KINH TẾ

Hà Nội thí điểm nhà ở xã hội, đặt niềm tin vào một doanh nghiệp

  • Tác giả : Minh Quang
(khoahocdoisong.vn) - “Siêu dự án thí điểm” nhà ở xã hội tập trung quy mô 44,72ha tại xã Tiên Dương, huyện Đông Anh được UBND TP Hà Nội đề xuất Thủ tướng chấp thuận chủ trương cho phép chỉ định Liên danh Hoàng Thành - Viglacera làm chủ đầu tư. Nên biết, với các dự án liên quan đến quyền sử dụng đất thông thường việc lựa chọn nhà đầu tư sẽ qua hình thức đấu thầu, đấu giá.

Muốn chỉ định nhà đầu tư

Khu nhà ở xã hội tập trung tại xã Tiên Dương, huyện Đông Anh là 1 trong 5 "dự án thí điểm" nhà ở xã hội tập trung có quy mô lớn đang được UBND TP Hà Nội triển khai.

Theo quy hoạch phê duyệt tháng 5/2018, tổng diện tích nghiên cứu quy hoạch dự án này khoảng 44,72ha, quy mô 12.500 người dự kiến. Hà Nội xác định việc triển khai dự án thí điểm Khu nhà ở xã hội tập trung tại xã Tiên Dương nhằm bổ sung quỹ nhà ở của thành phố, đáp ứng nhu cầu cho người dân thuộc đối tượng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội.

Quy hoạch cho thấy, tại dự án thí điểm nhà ở xã hội tập trung này, UBND TP Hà Nội dành khoảng 16,66ha (chiếm 37,25%) cho đất nhóm nhà ở. Trong đó, có khoảng 13,19ha đất nhà ở xã hội gồm 09 lô đất, 3,3ha đất để xây dựng nhà ở thương mại, chung cư thương mại 2,3ha gồm 02 lô, 1,02ha nhà ở thấp tầng (nhà ở liền kề) gồm 08 lô, và 0,13ha đất nhà hiện có.

Điều này cho thấy, trong dự án thí điểm nhà ở xã hội tập trung tại xã Tiên Dương sẽ bao gồm cả nhà ở xã hội lẫn chung cư thương mại và nhà ở liền kề.

Hiện Hà Nội đang thí điểm các dự án nhà ở xã hội tập trung, với quy mô mỗi dự án lên đến vài chục hecta. Ảnh minh họa.

Hiện Hà Nội đang thí điểm các dự án nhà ở xã hội tập trung, với quy mô mỗi dự án lên đến vài chục hecta. Ảnh minh họa.

Theo quy hoạch, các khu nghĩa trang hiện có trong khu vực nghiên cứu sẽ phải di chuyển về nghĩa trang tập trung của thành phố. Tuy nhiên, trong giai đoạn trước mắt, khi thành phố chưa hoàn chỉnh hệ thống nghĩa trang tập trung, các nghĩa trang hiện có sẽ phải ngừng hung táng, không mở rộng quy mô, và cải tạo thành công viên nghĩa trang. Khu vực nghĩa trang thôn Tuân Lề (phía Đông Nam) sẽ phải đóng cửa, di chuyển về nghĩa trang tập trung của thành phố. Có nghĩa, việc lập dự án thí điểm này cũng sẽ tác động đến các khu nghĩa trang hiện có.

Được biết, việc lập quy hoạch dự án thí điểm nhà ở xã hội tập trung này được UBND TP Hà Nội giao Liên danh Tổng công ty Viglacera (Viglacera) - Công ty CP đầu tư và phát triển hạ tầng Hoàng Thành (Hoàng Thành) thực hiện.

Lưu ý rằng, mới đây cũng chính UBND TP Hà Nội đã có văn bản đề xuất Thủ tướng xem xét, chấp thuận chủ trương cho phép được chỉ định Liên danh này làm chủ đầu tư thực hiện dự án.

Dự án thí điểm này có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng hơn 5.351 tỷ đồng. Trong đó, vốn tự có của nhà đầu tư là khoảng 1.284 tỷ đồng (tương đương khoảng 24% tổng mức đầu tư). Cụ thể, Viglacera góp 48,3%, phía Hoàng Thành góp 51,7%. Thời gian thực hiện dự án từ quý 2/2018 đến quý 4/2025.

Về những hỗ trợ, ưu đãi nói chung, theo quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015, với chủ đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội không sử dụng nguồn vốn ngân sách sẽ được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Tiềm lực các nhà đầu tư

Tìm hiểu cho thấy, liên danh Viglacera - Hoàng Thành được UBND TP Hà Nội đề xuất chỉ định là chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội tập trung đều là những doanh nghiệp triển khai nhiều dự án bất động sản trên địa bàn TP Hà Nội.

Trong đó, Tổng công ty Viglacera vốn là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng, những năm gần đây chuyển hướng đầu tư xây dựng và kinh doanh bất động sản như dự án.

Tại Hà Nội Viglacera đã và đang triển khai nhiều khu nhà ở, đô thị như: Tổ hợp chung cư cao cấp Thăng Long No.1 với diện tích khoảng 3,9ha; Khu nhà ở 671 Hoàng Hoa Thám 1,65ha; Khu đô thị Đặng Xá 2 diện tích tới 39ha tại huyện Gia Lâm, tổng mức đầu tư 2.490 tỷ đồng; Khu đô thị Xuân Phương tại quận Nam Từ Liêm diện tích 14,5ha, tổng mức đầu tư 2.488 tỷ đồng;...

Tòa nhà Hoàng Thành Tower tại 114 Mai Hắc Đế, Hà Nội.

Tòa nhà Hoàng Thành Tower tại 114 Mai Hắc Đế, Hà Nội.

Đối với Công ty Hoàng Thành, hiện doanh nghiệp này đã hoàn thành quá trình thâu tóm, nắm phần lớn cổ phần tại Công ty CP Chế tạo biến thế và Vật liệu điện Hà Nội. Qua đó, tiến hành thủ tục chuyển đổi 1,47ha “đất vàng” nhà xưởng số 55, đường K2, phường Cầu Diễn thành dự án bất động sản “Hoàng Thành Pearl’s”.

Quá trình Hoàng Thành mua lại toàn bộ cổ phần của Gelex tại Công ty CP Chế tạo biến thế và Vật liệu điện Hà Nội với giá 16,3 tỷ đồng vào năm 2014, và mua thêm cổ phần của doanh nghiệp này vào năm 2018 để nâng mức sở hữu vốn lên 65% đã được KH&ĐS đề cập tại các số báo trước.

Hệ sinh thái của Hoàng Thành khá hùng mạnh, với chuỗi các doanh nghiệp được thành lập hầu hết để triển khai các dự án bất động sản nhà ở, khu đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội. Chẳng hạn như Công ty CP Trần Hưng Đạo, Công ty TNHH Capitalland - Hoàng Thành, Công ty CP đầu tư và phát triển đô thị Hoàng Thành....

Một số cổ đông tại Hoàng Thành còn xuất hiện và nắm vị trí quan trọng tại nhiều doanh nghiệp khác như Tổng công ty Đức Giang (Dugarco),  Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Công ty CP Đầu tư Hải Phát.

Phương thức hoạt động khá đặc trưng của Hoàng Thành là thường liên kết với các đối tác, trong đó có các đối tác nước ngoài, trong triển khai nhiều dự án. Sau đó tiến hành thoái vốn khỏi dự án. Vấn đề này chúng tôi sẽ đề cập trong bài viết sau.

Minh Quang