Việc hiện thực hóa đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng sẽ tạo động lực phát triển thị trường bất động sản Hà Nội. Ảnh: Đỗ Tâm |
Tập trung gỡ “nút thắt”
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Quy hoạch kiến trúc, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Nguyễn Lan Hương, cuối tháng 3-2022, thành phố Hà Nội đã phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5.000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở), với quy mô gần 11.000ha, thuộc địa giới hành chính của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện. Bản quy hoạch này có nhiều điểm mới và đã tháo gỡ được một số “nút thắt” so với các quy hoạch nhỏ lẻ, rời rạc chưa được thực hiện trước đây.
Đáng chú ý là ngoài không gian thoát lũ sông Hồng đoạn qua khu vực đô thị trung tâm, trục hai bên bờ sông Hồng được quy hoạch mang đặc trưng cây xanh, mặt nước, văn hóa lịch sử, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm, với chức năng chính là công trình công cộng, công viên cây xanh, văn hóa, dịch vụ du lịch, giải trí mang biểu tượng của Thủ đô.
Đồ án cũng định hướng rõ khu vực dân cư ngoài bãi sông cần di dời, khu vực cần chỉnh trang với các nguyên tắc cụ thể. Ưu tiên các quỹ đất cho công trình xã hội, hoàn thiện hệ thống giao thông, hạ tầng xã hội. Đồng thời quỹ đất trống xây dựng khu đô thị hài hòa với thiên nhiên.
“Trục không gian cây xanh, mặt nước chiếm gần 80% là yếu tố quan trọng quyết định sông Hồng trở thành không gian cảnh quan, không gian xanh của Thủ đô Hà Nội”, bà Nguyễn Lan Hương thông tin.
Nhận định tầm quan trọng của quy hoạch khu trung tâm Thủ đô gắn với sông Hồng, TS.KTS Trương Văn Quảng, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam phân tích, cấu trúc “chùm đô thị” gồm đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh như Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên... sẽ giúp Hà Nội có đủ điều kiện để phát triển một cách tốt nhất. Nhưng vì nhiều lý do mà các đô thị vệ tinh vẫn chưa hình thành như mong muốn.
“Quá trình phát triển của Thủ đô Hà Nội có rất nhiều vấn đề cần phải quan tâm giải quyết. Trong đó, việc hình thành và phát triển các phân khúc đô thị, bất động sản, các dự án hạ tầng, môi trường, không gian đô thị cũng đòi hỏi ngày càng chất lượng hơn. Để làm được điều này, việc quy hoạch không gian một cách bài bản, thông minh có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc thiết lập cấu trúc đô thị trung tâm”, TS.KTS Trương Văn Quảng nêu.
Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho rằng, từ kinh nghiệm thực tiễn, phải có quy hoạch thì mới sử dụng đất đai một cách hiệu quả. Ngược lại, quy hoạch không tốt thì giá trị các bất động sản cũng sẽ không cao.
Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống. |
Tạo sức “nóng” cho thị trường bất động sản Thủ đô
Theo Phó Chánh Văn phòng Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Trần Việt Thắng, việc thực hiện quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng là cơ sở để tạo lập các dự án, định hướng phát triển sang phía Bắc và phía Đông sông Hồng. Hiện quận Ba Đình và quận Hoàn Kiếm đang hướng đến dự án khai thác vùng bãi thành khu vui chơi đáp ứng nhu cầu giải trí mới. Ngoài ra, thành phố cũng mong muốn thu hút đầu tư các dự án chức năng khác như thương mại, dịch vụ. Do đó, quy hoạch sẽ tạo cơ hội cho việc đầu tư bất động sản nghiêm túc, hướng đến phát triển các giá trị văn hóa, vui chơi giải trí gắn với du lịch sinh thái, bởi sông Hồng là một trong những khu vực sống động và lôi cuốn ở đô thị trung tâm.
Trước những tiềm năng phát triển rất lớn từ quy hoạch mang lại, các chuyên gia cũng lưu ý giải quyết vấn đề nguồn lực. “Để đồ án quy hoạch có tính khả thi cao, tạo động lực phát triển tốt thì nên ưu tiên các dự án phát triển hạ tầng như trường học, bệnh viện, dịch vụ vui chơi giải trí, thương mại… Chúng ta có thể đầu tư hạ tầng khung trước bằng vốn đầu tư công. Khi tạo ra hành lang, đất giao cho doanh nghiệp sau này cũng sẽ tăng giá trị. Đồng thời, các doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi dẫn tới việc thực hiện dự án bất động sản sẽ thuận lợi, đóng góp nhiều hơn cho thị trường”, ông Nguyễn Văn Đính đưa ra gợi ý.
Kiến nghị về tiến độ thực hiện đồ án, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Đỗ Viết Chiến cho rằng, quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng là một trong những bước tiến lớn của Hà Nội và phải triển khai ngay, bởi nếu không quỹ đất ven sông, nguồn lực để phát triển đô thị sẽ bị triệt tiêu. “Một ví dụ cụ thể là hiện nhiều bãi ngoài sông Hồng đã thành khu đô thị tự phát. Do đó, bắt buộc phải lập hồ sơ và cắm mốc ngoài thực địa, giao cho chính quyền địa phương quản lý từng khu vực”, ông Đỗ Viết Chiến nêu.
Có thể thấy, với ý nghĩa tạo động lực phát triển cho Hà Nội, trong đó có lực đẩy phát triển thị trường bất động sản, đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đang được các chuyên gia nhìn nhận hết sức lạc quan. Tuy nhiên, điều đó cũng đòi hỏi sự quan tâm, vào cuộc sát sao của các cấp, ngành, cơ quan chuyên môn để đồ án quy hoạch sớm được thực thi, tạo ra những giá trị thật thay vì những kỳ vọng trên giấy.
Ngày 5/4/2022, UBND TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị công bố các đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỉ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) và quy hoạch phân khu sông Đuống, tỉ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Bắc Cầu đến cầu Phù Đổng).
Để khẩn trương triển khai các đề án, UBND TP Hà Nội giao Sở Quy hoạch - kiến trúc kiểm tra, xác nhận hồ sơ, bản vẽ và quy định quản lý theo các đồ án quy hoạch phù hợp với nội dung các quyết định của UBND TP; lưu trữ hồ sơ quy hoạch theo quy định; không để phát sinh thêm về diện tích đất ở ngoài quy hoạch.
Người đứng đầu UBND TP Hà Nội giao các quận, huyện gồm Đan Phượng, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Mê Linh, Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm lập bản vẽ ranh giới tỉ lệ 1/500 các khu dân cư hiện có được tồn tại, bảo vệ…