Doanh nghiệp

Hậu cổ phần hóa, Gang thép Thái Nguyên kinh doanh không đủ trả lãi vay

  • Tác giả : Tuấn Thủy
(khoahocdoisong.vn) - Hầu hết doanh nghiệp thép đều được hưởng lợi trong năm 2020 nhờ gia tăng đầu tư công, xuất khẩu thép sang Trung Quốc tăng mạnh, giá thép cao. Tuy nhiên, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (Tisco - Mã CK: TIS) lại có kết quả kinh doanh khá ảm đạm, làm không đủ trả lãi vay, do sức cạnh tranh yếu và vướng mắc pháp lý.

Thực tế là không còn khả năng trả nợ

Sau khi thực hiện cổ phần hoá từ doanh nghiệp Nhà nước - Công ty Gang thép Thái Nguyên, trực thuộc Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNS) vào năm 2007, Tisco tiếp quản Dự án “Cải tạo và mở rộng sản xuất Công ty Gang thép Thái Nguyên - giai đoạn 2” (gọi tắt là Dự án mở rộng gang thép 2).

Thế nhưng, Dự án này không giúp Tisco mở rộng sản xuất, mà chỉ khiến nợ vay của công ty tăng thêm nhiều nghìn tỷ đồng. Hiện tại, khối nợ của Tisco đã phình to tới hơn 7.000 tỷ đồng. Quá nửa số nợ trên là những khoản đến từ nợ gốc và lãi vay phải trả ngân hàng đã quá hạn thanh toán liên quan đến Dự án mở rộng gang thép 2.

Vì Tisco không có khả năng thanh toán, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị các Bộ ngành, rà soát, xử lý những tồn tại, áp dụng cơ chế giảm lãi vay phát sinh và báo cáo Chính phủ. Những khoản nợ gốc quá hạn còn lại, Tisco cũng không có cách nào trả được ngoài việc tích cực làm việc với các ngân hàng để được gia hạn nợ, nhưng gia hạn đến khi nào thì... không biết.

Dự án mở rộng Công ty Gang thép Thái Nguyên 2 ban đầu có tổng chi phí dự toán là 3.845 tỷ đồng, do Tisco làm chủ đầu tư. Nhưng sau đó, VNS và Tisco đã điều chỉnh tổng mức đầu tư mới lên 8.105 tỷ đồng. Tisco đã ký kết hợp đồng với nhà thầu chính trong Dự án này là Công ty China Metallurgical Group Corporation (MCC) trong tháng 7/2007. Thời gian thực hiện được ấn định là 30 tháng. Nhưng sau hơn 13 năm, đến nay dự án này vẫn ngổn ngang, gỉ sét.

Khoản vay ngân hàng liên quan đến Dự án mở rộng gang thép 2 đến cuối năm 2020 của Tisco là 2.872 tỷ đồng. Nợ quá hạn là 972 tỷ đồng. Con số nợ quá hạn chắc chắn sẽ tiếp tục tăng lên khi mà hơn 1.700 tỷ đồng đã đến hạn trong năm 2021.

Được biết, tháng 5/2006, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) khu vực Bắc Kạn - chi nhánh Thái Nguyên đã cho Tisco vay 1.400 tỷ đồng trong thời hạn 15 năm. Đến nay, sắp tròn 14 năm, khoản nợ tại VDB vẫn là 1.113 tỷ đồng.

Chắc chắn trong vòng 12 tháng tới, việc trả nợ hơn 1.000 tỷ đồng cho VDB là nhiệm vụ “bất khả thi” đối với Tisco.

Ngoài ra, năm 2010, Tisco cũng vay thêm VietinBank Hà Nội gần 2.000 tỷ đồng để đầu tư vào Dự án, với kỳ hạn 14,5 năm. Số nợ gần 2.000 tỷ đồng này chính là dự báo trước cho nợ xấu của VietinBank trong tương lai.

Mặc dù có xếp hạng tín dụng doanh nghiệp thấp, nhưng Tisco vẫn được chỉ đạo để ngân hàng “ưu tiên” cho vay hàng nghìn tỷ đồng trong năm Covid (2020), thậm chí vay tín chấp, không cần tài sản đảm bảo.

Cụ thể, BIDV chi nhánh Thái Nguyên cho Tisco và công ty con vay gần 800 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 250 tỷ đồng là cho vay tín chấp. VietinBank cho Tisco vay 560 tỷ đồng. MBBank cho Tisco vay 190 tỷ đồng và Ngân hàng TNHH Indovina cho vay tín chấp 6 tỷ đồng.

Tài sản không có giá trị

Sau khi thực hiện cổ phần hóa, tài sản của Tisco tăng lên đáng kể. Trước đó, tổng tài sản của Tisco chừng trên dưới 5.000 tỷ đồng, thì nay, tài sản của Tisco đã đạt hơn 9.357 tỷ đồng.

Thực tế, gần chục nghìn tỷ đồng tài sản của Tisco lại khó có thể sinh lời, do 64% tổng tài sản của Tisco bị “đóng băng” ở Dự án mở rộng gang thép 2.

Dự án mở rộng gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 (Nguồn: VTV).

Dự án mở rộng gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 (Nguồn: VTV).

Đến thời điểm 31/12/2020, tổng giá trị đầu tư của Dự án được ghi nhận trong tài sản dở dang dài hạn là 5.665 tỷ đồng. Trong đó, chi phí lãi vay vốn hóa là 2.457 tỷ đồng.

Chiếm 13% tổng tài sản và 66% tài sản ngắn hạn là lượng hàng tồn kho có giá trị hơn 1.256 tỷ đồng. Số hàng tồn kho này đã được dùng để thế chấp, đảm bảo các khoản vay trong năm 2020.

Còn lại, tài sản của Tisco chủ yếu nằm trong những công nợ cho vay khó có khả năng thu hồi, những khoản nợ xấu (606 tỷ đồng) và những khoản chi trả trước cho những khoản bồi thường, khắc phục sụt lún, phục hồi môi trường do phá mỏ, bóc đất, khai thác...

Kinh doanh kém khả quan, không đủ trả lãi, Tisco vẫn mạnh dạn mang tiền đi đầu tư góp vốn vào các công ty khác, nhưng không mang về được đồng lãi nào. Riêng khoản đầu tư 7,5 tỷ đồng để mua 16,3% cổ phần của Công ty CP Hợp Kim Sắt Phú Thọ có nguy cơ mất trắng. Tisco phải trích lập dự phòng 100% cho khoản đầu tư, góp vốn này.

"Con" của Tisco là Công ty CP Khai thác và Chế biến khoáng sản Thái Trung phải dừng hoạt động 6 năm nay, do chưa hoàn thiện thủ tục xin giấy phép khai khoáng theo quy định.

Tài sản thấp, hầu như không có giá trị sinh lời, trong khi nợ quá nhiều. Nợ ngắn hạn của Tisco luôn vượt quá tài sản ngắn hạn trên 3.200 tỷ đồng. Chi tiết này đã khiến công ty Kiểm toán nghi ngờ sự tồn tại và khả năng hoạt động liên tục của công ty.

Gánh nặng nợ dồn nợ, liên tục phải vay mượn để bổ sung vốn lưu động nên chi phí trả lại càng thêm cao. Sức cạnh tranh đối với những doanh nghiệp tư nhân, tập đoàn thép lớn trong nước hầu như không có. Tisco vẫn đang phải cố gắng gồng lãi trong những năm gần đây.

Mặc dù cuối năm 2020, Tisco vẫn báo lãi trước thuế 35 tỷ đồng. Nhưng khoản lãi này không đủ để trả một phần chi phí lãi liên quan đến Dự án mở rộng gang thép 2.

Sang đầu năm 2021, những đối tượng nguyên là lãnh đạo cấp cao của VNS và Tisco liên quan đến Dự án mở rộng gang thép 2 đã bị tuy tố với tội danh gây hậu quả thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước.

Mới đây, nhiều người dân và một số cơ quan báo chí đã phản ánh về bãi chất thải nguy hại lộ thiên của Tisco cạnh trục đường chính của TP Thái Nguyên (Đường Cách Mạng Tháng 8). Do đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên đã phải thành lập đoàn thanh tra việc chấp hành pháp luật và bảo vệ môi trường của công ty này.

Trong năm 2020, Tisco đã hạch toán khoản dự phòng cho chi phí khắc mục môi trường là 30 tỷ đồng.

Tuấn Thủy