Thời sự

Hà Nội từ bài học “làn sóng” di dời cơ sở gây ô nhiễm nội thành

  • Tác giả : Minh Quang
Di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp ra khỏi nội đô TP Hà Nội là một chủ trương lớn mà bản chất là để giải quyết ngay những điểm nóng, bức xúc về ô nhiễm môi trường ở những khu đô thị, thực hiện theo quy hoạch. Tuy nhiên, chính sách này đã tạo nên làn sóng các doanh nghiệp tư nhân thúc đẩy hình thành cơn sốt “đất vàng” trên nền đất di dời kéo dài nhiều năm qua.
huj2.jpeg
Hà Nội di dời Công ty TNHH một thành viên Thuốc lá Thăng Long ra khỏi nội đô.

Biến chuyển trong “xử lý triệt để” cơ sở gây ô nhiễm

Mới đây, HĐND TP Hà Nội vừa thông qua danh mục 9 cơ sở nhà, đất do các doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng phải di dời theo quy hoạch (đợt 1) trong vòng 5 năm tới.

Tuy nhiên, vấn đề này không phải mới bởi, ngay từ tháng 4/2003, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch, đến năm 2007 tập trung xử lý triệt để 439 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong tổng số 4.295 cơ sở gây ô nhiễm được rà soát, thống kê đến năm 2002 trên cả nước. Đến năm 2012, tiếp tục xử lý triệt để 3.856 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng còn lại và các cơ sở mới phát sinh.

Trong số các cơ sở phải “xử lý triệt để”, trên địa bàn TP Hà Nội và tỉnh Hà Tây (cũ) có: Công ty Rượu Hà Nội, Xưởng sản xuất bao bì - Công ty Xây dựng 12 - Tổng Công ty Xây dựng sông Đà - Km9, Liên doanh vật liệu xây dựng Sung gei Way, Công ty Phân lân Văn Điển, Công ty Pin Văn Điển, Công ty Gạch ngói Văn Miếu, Công ty gạch ngói Bình Minh, Công ty Dệt 8/3, Nhà máy Sữa Vinamilk Hà Nội, Công ty Dệt Hà Đông, Xí nghiệp Giấy đường, Xí nghiệp Bia Hà Tây...

Có rất nhiều “hình thức xử lý triệt để” cho từng cơ sở gây ô nhiễm được đưa ra theo chủ trương này như đình chỉ sản xuất, di chuyển địa điểm hoạt động, cải tiến đổi mới công nghệ, cải tạo hệ thống xử lý nước thải...

Theo kế hoạch thời điểm đó, giai đoạn I (2003 - 2007), tập trung xử lý triệt để 439 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Giai đoạn II (2008 - 2012), trên cơ sở tổng kết, rút kinh nghiệm việc xử lý của giai đoạn I, tiến hành đồng bộ các biện pháp, tiếp tục xử lý triệt để 3.856 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng còn lại và các cơ sở mới phát sinh.

Vốn đầu tư để triển khai cũng được cho phép đa dạng hóa bằng nhiều nguồn như vốn tự có, vốn ngân sách nhà nước, vốn vay. Trong đó, chủ cơ sở chịu trách nhiệm chính trong việc đầu tư vốn để xử lý ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do mình gây ra; được phép sử dụng các nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện; được xem xét vay vốn ưu đãi từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam. Trong khi đó, các Bộ, ngành và địa phương là cơ quan chủ quản các cơ sở gây ô nhiễm phải bố trí kế hoạch hỗ trợ một phần vốn từ ngân sách nhà nước để thực hiện Kế hoạch.

Sau Kế hoạch trên, dù trong điều kiện chưa có hướng dẫn cụ thể, nhưng việc chuyển các cơ sở gây ô nhiễm rõ nét đã được UBND TP Hà Nội sớm bắt đầu triển khai. Ngay tháng 6/2003, TP Hà Nội đã ban hành văn bản “chuyển” các cơ sở sản xuất không còn phù hợp quy hoạch gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực các quận nội thành. Kể từ đó, cụm từ “di dời” được ấn định cụ thể tại nhiều văn bản sau này. Đây cũng chính là cơ hội mở ra cho nhiều nhà đầu tư biến các khu “đất vàng” vốn là nền đất của các cơ sở gây ô nhiễm để lại sau di dời thành các dự án cao ốc với giá trị kinh tế cao.

huj1.jpeg
Nhà máy Bia Hà Nội - Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội phải di dời ra khỏi nội đô

Nhiều cao ốc ra đời, nhưng cũng nhiều sai phạm

Giai đoạn 2003 - 2016, làn sóng “di dời” cơ sở ô nhiễm ra khỏi nội đô được nhiều nhà đầu tư quan tâm, tạo nên “cơn sốt” thâu tóm “đất vàng” nổ ra tại Hà Nội, nhưng cũng không thiếu sai phạm kèm theo.

Vì vậy, năm 2017 Thanh tra Chính đã mở một cuộc thanh tra việc chuyển đổi, chuyển nhượng nhà đất của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, nhà đất có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại TP Hà Nội. Trong đó nhiều cơ sở “đất vàng” của các doanh nghiệp nhà nước xếp vào gây ô nhiễm môi trường, hoặc không đúng quy hoạch đã có “bàn tay” doanh nghiệp tư nhân thúc đẩy “biến” thành cao ốc.

Đơn cử như dự án Trung tâm thương mại dịch vụ văn phòng và nhà ở tại 69 Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân do Liên doanh Công ty CP Tu bổ di tích Trung ương - Vinaremon và Công ty CP Đầu tư phát triển đô thị Long Giang làm chủ đầu tư, diện tích sử dụng đất khoảng 1,12ha. Diện tích đất này vốn được UBND TP Hà Nội giao cho Xưởng Cơ khí Điện ảnh nay là Công ty CP Tu bổ di tích Trung ương - Vinaremon quản lý, sử dụng từ năm 1954. Năm 2009, UBND TP Hà Nội chấp thuận cho di chuyển cơ sở sản xuất, chuyển mục đích sử dụng đất, liên danh với Công ty CP đầu tư và phát triển đô thị Long Giang để thực hiện dự án.

Hay như dự án Trung tâm thương mại, nhà ở thấp tầng và cao tầng Hano-Vid tại số 430 Cầu Am, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông diện tích sử dụng đất tới gần 2ha. Dự án vốn trước khi chuyển mục đích do Công ty CP Dệt Hà Đông Hanosimex thuê năm 2007 để làm xưởng sản xuất kinh doanh các sản phẩm may. Năm 2010, Tổng Công ty CP Dệt may Hà Nội, Công ty CP Dệt Hà Đông Hanosimex và Công ty CP Tập đoàn đầu tư phát triển Việt Nam ký Hợp đồng hợp tác đầu tư thống nhất thành lập Công ty CP để thực hiện dự án. Năm 2014 được UBND TP Hà Nội cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án.

Dự án Khu nhà ở và công trình công cộng 409 đường Nguyễn Tam Trinh, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai do Tổng Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại Việt Nam làm chủ đầu tư diện tích sử dụng đất khoảng 1,3ha. Trước khi chuyển mục đích sử dụng đất đây là cơ sở sản xuất của Công ty Da giầy Hà Nội. Năm 2004, Công ty Đầu tư xây dựng và Xuất nhập khẩu Việt Nam và Công ty Da giầy Hà Nội đã ký Hợp đồng hợp tác đầu tư. Công ty Đầu tư xây dựng và Xuất nhập khẩu Việt Nam được ủy quyền làm chủ đầu tư dự án. Năm 2006, UBND TP Hà Nội cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án.

Tổng số 38 dự án di dời, chuyển nhượng “đất vàng” Hà Nội đã được thanh tra trực tiếp, hàng loạt sai phạm về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, nợ đọng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất... của các dự án này đã được chỉ ra. Sau cuộc thanh tra này, quá trình chuyển đổi “đất vàng” xí nghiệp, nhà máy thành cao ốc đang chững lại. Tuy nhiên, có thể thấy từ việc “ồ ạt” triển khai chủ trương mới, hệ lụy Hà Nội đang gánh là phải “vá lại” những sai phạm về quy hoạch, trật tự xây dựng mà các chủ đầu tư gây ra, chưa nói đến việc thất thu ngân sách nhà nước.

Hy vọng rằng, với đợt di dời mới tới đây những vi phạm cũ không bị lặp lại và kết quả đạt đúng ý nghĩa, mục đích ban đầu đề ra.

Danh mục 9 cơ sở nhà, đất phải di dời theo quy hoạch (đợt 1) trong vòng 5 năm tới gồm: Công ty In Báo Nhân Dân Hà Nội; Công ty TNHH một thành viên In Báo Hànộimới; Nhà máy Bia Hà Nội - Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội; Công ty TNHH một thành viên Thuốc lá Thăng Long; Công ty TNHH một thành viên In và Thương mại Thông tấn xã Việt Nam; Nhà máy xe lửa Gia Lâm – Công ty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội; Tổng kho xăng dầu Đức Giang; Công ty TNHH một thành viên Nhà xuất bản Nông nghiệp; Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam.

Minh Quang