Trong nước

Hàng mã ế ẩm cận kề Rằm tháng 7

  • Tác giả : Bình Nguyên
Rằm tháng 7 , theo quan niệm dân gian là ngày xá tội vong nhân và cũng là ngày lễ Vu lan báo hiếu, để con cháu bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên, nguồn cội.

Hoạt động đốt vàng mã được coi là nghi lễ tâm linh của người Việt. Với quan điểm “trần sao âm vậy”, nhiều gia đình thực hiện hình thức này để tưởng nhớ, tri ân các đấng sinh thành. Do đó, trong nhiều năm trước đây, Rằm tháng 7 là thời gian các khu phố chuyên bán đồ vàng mã rất sôi động, cảnh mua bán tấp nập.

Can ke Ram thang 7, hang ma van e am

Thời trang hàng hiệu, trang sức, nhà cửa.... được bày la liệt trên hè phố.Hàng Mã

Tại những tuyến phố vốn được coi là “thủ phủ” đồ âm phủ, đồ thờ cúng như phố Hàng Mã, Hàng Lược, Lương Văn Can (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) các mặt hàng được trưng bày đa dạng chủng loại mẫu mã. Từ những món đồ thường mua như quần áo, ngựa, mũ nón, tiền vàng... đến các mặt hàng xịn xò như nhà lầu, laptop, điện thoại, ô tô...có giá từ vài nghìn đồng cho đến vài triệu đồng. Nhiều mẫu mã mới phục vụ nhu cầu, thị hiếu của khách hàng mua sắm cho ngày Rằm tháng 7 như iphone, máy tính... Tuy nhiên, năm nay Rằm đã cận kề mà cảnh mua bán vẫn ảm đạm, rất ít người mua. Nhiều tiểu thương trên phố Hàng Mã cho biết, năm nay sức mua mặt hàng này chỉ bằng 40 - 50% so với năm ngoái.

Tại những "thủ phủ vàng mã" của miền Bắc, như xã Song Hồ (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh), làng Phúc Am (huyện Thường Tín, Hà Nội) sức mua năm nay cũng giảm nhiệt. Không còn cảnh nhộn nhịp, tấp nập xe máy, ô tô thương lái ra vào chở đồ cúng lễ đi các địa phương, nên các hộ dân tại đây cũng sản xuất cầm chừng. Các gia đình không còn thuê thêm người làm, mà chủ yếu tận dụng người trong nhà, giá thành các sản phẩm vàng mã phải điều chỉnh giảm để người dân dễ mua hơn.

Lý giải nguyên nhân lượng khách giảm sút, bà Minh Lý, một tiểu thương kinh doanh trên phố Hàng Mã cho hay, vài năm trở lại đây, việc hạn chế đốt vàng mã đã được các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội kêu gọi trong nhân dân nhằm giảm ô nhiễm môi trường và phòng tránh hỏa hoạn. Do đó, đã có nhiều gia đình không còn duy trì tục đốt vàng mã. Một số chùa cũng không cho hóa vàng nữa nên ít người mua.
Can ke Ram thang 7, hang ma van e am-Hinh-2
Các loại ô tô, xe máy, biệt thự đầy đủ tiện nghi bên trong có giá từ khoảng 180.000 - 250.000 đồng. Nguồn ảnh Tienphong.vn
Chị Nguyễn Thị Huyền (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ, việc đốt vàng mã lâu nay được coi như một thói quen, nét văn hóa của người Việt Nam mỗi dịp lễ nên mọi năm Rằm tháng 7 chị cũng mua sắm rất nhiều hàng mã để đốt cho gia tiên.... Tuy nhiên, vài năm gần đây, gia đình chị đã từ bỏ thói quen này. khi nhận thấy nó gây lãng phí, tốn kém, ô nhiễm môi trường và nguy cơ hỏa hoạn.
Bàn luận về vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội UNESCO TP Hà Nội Trương Minh Tiến nêu rõ, các nghi lễ có sử dụng vàng mã trong đời sống tín ngưỡng là một phong tục truyền thống hàm chứa một số ý nghĩa tốt đẹp. Tuy nhiên, đốt vàng mã gây ra sự lãng phí công sức, tiền của và đốt quá nhiều sẽ gây ô nhiễm môi trường. Chưa kể đây còn là một trong những nguyên nhân chính gây ra các vụ hỏa hoạn tại khu dân cư và di tích.
>>> Mời quý độc giả xem video: Bà Lê Thị Kim Loan, quận Tây Hồ, Hà Nội nói về việc không nên vứt bát hương, tro... xuống Hồ Tây gây ô nhiễm môi trường:

Bình Nguyên