Dữ liệu y khoa

Hậu Covid-19 ở trẻ và lý do nên tiêm văcxin

  • Tác giả : Tuyết Vân (thực hiện)
Chiến dịch tiêm văcxin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 - 11 tuổi đang triển khai tại các tỉnh, thành trong cả nước. Trước nhiều băn khoăn của các bậc cha mẹ, TS sinh học phân tử Nguyễn Hồng Vũ, cố vấn khoa học của Tổ chức Ruy Băng Tím, chuyên gia nghiên cứu văcxin tại City of Hope (Mỹ) đã có trao đổi xung quanh vấn đề này.
ts-vu.jpg
TS sinh học phân tử Nguyễn Hồng Vũ, cố vấn khoa học của Tổ chức Ruy Băng Tím, chuyên gia nghiên cứu văcxin tại City of Hope (Mỹ).

Ở độ tuổi 5 - 11, trẻ ít bị các triệu chứng phụ nguy hiểm

Việt Nam đang triển khai chiến dịch tiêm văcxin Covid-19 cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi. Bên cạnh sự ủng hộ cũng có nhiều cha mẹ vẫn còn băn khoăn “có nên cho trẻ tiêm hay không?”. Tiến sĩ có chia sẻ gì về lo lắng này?

Chính mình cũng đã từng đối mặt với câu hỏi này. Bé nhà mình sinh năm 2012. Đầu tháng 11/2021, văcxin Covid-19 cho trẻ em với liều 1/3 so với người lớn của Pfizer/BioNTech đã được FDA (Mỹ) chấp thuận sử dụng khẩn cấp. Tuy nhiên, tận tháng 2 vừa rồi mình mới cho bé đi chích ngừa. Mình đã hoãn việc chích văcxin thời điểm tháng 11 sau khi cân nhắc một số yếu tố. Thứ nhất, trẻ đã trở lại trường học từ tháng 3, tính đến tháng 11 là được 8 tháng nhưng các bé vẫn ổn, không có sự cố bùng dịch trong trường. Thứ hai bé nhà mình không có bệnh nền và đang ở độ tuổi mà nguy cơ trở nặng do Covid-19 là cực kỳ thấp. Hai vợ chồng mình cũng đã chích ngừa văcxin Covid-19, không có bệnh nền, do vậy, nguy cơ lây bệnh từ bé và trở nặng cũng thấp. Nói chung mình không có lý do phải cho bé vội vàng đi chích ngừa thời điểm đó.

Vậy sao mới đây gia đình mình lại cho bé đi chích ngừa văcxin Covid-19?

Mình mới cho bé chích ngừa hồi tháng 2 vừa rồi vì gần đây ở Mỹ và 1 số nước bắt đầu có những quy định về Hộ chiếu văcxin. Việc chích văcxin có thể giúp bé đi lại hoặc tham gia các hoạt động dễ dàng và tự tin hơn. Ngoài ra, ở độ tuổi 5 - 11 tuổi, với liều 1/3 so với người lớn thì các dữ liệu khoa học đến nay cho thấy có vẻ ít bị triệu chứng phụ nguy hiểm hơn (như viêm cơ tim) so với nhóm trẻ từ 12 - 17 tuổi. Có thể là do liều thấp hơn hoặc trẻ nhỏ tuổi ít mẫn cảm hơn.

Nghĩa là không có câu trả lời chính xác “có hoặc không”?

Đúng vậy. Nếu bé nhà mình là trẻ bị béo phì hoặc có bệnh nền, là yếu tố nguy cơ trở nặng khi mắc Covid-19 thì có lẽ mình đã có những quyết định khác như cho bé đi chích ngừa sớm ngay từ đầu tháng 11 năm ngoái thay vì đợi đến tháng 2 năm nay mới đi chích. Vì vậy, các cha mẹ nếu còn ngần ngại thì nên căn cứ trên tình trạng sức khỏe của con, tiền sử bệnh của gia đình, tìm hiểu thông tin đầy đủ rồi cân nhắc giữa “rủi ro” và “lợi ích” để đưa ra quyết định. Quyết định nên đưa ra dựa vào sự chênh lệch của các yếu tố “lợi ích” và “nguy cơ” trên bàn cân.

Trẻ vừa đủ 5 tuổi nhưng còi, yếu, có bệnh nền thì có nên tiêm?

Không có khuyến cáo không tiêm cho trẻ bị còi, do vậy, cứ đủ tuổi là đủ điều kiện để tiêm. Trẻ có những bệnh nền là nguyên nhân gây trở nặng khi mắc Covid-19 như suy giảm miễn dịch, béo phì, ung thư... thì càng nên tiêm.

Nên trì hoãn tiêm đối với trẻ đang mắc các bệnh cấp tính, mạn tính tiến triển, đang mắc Covid-19 hoặc đang sốt trên 38.5 độ C. Những trẻ có tiền sử dị ứng cần thận trọng khi tiêm, nên được tiêm ở những cơ sở y tế/bệnh viện có bộ phận hỗ trợ sốc phản vệ.

tim-cho-tre.jpg
Chiến dịch tiêm văcxin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 - 11 tuổi đang triển khai tại các tỉnh, thành trong cả nước.

Kết quả khảo sát cho thấy, đến nay cả nước có khoảng 11,8 triệu trẻ trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi, trong đó có khoảng 3,6 triệu trẻ đã mắc Covid-19. Những trẻ đã mắc Covid-19 cần trì hoãn tiêm chủng sau 3 tháng tính từ khi âm tính. Việt Nam sử dụng hai loại văcxin Pfizer và Moderna để tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Văcxin Pfizer liều tiêm 0,2ml, tiêm bắp; văcxin Moderna tiêm liều bằng 1/2 liều cơ bản của người lớn (tương đương 0,25ml), tiêm bắp.

PGS.TS Phan Trọng Lân (Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế)

Có thể có triệu chứng hậu Covid-19

Trẻ em trong độ tuổi từ 5 - 11 có nhiều em phải tiêm phòng các loại văcxin khác như sởi, quai bị, rubella, thủy đậu... Liệu tiêm văcxin Covid-19 cùng lúc các loại văcxin khác có được không?

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật CDC Hoa Kỳ khuyến cáo có thể tiêm văcxin Covid-19 cho trẻ trong cùng thời điểm tiêm các loại văcxin khác nhưng tiêm ở các vị trí khác nhau. Kháng nguyên từ văcxin Covid-19 sử dụng tiêm cho trẻ nhóm 5 - 11 tuổi thuộc nhóm văcxin RNA không bị ức chế hoặc tương tác với các kháng nguyên có trong các loại văcxin hiện có trên thị trường.

Gần đây, tại Việt Nam có một số trẻ bị tình trạng hậu Covid-19 từ nhẹ đến nặng. Tiến sĩ có khuyến cáo gì?

Đối với bệnh Covid-19, hầu hết trẻ em khi mắc sẽ bị bệnh nhẹ, khỏi nhanh và phần lớn không có triệu chứng, chỉ một tỷ lệ rất nhỏ bị trở nặng hoặc tử vong. Trẻ có thể có những triệu chứng hậu Covid-19 giống người lớn như ho, đau ngực, đau cơ, khó thở, khó tập trung… nhưng tỷ lệ như thế nào thì chưa rõ ràng vì các nghiên cứu vẫn chưa thu thập được các số liệu đáng tin cậy.

Ngoài các triệu chứng giống người lớn như trên, trẻ còn có thể mắc hội chứng riêng đặc trưng ở trẻ được gọi là MIS-C (Multisystem inflammatory syndrome in children, tạm dịch là viêm đa cơ quan ở trẻ em) sau nhiễm SARS-CoV-2, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan như da, tim, phổi, thận… Đây là hội chứng hiếm gặp ở trẻ sau khi mắc Covid-19 nhưng có thể nguy hiểm đến tính mạng. Trẻ mắc MIS-C thường có biểu hiện phổ biến nhất là ngứa, phát ban (nổi mề đay) ở nhiều vùng trên da, ngoài ra có thể bị sốt cao liên tục, môi đỏ, mắt đỏ, da phát ban, đau bụng, tiêu chảy, có thể sưng đau hạch cổ...

Tại Mỹ, tỷ lệ MIS-C ở trẻ em sau khi mắc Covid-19 là khoảng 1 trong 3.000 ca. MIS-C thường xảy ra vào khoảng 2 - 6 tuần sau nhiễm nCoV, nhưng cũng có thể gặp sớm hoặc trễ hơn. Vì vậy, khi cha mẹ thấy trẻ có bất kỳ triệu chứng khác thường cần tới ngay các cơ sở y tế để thăm khám kịp thời.

Nếu trẻ đã nhiễm Covid-19 thì sau bao lâu nên tiêm văcxin?

Nghiên cứu khoa học cho thấy, sau 6 tháng nhiễm virus SARS-CoV-2, hệ miễn dịch người khỏi bệnh vẫn tốt hơn người chích văcxin. Tuy nhiên, nếu lo lắng các gia đình có thể cho trẻ chích ngừa sau khi trẻ đã khỏi bệnh và hồi phục hoàn toàn. Trẻ từ 5 - 11 tuổi đã mắc Covid-19 tại Việt Nam được khuyến cáo chích ngừa sau khi khỏi bệnh ít nhất 3 tháng.

Khi đưa trẻ đi tiêm, cha mẹ cần chuẩn bị những gì?

Cha mẹ cần tìm hiểu kỹ các kiến thức về tiêm chủng văcxin Covid-19 cho trẻ từ 5 - 11 tuổi trước khi tiêm. Chuẩn bị tâm lý tích cực cho mình và cho trẻ. Không cho trẻ ăn quá no hay bị đói trước khi tiêm. Trước khi tiêm, cha mẹ nên cùng nhân viên y tế kiểm tra một lần nữa liều văcxin được chuẩn bị là liều văcxin dùng cho trẻ từ 5 - 11 tuổi (được lấy từ lọ văcxin nắp màu cam của Công ty Pfizer-BioNTech). Sau khi tiêm, ở lại điểm tiêm chủng tối thiểu 30 phút và thông báo ngay với cán bộ y tế khi trẻ có dấu hiệu bất thường.

Xin cảm ơn Tiến sĩ!

Tuyết Vân (thực hiện)

PGS.TS Dương Thị Hồng (Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư)

Các phản ứng sau tiêm văcxin Covid-19 cho trẻ từ 5 - 12 tuổi tương tự như các phản ứng ở trẻ trên 12 tuổi. Sốt, sưng, đau tại vết tiêm là những phản ứng thông thường sau khi tiêm văcxin. Tuy nhiên, nếu trẻ sốt cao không hạ hơn 24 giờ, phát ban, triệu chứng đau ngực, mệt lả, khó thở, da tím... phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ. Khi trẻ sốt cao cho uống paracetamol với liều lượng 10 - 15mg/kg cân nặng của trẻ. Tuyệt đối không đắp lá cây, bôi các thuốc không có trong hướng dẫn lên vị trí tiêm. Sau khi tiêm về nhà, cho trẻ uống nhiều nước, ăn đồ đủ đinh dưỡng, dễ tiêu và nghỉ ngơi, hạn chế vận động mạnh trong 3 - 5 ngày.

Tuyết Vân (thực hiện)