lập đỉnh, có những nơi tăng gần 30%.

Đây là khảo sát của Cushman & Wakefield Việt Nam đối với giá nhà tại TP. HCM. Tính đến đầu tháng 3, tức sau hai tháng kể từ khi các cuộc đấu giá đất Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) lập đỉnh, giá chào bán nhà ở đã có sự thay đổi.

Điển hình như dự án The Global City tại TP. Thủ Đức đã tăng từ 15 - 20%, lên 350 triệu đồng mỗi m2. Trước đó, khu vực này chỉ dao động ở mức 270 - 300 triệu đồng/m2.

Hay giá căn hộ bình dân đã chạm mốc gần 60 triệu đồng/m2, tăng gần 30% so với năm 2020.

Còn trong năm 2021, giá căn tăng trung bình gần 10%. Sản phẩm biệt thự, nhà liền thổ tăng trên 15%. Riêng TP. Thủ Đức hoặc các huyện như Củ Chi, Nhà Bè… sau khi có thông tin lên quận thì giá đất nền đã tăng hơn 20%.

Như vậy, dù dịch bùng phát và phải dãn cách xã hội liên tục, nhưng chỉ trong vòng 1 - 2 năm, giá nhà ở tại TP.HCM vẫn bị đẩy lên cao ngất ngưởng.

du-an-the-global-city-tai-tp-thu-duc.jpeg
Dự án The Global City tại TP. Thủ Đức đã tăng từ 15 - 20%, lên 350 triệu đồng mỗi m2.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do thiếu nguồn cung. Theo thống kê từ Savills Việt Nam, nguồn cung căn hộ tại TP.HCM trong năm qua giảm đến 54%, chỉ còn 11.700 căn. Đây là mức thấp nhất trong vòng 5 năm.

Theo Hiệp hội bất động sản TP.HCM, ngoài yếu tố pháp lý thì việc mất cân đối cung - cầu đã khiến mặt bằng giá liên tục bị đẩy lên cao.

Thứ hai là do tác động vết dầu loang từ kết quả đấu giá 4 lô đất Thủ Thiêm lập đỉnh cuối năm ngoái đã khiến mặt bằng giá đều tăng theo. Điều này sẽ gây khó cho doanh nghiệp trong việc tạo lập quỹ đất xây dựng dự án nhà ở trong tương lai.

Tình trạng này sẽ khiến cho việc bồi thường giải phóng mặt bằng hoặc thương lượng với người dân tạo quỹ đất mới để mà đầu tư các dự án bất động sản trong giai đoạn này sẽ khó cho các doanh nghiệp. Nhất là khi giá đất càng ngày càng tăng.

Cuối cùng người dân sẽ là người thiệt cuối cùng vì gánh tất cả những chi phí đó doanh nghiệp tính vào chi phí và cuối cùng giá đầu ra sẽ tiếp tục tăng.

Báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng vừa công bố, những tháng đầu năm nay tại TP. HCM, giá chào bán các phân khúc như căn hộ, nhà ở riêng lẻ… đều tăng mạnh.

Riêng giá đất nền tăng 20 - 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Bộ dự báo đây vẫn có thể là sự khởi phát của hiện tượng "sốt giá" bất động sản trong năm nay.

Nếu thị trường vẫn tiếp tục giữ đà tăng giá sẽ có 2 rủi ro có thể xảy ra cho cả người mua nhà ở thực và cả giới đầu tư.

Thứ nhất, giá tăng cao ngay cả ở những phân khúc hạng C là nhà ở bình dân, khiến đại đa số người mua nhà ở thực sẽ khó tìm được chỗ ở phù hợp.

Thứ hai, giới đầu tư sẽ khó bán lại giá cao khi giá mua từ chủ đầu tư (giá sơ cấp) đã quá cao, từ đó gây khó khăn cho giao dịch trên thị trường thứ cấp.

Thiên Ân