Hỏi: Khi nào thì cần tăng cường các biện pháp phòng chống tia UV, cách phòng chống tác hại của tia UV như thế nào là đúng?
Trần Bích Hồng (Hà Nội)
ThS Lê Thị Xuân Lan, nguyên Phó phòng Dự báo và Phục vụ Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ: Ngày 9 và 10/12, những thành phố như Huế, Đà Nẵng và Hội An, mức UV cực đại ở mức nguy cơ gây hại trung bình. Mức UV các thành phố khác cực đại trong ngưỡng gây hại rất cao. Trong 3 ngày tiếp theo, mức UV cực đại tại Huế, Đà Nẵng và Hội An tiếp tục ở ngưỡng gây hại trung bình. Còn TPHCM và Cần Thơ, mức UV cực đại đều ở ngưỡng gây hại rất cao. Cụ thể, tại TPHCM chỉ số tia cực tím lần lượt trong ba ngày này là 8,6,8, TP Cần Thơ là 8,8,7, TP Cà Mau là 8,8,8, TP Nha Trang là 8,6,7 (chỉ số tia UV từ 3 - 5 là nguy cơ gây hại trung bình, từ 6 - 8 nguy cơ gây hại cao, chỉ số tia UV trên 8 là nguy cơ gây hại rất cao). Các chuyên gia cảnh báo người dân phải chú ý che chắn khi ra đường để tránh các bệnh liên quan đến mắt và da.
Để tránh tác hại của tia UV, các chuyên gia khuyên cần hạn chế ra ngoài trời khi nắng gắt, cố gắng tranh thủ tránh nắng trong bóng râm, cây có bóng mát. Khi ra ngoài trời nắng, cần đội nón rộng vành, có chiều rộng vành trên 2,5cm, phủ được 2/3 khuôn mặt; sử dụng ô; hoặc đeo mắt kính màu sậm; đeo khẩu trang, mặc áo khoác chất liệu chống nắng và thoa kem chống nắng... Tia UV có cường độ mạnh nhất trong khoảng từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều, bạn nên hạn chế ra ngoài thời điểm này. Nếu bạn không chắc chắn về cường độ ánh sáng của mặt trời, bạn hãy thực hiện bài kiểm tra bóng. Nếu bóng đen của bạn ngắn hơn người thì lúc này cường độ tia UV còn mạnh.
Đặc biệt, đeo khẩu trang phải phủ kín mặt, chừa hai mắt đeo kính. Sử dụng màu đen, sậm có tác dụng chống nắng 90%, khẩu trang màu sáng chỉ có tác dụng chống nắng 60%. Nên dùng khẩu trang vải dầy, dệt chéo. Khẩu trang y tế màu xanh chỉ có tác dụng cản bụi, quá mỏng, không có tác dụng chống nắng.