Xử lý tập trung
Trạm xử lý nước thải Kim Liên là một trong 2 trạm xử lý nước thải đầu tiên của Hà Nội.
Trạm được thành lập từ năm 2005 với công suất xử lý trung bình 3.700m3/ngày đêm. Lượng nước thải mà nhà máy xử lý Kim Liên thu nhận là nước thải sinh hoạt đi kèm với nhiều loại rác thải khác nhau. Do đó, công việc đầu tiên khi nước thải đi vào nhà máy là lọc rác thô ra khỏi nước thải.
Sau đó, nước thải sẽ được sàng thêm một lần nữa để tách những loại rác nhỏ hơn và cặn lắng rồi bơm vào bể sinh học sục khí. Đây là khâu quan trọng nhất trong quy trình xử lý nước thải sinh hoạt.
Nước sau khi được trải qua sục sinh học sẽ phân tách thành 2 phần riêng biệt là bùn hoạt tính và nước thải. Bùn được cô đặc bằng hóa chất, ép thành bánh và chuyển đến bãi đổ quy định.
Nước thải hoạt tính sẽ tiếp tục được chuyển đến khu vực xử lý tiếp theo, như sục clo để để đạt các tiêu chuẩn và thải ra môi trường. Các chỉ số của nước sau khi được xử lý được trạm quan trắc tự động ghi lại và chuyển về trung tâm dữ liệu của Sở Tài nguyên môi trường của thành phố để đánh giá.
Quá trình xử lý, trạm nước thải bảo đảm không gây ô nhiễm mùi và tiếng ồn do các khu vực chứa nước thải đều được đậy kín, khử mùi bằng than hoạt tính, trạm bơm được đặt ngầm, cách mặt đất 6m.
Tuy nhiên, với công suất 3.700m3, trạm Kim Liên mới chỉ xử lý lượng nước thải sinh hoạt cho 22.000 người dân khu vực xung quanh.
Trạm trưởng Trạm xử lý nước thải Kim Liên Hà Thị Thu Huyền cho biết, để đảm bảo được quá trình xử lý nước thải được triệt để và lâu dài thì cần có hệ thống thu gom nước thải đồng bộ, đưa về hệ thống xử lý nước thải xử lý tập trung.
Các nhà máy xử lý nước thải tập trung cũng cần có hệ thống quan trắc, đo kiểm chất lượng nước đầu vào, đầu ra để đạt những quy chuẩn mới thải ra ngoài môi trường.
Mô hình xử lý và thu gom nước thải tập trung đã phát huy được hiệu quả rất lớn. Nhưng hiện Hà Nội mới có 6 nhà máy xử lý nước thải đang hoạt động và mới xử lý được 22% lượng nước thải trên thành phố. Do đó, để xử lý hết nước thải của Hà Nội, trước mắt sẽ rất nhiều khó khăn.
Phân tách từ nguồn
Trong khi các trạm xử lý tập trung không thể đáp ứng được nhu cầu của Hà Nội, thì việc xử lý nước thải ngay từ nguồn cũng được xem là biện pháp hiệu quả trong tình thế cấp bách hiện nay của Hà Nội. Nhất là xử lý nước thải tại chỗ tại các nhà hàng, khách sạn – những nơi thường xuyên có lượng rác thải lớn, pha lẫn nhiều tạp chất.
Cụ thể như mô hình xử lý nước thải tại chỗ tách dầu mỡ ra khỏi nước thải phục vụ cho các nhà hàng, khách sạn để giảm thiểu dầu mỡ thải ra môi trường của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội. Thực tế tại các nhà hàng thường có lượng lớn dầu mỡ được đổ thẳng theo đường thoát nước. Lâu ngày sẽ tích tụ, đóng bánh gây tắc nghẽn đường thoát nước.
Lợi dụng nguyên lý dầu mỡ không tan, nhẹ hơn nước, mô hình của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội sẽ thay đổi hướng của nước chảy đầu vào để loại bỏ dầu mỡ, giảm đáng kể các chất dễ lắng ra khỏi nước thải trước khi nước đi vào hệ thống thoát.
Sau một khoảng thời gian, lượng dầu mỡ nổi lên, lắng lại, các đơn vị sẽ có máy chuyên dụng hút lượng dầu mỡ đó, đem đi xử lý.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có khoảng hơn 100 nhà hàng trên địa bàn Hà Nội lắp đặt hệ thống xử lý nước thải này. Đây là nỗ lực lớn cho việc cải thiện chất lượng nước thải của Hà Nội.
Anh Trần Huy Hoàng, kỹ sư Xí nghiệp Khảo sát thiết kế (Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) cho biết, từ nhiều năm nay, công ty đã tận dụng khả năng vận hành những trạm xử lý nước thải như Kim Liên, Trúc Bạch để nghiên cứu ra những module xử lý nước thải quy mô vừa và nhỏ, phục vụ cho các cụm công nghiệp, khu dân cư, bệnh viện… Đồng thời, áp dụng một số công nghệ mới để cải tiến quá trình xử lý chất lượng nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, đảm bảo môi trường xanh, sạch đẹp.
Thực trạng ô nhiễm nguồn nước hiện nay, là do ý thức kém của nhiều người trong việc xả thải. Đơn cử như việc thu gom dầu mỡ, thức ăn thừa, không đổ thẳng xuống hệ thống thoát nước sẽ giúp giảm áp lực lên công tác thoát nước.
Nếu mỗi người dân đều tự nâng cao ý thức của mình, không vứt rá hay xả thải bừa bãi thì môi trường sống cũng dần trở nên xanh sạch hơn.