Dữ liệu y khoa

Hạch viêm vùng cổ không phải ung thư

  • Tác giả : ThS.BSCKII Nguyễn Quốc Dũng
Hạch viêm vùng cổ là một triệu chứng rất thường gặp. Việc quan trọng đặt ra đầu tiên là phải xác định hạch lành tính hay ung thư.

Khi đã loại trừ hạch ung thư, chúng ta xác định hạch viêm là nguyên nhân gì, cần loại trừ hạch viêm với các bệnh lý khối u vùng mặt cổ (u xơ thần kinh, u nang, u xơ bì). Xác định hạch viêm do phản ứng hay bệnh lý tại hạch để chúng ta có thái độ xử trí đúng mức, điều trị theo nguyên nhân của hạch.

Vùng cổ là vùng rất giàu hạch bạch huyết

Theo nhiều tài liệu khác nhau, vùng cổ có khoảng từ 450 - 600 hạch, được chia thành các nhóm hạch từ nhóm I - VI. Hạch vùng cổ có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể qua đường thở và đường ăn (mũi, xoang, họng...), qua da, là chặng bảo vệ cơ thể đầu tiên ngăn chặn các tác nhân gây bệnh, xâm nhập vào cơ thể.

Bình thường chúng ta sẽ không sờ thấy hạch trên lâm sàng, chỉ khi hạch phản ứng kích thước hạch trên 6mm, chúng ta mới sờ thấy. Dựa vào bản chất tế bào của hạch, người ta phân hạch thành 2 loại là hạch lành tính và hạch ung thư. Cho đến bây giờ, để tiện trong chẩn đoán, điều trị và thực hành lâm sàng, một số tác giả đồng thuận chia hạch theo bản chất hạch là hạch trong các bệnh lành tính và hạch ung thư.

hach-viem-1.jpg
Hạch viêm vùng cổ không phải ung thư.

Hạch cổ chỉ là biểu hiện triệu chứng của một trong các bệnh nào đó. Nhưng cũng có khi là biểu hiện bệnh của hạch.

Chẩn đoán hạch cổ

Để chẩn đoán hạch cổ chúng ta sẽ dựa vào lâm sàng và xét nghiệm.

Lâm sàng: Sờ thấy hạch trên lâm sàng (khi hạch kích thước trên 5mm), chúng ta phải xác định được vị trí, tính chất (mềm, chắc, cứng, di động hay không di động...), số lượng hạch.

Cận lâm sàng: Siêu âm (phương pháp đánh giá hạch đơn giản, rẻ tiền, dễ làm, chính xác, đặc biệt là giúp chúng ta định hướng hạch lành tính hay ác tính, qua siêu âm còn giúp chúng ta làm chẩn đoán chọc hút tế bào, sinh thiết hạch làm đọc tế bào và giải phẫu bệnh...), CT, MRI, PET CT, chọc hút tế bào, sinh thiết hạch (sinh thiết kim hay mổ sinh thiết). Các xét nghiệm khác bổ sung xác định tìm nguyên nhân như siêu âm vùng cổ, ổ bụng, X-quang tim phổi, xét nghiệm máu...

Trong khi đó, chẩn đoán hạch lành tính hay ung thư dựa vào:

Lâm sàng: Hạch lành tính như kích thước nhỏ, hạch mềm, di động, tiến triển chậm, ít khi đau, thường có nguyên nhân đi kèm viêm họng, viêm mũi xoang, viêm amidal, viêm da vùng đầu cổ, hoặc các bệnh nhiễm trùng miệng họng, răng...

Cận lâm sàng:

Siêu âm: Phát hiện được các hạch kích thước nhỏ, hạch còn cấu trúc vỏ, rốn hạch, không có vôi hóa, không có tăng sinh mạch, xác định số lượng, vị trí và kích thước hạch.

Chọc hút tế bào kim nhỏ (FNA): Xác định rõ hạch lành tính hay ung thư, đơn giản, hiệu quả, độ chính xác đạt 85 - 90%.

Sinh thiết hạch (sinh thiết kim, mổ lấy hạch) chẩn đoán giải phẫu bệnh: Việc này cho chúng ta biết rõ bản chất của hạch là hạch lành tính hay hạch ung thư. Ngoài ra, còn cho chúng ta xác định được hạch gặp trong các bệnh gì?

CT, MRI, PET CT: Cho chúng ta biết sơ bộ số lượng, vị trí, tính chất hạch lành tính hay ung thư, hạch phá vỡ vỏ hay chưa, xâm lấn và liên quan với các cơ quan, bộ phận xung quanh (mạch máu, thần kinh, khí quản, thực quản, xương hàm...). Giúp phẫu thuật viên định hướng khi phẫu thuật.

hach-viem.jpg
Ca phẫu thuật hạch tại Bệnh viện K.

Các nguyên nhân gây hạch to ở cổ

Hạch viêm do phản ứng: Do các viêm nhiễm vùng mũi họng, xoang, khoang miệng, do răng...), gặp trong các bệnh nhiễm trùng cấp tính (vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm), hoặc hạch viêm do các nguyên nhân vật lý, hóa học, phóng xạ.

Hạch viêm trong các bệnh: Viêm mũi xoang, viêm họng, viêm amidal, viêm tai giữa, viêm thanh quản, viêm lợi, viêm răng, viêm khoang miệng, Abcess chân răng, viêm tấy quanh amidal, do cúm, viêm tuyến dưới hàm, viêm tuyến mang tai (quai bị), viêm họng hạch, viêm họng viêm thanh quản do lao, do bạch hầu, do zona thần kinh vùng mặt cổ…

Hạch viêm phản ứng không do các bệnh nhiễm trùng: Do các nguyên nhân hóa học, vật lý, do cơ địa như viêm mũi xoang mạn tính dị ứng, bệnh nghề nghiệp (công nhân tiếp xúc với hoá chất, bụi...).

Hạch viêm do các bệnh lý tại hạch hoặc các bệnh lý toàn thân: Hạch viêm lao; Hạch trong các bệnh giang mai giai đoạn muộn; Hạch viêm trong các bệnh tự miễn như hạch viêm Hashimoto, hạch viêm trong bệnh Kimuza...; Hạch viêm trong các bệnh như bạch hầu, thương hàn, bệnh than, các bệnh nhiễm ký sinh trùng (bệnh do chó cắn, mèo cào...).

Điều trị hạch viêm vùng cổ

Điều trị theo nguyên nhân. Điều trị nội khoa hoặc ngoại khoa, có thể phải kết hợp cả nội và ngoại khoa.

ThS.BSCKII Nguyễn Quốc Dũng (Khoa Phẫu thuật đầu mặt cổ, Bệnh viện K)

ThS.BSCKII Nguyễn Quốc Dũng