Tình trạng "sốt đất" xảy ra tại nhiều địa phương, nóng nhất là giai đoạn sau Tết Nguyên đán 2021. |
Nhiều cuộc tháo chạy của nhà đầu tư
Gần đây tình trạng nhà đầu tư trúng đấu giá nhưng bỏ cọc tháo chạy diễn ra tại nhiều địa phương. Đơn cử như tỉnh Bắc Giang, kết quả rà soát của UBND huyện Lạng Giang cho thấy, đến thời điểm tháng 4/2021, toàn huyện còn 103 lô đất sau đấu giá đã hết thời hạn nộp tiền nhưng khách hàng bỏ cọc, không nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách nhà nước.
Các lô đất trên có diện tích từ 90m2 đến hơn 200m2/lô, với 55 lô thuộc thôn Chùa, xã Thái Đào, 37 lô thuộc thôn Vàng và khu dân cư chợ Năm, xã Tiên Lục; 3 lô thuộc thôn Thanh Lương, Cầu Đá và khu cổng UBND xã Quang Thịnh, 3 lô thuộc thôn Tân Sơn, xã Tân Dĩnh, 4 lô tại tổ dân phố Tân Luận, và 1 lô tại thị trấn Vôi, tổ dân phố Lèo, thị trấn Kép.
Tổng số tiền các lô đất khách hàng trúng đấu giá hơn 156 tỷ đồng, chênh lệch hàng chục tỷ đồng so với giá khởi điểm. Việc các nhà đầu tư “tháo chạy” đã khiến UBND huyện Lạng Giang phải có kế hoạch đưa các lô đất này vào đấu giá trong các phiên tiếp theo.
Thời điểm tháng 10, 11/2020 toàn thành phố Bắc Giang tổ chức 3 phiên đấu giá đất, tất cả các phiên này đều có khách hàng bỏ cọc. Tại khu dân cư cạnh quốc lộ 17 phường Đa Mai và khu dân cư cạnh Bệnh viện Nội tiết tỉnh, xã Tân Mỹ có 18 lô bỏ cọc, tại phường Dĩnh Kế, xã Đồng Sơn, xã Dĩnh Trì có 16 lô bỏ cọc, tại các phường Trần Phú, Ngô Quyền, Trần Nguyên Hãn, Xương Giang, Mỹ Độ và xã Đồng Sơn, Tân Mỹ cũng có 6 lô bỏ cọc.
Tháng 10/2020 huyện Yên Dũng - Bắc Giang đã tổ chức tổng cộng 4 phiên đấu giá, sau đó cũng có 4 trường hợp bỏ cọc, không nộp tiền.
Hiện tượng bỏ cọc xảy ra gần đây nhất là diễn ra tại tỉnh huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa Lê Sỹ Nghiêm vừa phải ký ban hành các quyết định hủy bỏ kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất tại khu dân cư xã Hoằng Thành đối với 21 cá nhân và 29 cá nhân khác trúng đấu giá tại khu dân cư xã Hoằng Đồng. Các lô đất tại đây đã đấu giá vào khoảng tháng 3/2021, nhưng đã quá thời hạn mà khách hàng không nộp đủ tiền trúng đấu giá.
Các địa phương sốt đất của tỉnh Thanh Hóa trong thời gian trước là tại các huyện Như Thanh, Hoằng Hóa, Thọ Xuân, Quảng Xương… Nóng nhất có thể nhắc đến tại xã Xuân Sinh, huyện Thọ Xuân. Trong các ngày 2 và 9/4/2021 huyện này tổ chức bán đấu giá 46 lô đất nhưng đã có hơn 2.000 bộ hồ sơ tham gia đấu giá. 46 lô đất tại mặt bằng quy hoạch này có giá khởi điểm là 250 triệu đồng/lô, nhưng được đấu giá lên tới 1 – 1,4 tỷ đồng. Hàng trăm ô tô từ khắp mọi nơi kéo về vây kín xung quanh UBND Xuân Sinh, nơi diễn ra các phiên đấu giá đất.
Sau các phiên đấu giá đất nhiều nhà đầu tư không kịp "sang tay" kiếm lời. |
Hệ quả của các cuộc “sóng đất”
Thực tế, tình trạng "sốt đất" xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước đặc biệt nóng là thời điểm sau Tết Nguyên đán 2021. Các nhà đầu tư ngoài địa phương và nhiều người dân nội tỉnh đã đổ xô đi “săn đất”, thông qua các cuộc đấu giá đất, hoặc mua đi bán lại.
Đứng đằng sau là các nhà đầu cơ, môi giới bất động sản đã lợi dụng các thông tin về quy hoạch, nâng cấp hệ thống hạ tầng và việc triển khai các dự án lớn, trọng điểm... để tung tin đồn thổi, mua đi bán lại bất động sản, lôi kéo người dân tham gia nhằm đẩy giá bất động sản lên cao “chóng mặt” nhằm trục lợi.
Theo các chuyên gia, thực tế số người dân có nhu cầu mua để ở không nhiều, họ đấu giá xong với hy vọng sang tay cho các “cò” đất khác hoặc người có nhu cầu để kiếm mức chênh lệch.
Người có vốn lớn thì tự đấu, người có vốn ít rủ nhau thành nhóm người góp tiền chung nhau đi đấu giá. Nếu đấu giá trúng, đẩy được đất đi luôn thì lợi nhuận chia nhau. Nhưng khi giao dịch bất động sản chùng xuống, không bán được, trong khi không đủ tiền nộp theo quy định, hậu quả là bỏ cọc, chấp nhận thiệt hại lớn về kinh tế.
Phần khác còn bởi các phiên đấu giá được các địa phương tổ chức dồn dập, liên tiếp nhau trong khoảng thời gian ngắn không khác gì tạo ra những cơn sóng về giá theo kiểu sóng chồng sóng, khiến giá đất trở nên ảo. Có những nhà đầu tư đã ôm quá nhiều lô đất sau các phiên giao dịch.
Tuy nhiên, sau những cơn sốt đất trên, các bộ ngành và chính quyền địa phương đã vào cuộc kiểm tra, rà soát, quản lý chặt chẽ khiến hoạt động mua bán, thị trường bắt chững lại. Đặc biệt, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại đã khiến thị trường bất động sản ở nhiều địa phương "đóng băng" do phải thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch.
Kết quả, trên cơ sở các lô đất không có khách đến làm thủ tục nộp tiền trúng đấu giá theo quy định, các địa phương sẽ tổng hợp và tiếp tục tiến hành tổ chức đấu giá với mức giá khởi điểm vẫn giữ như những phiên đấu giá trước.
Như vậy, hiện tượng các khách hàng bỏ cọc cũng là phản ánh đúng quá trình điều tiết của thị trường, bảo đảm các lô đất trở về đúng giá trị thực của nó. Người thiệt hại chính là nhà đầu tư hám lời “ôm đất”, nhưng không kịp chuyển nhượng.