Nhiều dự án, đất cây xanh bị “xẻ thịt”
Mới đây, Thanh tra Bộ Xây dựng đã ban hành kết luận thanh tra hàng loạt vi phạm trong quy hoạch, xây dựng các dự án cao ốc hai bên tuyến đường Lê Văn Lương – Tố Hữu (Hà Nội).
Theo Thanh tra Bộ Xây dựng, quy hoạch chi tiết phê duyệt lần đầu đã cơ bản nghiên cứu tính toán sự đáp ứng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Song khi thực hiện triển khai quy hoạch lại theo đề xuất chủ đầu tư, đã nhiều lần điều chỉnh đồ án hoặc điều chỉnh cục bộ hoặc chấp thuận tổng mặt bằng, phương án kiến trúc rồi tiếp tục điều chỉnh cho từng dự án theo xu hướng: Chuyển đổi công năng thành nhà ở, tăng thêm tầng cao, tăng thêm diện tích sàn có dự án điều chỉnh 5 lần, nhiều dự án chuyển chức năng từ văn phòng, từ công cộng thành hỗn hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và căn hộ chung cư để bán, có dự án điều chỉnh tăng từ 5 tầng thành 30 tầng.
Đáng chú ý, thanh tra quy hoạch hai bên tuyến đường Lê Văn Lương, quy định tỷ lệ đất tối thiểu trồng cây xanh cho các lô đất xây dựng nhà ở chung cư là 20%. Tuy nhiên, có 12/17 dự án được thanh tra không bố trí đất cây xanh.
Điển hình gồm: Dự án tổ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và nhà ở Thành An Tower; dự án công trình khu nhà ở cán bộ, nhân viên Ban Cơ yếu Chính phủ; dự án tòa nhà hỗn hợp văn phòng và căn hộ chung cư do Công ty CP Xây dựng Licogi 19 làm chủ đầu tư; dự án trụ sở Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) kết hợp văn phòng cho thuê (HUD Tower); dự án cụm nhà ở hỗn hợp chung cư kết hợp với văn phòng và siêu thị do Công ty CP Phát triển Thương mại Việt Nam là chủ đầu tư; dự án nhà ở văn phòng cho thuê do Công ty CP Đầu tư Xây dựng số 2 Hà Nội (Hacinco) là chủ đầu tư.
Bên cạnh đó, dự án công trình hỗn hợp dịch vụ công cộng, nhà trẻ kết hợp nhà ở cao tầng do Công ty CP dịch vụ và kinh doanh bất động sản Hà Nội làm chủ đầu tư; dự án chung cư Star City do Công ty CP Đầu tư và Thương mại Vneco làm chủ đầu tư; dự án tổ hợp dịch vụ thương mại, văn phòng và nhà ở do Công ty CP Phát triển Đầu tư Hà Nội – Sunrise làm chủ đầu tư.
Dự án Trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê do Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Đầu tư Sao Mai làm chủ đầu tư; dự án chung cư cao tầng do Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 là chủ đầu tư; dự án nhà ở kinh doanh kết hợp dịch vụ thương mại HAAC1 do Công ty CP Xây dựng số 1 Hà Nội làm chủ đầu tư.
Cùng với đó, có 2/17 dự án bố trí chung diện tích cây xanh, bãi đỗ xe khoảng 1.000m2, đạt tỷ lệ 10%, thiếu khoảng 1.000m2 gồm: Dự án khu hỗn hợp văn phòng cho thuê – nhà ở do liên danh Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico) và Công ty TNHH MTV Kinh doanh dịch vụ nhà Hà Nội làm chủ đầu tư; dự án Trường Mầm non Hoa Hồng do UBND quận Thanh Xuân làm chủ đầu tư.
Tương tự, có 2/17 là dự án đầu tư bãi đỗ xe, cây xanh nhưng thực tế thời điểm phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết hai bên đường Lê Văn Lương, thực tế đã thi công sai quy hoạch. Trong đó có dự án bãi đỗ xe, trạm cung cấp nhiên liệu, cây xanh đô thị và dịch vụ công cộng do Công ty TNHH Du lịch và Thương mại Sông Hồng làm chủ đầu tư; dự án bãi đỗ xe và khu dịch vụ tại khu đất 11.5 HH đường Lê Văn Lương do Công ty TNHH Phương Đông làm chủ đầu tư.
Quy trách nhiệm người đứng đầu công tác quy hoạch
Liên quan đến vấn đề quy hoạch, UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch về việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch trên địa bàn.
Theo UBND TP Hà Nội, bên cạnh kết quả đạt được, công tác quy hoạch, xây dựng quy hoạch đô thị và quản lý quy hoạch, kiến trúc trên địa bàn thành phố còn một số tồn tại, bất cập cần phải khắc phục gồm: Tiến độ triển khai các nhiệm vụ, đồ án quy hoạch, thiết kế đô thị, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc… còn chậm.
Bên cạnh đó, chất lượng một số đồ án quy hoạch còn có bất cập về cập nhật hiện trạng dự án, sử dụng đất, tính đồng bộ trong quy hoạch, kiến trúc, tính khả thi… dẫn đến việc điều chỉnh quy hoạch.
Ngoài ra, việc phát triển đô thị và nông thôn theo quy hoạch còn thiếu công cụ kiểm soát, hạn chế về chất lượng, thẩm mỹ; thiếu nguồn lực và các điều kiện thực hiện quy hoạch.
UBND TP Hà Nội cũng chỉ ra nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại nêu trên do sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các cấp có lúc, có nơi chưa kịp thời, sâu sát, quyết liệt. Các quy định quản lý chưa đồng bộ, chồng chéo, kém hiệu quả, chậm được cập nhật, điều chỉnh, bổ sung. Công tác kiểm tra, giám sát, sự phối hợp của các sở, ban, ngành thành phố với địa phương chưa chặt chẽ. Việc kiểm tra, xử lý sai phạm ở một số nơi chưa thường xuyên, còn có tình trạng nể nang, né tránh, chậm xử lý hoặc chưa xử lý quyết liệt, dứt điểm.
Trước thực tế trên, UBND TP Hà Nội chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện các giải pháp tăng cường công tác quản lý quy hoạch, kiến trúc gắn với từng đồ án quy hoạch, giữ đúng định hướng, mục tiêu ban đầu của quy hoạch.
Đặc biệt, UBND TP Hà Nội nhấn mạnh, việc điều chỉnh quy hoạch phải được xem xét một cách thận trọng, khách quan, khoa học, hạn chế thấp nhất việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch làm tăng mật độ dân cư so với quy hoạch được duyệt; không xem xét đối với việc điều chỉnh quy hoạch làm giảm diện tích đất xây dựng các công trình phúc lợi, công viên cây xanh, ao, hồ, công trình phục vụ dân sinh.
Cùng đó, UBND TP Hà Nội giao nhiệm vụ cụ thể đối với các sở, ngành, đơn vị, UBND quận, huyện trong thực hiện chương trình, đề án, rà soát việc thực hiện các quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc; hoàn thiện việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ quản lý quy hoạch kiến trúc từ thành phố đến cấp huyện; tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, quy định trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, kiến trúc trên địa bàn.
Kế hoạch số 190 cho biết đã căn cứ trên Chỉ thị số 14/CT-TU ngày 2/3/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội, nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại nêu trên, tạo chuyển biến thực sự rõ nét về công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch.