Dữ liệu y khoa

Hà Nội: Nhiều trẻ đi khám hội chứng hậu COVID-19

  • Tác giả : Thúy Nga
Không chỉ người trưởng thành, người cao tuổi bị hội chứng hậu COVID-19, có 6-15% trẻ em sau khi khỏi bệnh cũng gặp các di chứng hậu COVID-19. Ngoài ho và viêm họng kéo dài, hội chứng viêm đa hệ thống, suy giảm trí nhớ... cũng cần phải chú ý.

BS Đinh Thế Tiến, khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, sau 3 ngày khai trương phòng khám hậu COVID-19 của viện, có 5 trẻ đến khám trong tổng số hơn 40 người ở Hà Nội tới đây kiểm tra, điều trị.

Các bé đến khám ít gặp vấn đề về tâm lý như người lớn, chủ yếu là ho kéo dài và đau họng.

Theo PGS.TS.BS Phạm Văn Quang, trưởng khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Nhi đồng 1, phó trưởng bộ môn nhi Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TPHCM) - cho biết, tại Việt Nam, hiện chưa có báo cáo khoa học về tình trạng di chứng hậu COVID-19 ở trẻ em. Tuy nhiên, nghiên cứu trên thế giới cho thấy, có 6-15% trẻ em sau khi khỏi bệnh cũng gặp các di chứng hậu COVID-19.

hau-covid-19-o-tre.jpg
Hà Nội: Nhiều trẻ đi khám hậu COVID-19 vì ho và viêm họng kéo dài

Các triệu chứng hậu COVID-19 ở trẻ em khá đa dạng, thường xảy ra ở trẻ em lớn, bao gồm: cảm giác mệt mỏi, nhức đầu, choáng váng, mất mùi, chán ăn, kém tập trung; đau cơ, khớp; vấn đề hô hấp, tim mạch: ho, khó thở, hồi hộp, đau ngực; phát ban, đỏ mắt, sốt kéo dài…

Vấn đề hậu COVID-19 được ghi nhận ở các bệnh viện nhi đồng trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu là hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em. Có những trẻ nhập viện trong tình trạng nặng, bị sốc tim, viêm cơ tim, rối loạn nhịp tim…

PGS.TS.BS Phạm Văn Quang cho biết, hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em thường xảy ra ở trẻ 6-15 tuổi, do rối loạn đáp ứng miễn dịch. Hội chứng này ít gặp nhưng nguy hiểm do tổn thương nhiều cơ quan, đe dọa tính mạng. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và kịp thời thì hầu hết đáp ứng tốt.

Dấu hiệu nhận biết hội chứng này là sau nhiễm COVID-19 khoảng 2-6 tuần, trẻ có triệu chứng sốt trên 3 ngày kèm tổn thương da niêm (phát ban, đỏ mắt, môi đỏ, lưỡi dâu tây, phù ngón tay, chân…), rối loạn tiêu hóa (đau bụng, nôn ói, tiêu chảy).

Khi chuyển nặng sẽ có tình trạng trụy tim mạch, suy tim; xét nghiệm ghi nhận phản ứng viêm tăng cao, rối loạn đông máu.

Đặc biệt có một di chứng khiến phụ huynh khá lo lắng là khó tập trung, không ghi nhớ và hiểu được kiến thức giáo viên giảng dạy, chữ viết xấu...

Nguyên nhân theo BS.CKII Nguyễn Minh Tiến - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) dẫn chứng các nghiên cứu gần đây cho hay virus có thể tấn công lên não, hệ thống nội mạc mạch máu não, gây tình trạng tăng đông, huyết khối, dẫn tới giảm tưới máu cho các vùng vỏ não phụ trách trí nhớ, hành vi, chữ viết...

Để phát hiện sớm trẻ gặp di chứng hậu COVID-19, PGS.TS Phạm Văn Quang khuyến cáo cha mẹ cần quan tâm, theo dõi trẻ để xem con có bị mệt mỏi, ít chơi, nhức đầu, chán ăn, học tập khó khăn do kém tập trung, khó ngủ; đau cơ khớp; ho kéo dài, khó thở, hồi hộp, đau ngực; sốt kéo dài, phát ban, đỏ mắt… hay không.

Khi thấy trẻ có các dấu hiệu này, cần đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế, bệnh viện chuyên khoa nhi để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Thúy Nga