Chữa bệnh không dùng thuốc

Hàu tốt cho người bệnh tiểu đường, cao huyết áp

  • Tác giả : BS Xuân Mai
(khoahocdoisong.vn) - Hàu là loại đồ biển rất giàu dinh dưỡng không chỉ giúp tăng cường sức mạnh cho sinh lý cho nam giới mà rất thích hợp cho những người bị bệnh tiểu đường, cao huyết áp, loãng xương...

Hàu còn được gọi là mẫu lệ, là loại đồ biển rất giàu các axit amin cần thiết, các vitamin và nguyên tố vi lượng, đặc biệt là đồng và kẽm.

Theo dinh dưỡng học cổ truyền, hàu vị ngọt mặn, tính lạnh có công dụng tư âm, dưỡng huyết, hoạt huyết, bổ ngũ tạng, rất thích hợp cho những người mắc các chứng bệnh thuộc thể âm hư, các bệnh nhân bị ung thư đã được hóa hoặc xạ trị.

Thịt hàu ngon và ngọt thường được dùng dưới dạng món ăn – bài thuốc như nướng chín rồi tẩm giấm, lá chanh, gừng và gia vị hoặc nấu canh cùng với sứa hoặc nấu canh cùng với đậu tương.

Canh hàu bổ sung iốt: Thịt hàu 50g, sứa 50g, nấu ăn thường xuyên. Hàu một loại thủy sản có chứa rất nhiều iốt và kẽm. Trong 100g thịt hàu có 70 - 100mg iốt và kẽm. Nhiều nhà hàng đặc sản biển còn chế biến hàu và sứa dưới dạng nộm rất ngon và hấp dẫn. Tuy nhiên, những người tỳ vị hư hàn, bụng yếu thì không nên dùng.

Bánh hàu chữa loãng xương: Bột mẫu lệ, bột bạch linh, bột mỳ, bột xương dê và đường trắng lượng bằng nhau. Trộn đều các loại bột với nhau, cho lượng nước vừa đủ, nhào thật kỹ cho thêm mỡ và muối rồi nặn thành những chiếc bánh nhỏ, nước chín, dùng làm đồ ăn điểm tâm hàng ngày. Công dụng: Bổ tỳ thận, mạnh gân cốt.

Canh hàu rau hẹ chữa đái tháo đường: Thịt hàu 150g, rau hẹ 60 – 120g, thêm gia vị, nấu canh ăn. Dùng cho các trường hợp lao phổi suy nhược, ho khan ít đờm, mồ hôi trộm (đạo hãn), bệnh đái tháo đường. Với trẻ nhỏ mồ hôi trộm nên dùng liều: 30g hàu, hẹ 60g xào ăn hàng ngày.

Hàu luộc trị bướu cổ: Hàu (kể cả sò huyết) luộc chín, ăn với ớt tiêu gia vị thường ngày có tác dụng bổ âm thanh nhiệt lợi tiểu tán kết. Dùng cho các trường hợp vàng da phù nề, sưng hạch, bướu cổ, khí hư, huyết trắng, bệnh đái tháo đường.

Cháo hàu trị tăng huyết áp: Thịt hàu 50g, thịt trai 50g, gạo tẻ 100g. Nấu nhừ, ăn 2 lần trong ngày có tác dụng chữa tăng huyết áp, nhức đầu chóng mặt, gan suy.

Đau dạ dày: Hàu 15g, hoài sơn 16g, uất kim 12g, trần bì 10g, dạ cẩm 12g, hậu phác 10g, bạch truật 14g, cam thảo 12g, bồ công anh 16g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần. Công dụng: Giảm chất toan trong dạ dày, giảm ợ hơi ợ chua, chống viêm loét.

Di tinh hoạt tinh: Hàu 15g, cẩu tích 12g, lạc tiên 16g, tâm sen 10g, thục địa 12g, sơn thù 12g, khiếm thực 12g, hoài sơn 16g, đan bì 10g, trạch tả 10g, ngũ gia bì 16g, phòng sâm 12g, đương quy 16g, cam thảo 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

Chữa u xơ tiền liệt tuyến: Hàu 16g, trinh nữ hoàng cung 6g, quả ké 16g, bồ công anh 16g, trà khô 10g, hoàng kỳ 10g, ích mẫu 12g, đan sâm 12g, huyền sâm 12g, trần bì 10g, lá ngũ gia bì 16g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.

Ngoài ra, vỏ hàu cũng được dùng làm thuốc, có tên là mẫu lệ. Vỏ hàu chứa canxi với hàm lượng cao dưới dạng muối carbonat, photphat và sulfat, magiê, sắt, nhôm và chất hữu cơ, có vị mặn, chát, tính hơi lạnh, không độc, có tác dụng thanh nhiệt, hóa đờm, giải độc, lợi tiểu, trừ nóng khát, hư tổn, chữa di tinh, bạch đới, đái nhắt, đau dạ dày, băng huyết. Ngày uống 12 - 20g dưới dạng thuốc sắc hoặc thuốc bột. Để chữa mồ hôi trộm, chứng nổi hạch, mỗi ngày uống 8g bột vỏ hàu với nước ấm.

BS Xuân Mai (Hội Đông y Việt Nam)
 

BS Xuân Mai