Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, số ca tay chân miệng từ đầu năm đến nay tăng 183 trường hợp so với cùng kỳ năm 2022.
Đơn vị này cũng cho biết, trong tuần qua (từ ngày 18 đến 24/3), Hà Nội ghi nhận 34 trường hợp mắc tay chân miệng, tương đương so với tuần trước (34 ca).
Ảnh minh họa - Ảnh: internet. |
Dự báo số ca mắc có thể tiếp tục tăng
CDC Hà Nội nhận định, trong tuần qua, tuần số ca mắc tay chân miệng tương đương so với tuần trước, phần lớn ca bệnh là tản phát. Dự báo trong thời gian tới có thể vẫn sẽ tiếp tục ghi nhận bệnh nhân tại các quận, huyện, thị xã.
Thời gian tới, Hà Nội cùng các đơn vị, cơ sở tiếp tục theo dõi chặt chẽ và cập nhật thông tin tình hình dịch bệnh, biến chủng trên thế giới và Việt Nam để kịp thời đề xuất các biện pháp phòng chống dịch phù hợp.
Các đơn vị tăng cường giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm bệnh nhân tại cộng đồng và các cơ sở y tế đã được phân cấp; Rà soát, xác minh, cập nhật thông tin ca bệnh trên hệ thống phần mềm Thông tư 54/2015/TT-BYT để phát hiện sớm ca bệnh nhằm điều tra, xử lý ca bệnh, ổ dịch kịp thời, hạn chế ổ dịch lan rộng.
Bên cạnh việc theo dõi sát tình hình dịch bệnh, sẵn sàng nhân lực, cơ số vật tư, hóa chất phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Hà Nội cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định phòng, chống dịch.
Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do virus đường ruột gây ra. Tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71 (EV71). Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm dưới 3 tuổi. Bệnh tay chân miệng chưa có vaccine phòng ngừa cũng như thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh có thể gây các biến chứng nặng như: Viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, suy hô hấp và khả năng tử vong rất cao. |
Phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời
Theo chuyên gia, bệnh tay chân miệng xuất hiện quanh năm, đặc biệt giai đoạn giao mùa là thời điểm thuận lợi nhất cho virus gây bệnh phát triển.
Trẻ mắc tay chân miệng thường có các biểu hiện như: Sốt (sốt nhẹ hoặc sốt cao) và tổn thương ở da (dát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối…). Tuy nhiên, có một số trẻ chỉ có biểu hiện loét miệng hoặc nổi nốt nhỏ ở mông hay bẹn, nếu gia đình không chú ý thì rất khó phát hiện.
Chuyên gia khuyến cáo, khi thấy trẻ có những biểu hiện trên, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
Ngoài ra, để tránh nguy cơ mắc bệnh, phụ huynh nên vệ sinh sạch sẽ cho trẻ bằng cách rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.