Việt Nam có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), người cao tuổi (NCT) là người từ 70 tuổi trở lên. Một số nước (Đức, Mỹ…) quy định NCT từ 65 tuổi trở lên. Việt Nam quy định NCT từ đủ 60 tuổi trở lên. Tại Việt Nam, những người từ 60 tuổi trở lên chiếm gần 12% tổng dân số vào năm 2019 và đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên hơn 25%. Đến năm 2036, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già”.
Theo thống kê, năm 2023, quy mô dân số Việt Nam là khoảng 100,3 triệu người, với hơn 16 triệu NCT. Bộ Y tế đưa ra dự báo đến năm 2038, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già,” với hơn 21 triệu NCT, chiếm gần 20% tổng dân số. Điều này có nghĩa chỉ còn 15 năm nữa, nước ta sẽ bước vào thời kỳ dân số già, tức là cứ 5 người dân thì có một người trên 60 tuổi.
Già hoá dân số là điều tất yếu xảy ra với quốc gia vừa tăng tuổi thọ nhanh lại vừa giảm mạnh tỷ lệ sinh. Đáng nói, ở Việt Nam, tuổi thọ người dân tăng nhanh, cao hơn nhiều mức tăng trung bình của thế giới. Trong 56 năm (1960-2016), tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam tăng tới 29 năm (từ 44,4 tuổi lên 73,4 tuổi).
Năm 2023, con số này là 74,5 tuổi, cao hơn nhiều quốc gia có cùng mức thu nhập bình quân đầu người. Một số địa phương như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu…, tuổi thọ bình quân còn ở mức trên 76 tuổi. Dự báo, tuổi thọ sẽ tăng lên 78 tuổi (năm 2030) và đạt 80,4 tuổi (năm 2050).
Theo WHO đánh giá, Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hoá dân số nhanh nhất thế giới. Quá trình già hóa dân số nhanh chóng dẫn đến nhiều thách thức về tình trạng suy giảm và thiếu hụt nguồn nhân lực nói chung, nhân lực trong khu vực công nói riêng. Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý Nhà nước cần có những chính sách, giải pháp phù hợp để khắc phục tình trạng già hóa dân số ở Việt Nam hiện nay.
Quận Thanh xuân Hà Nội chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi |
Hà Nội chính thức trở thành thành phố có dân số già vào năm 2030
Tại Hà Nội, xu hướng già hóa dân số cũng đang diễn ra rất nhanh, dẫn đến nhiều thách thức về tình trạng suy giảm và thiếu hụt nguồn nhân lực nói chung, nhân lực trong khu vực công nói riêng.
Năm 2024, tỷ lệ người cao tuổi toàn thành phố là 17% so với tổng dân số, dự báo tới năm 2030 tỷ lệ này là trên 19%. Với tỷ lệ này thì chính thức Hà Nội trở thành thành phố có dân số già vào năm 2030.
Báo cáo của Chi cục Dân số Hà Nội cho thấy, trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, Hà Nội vẫn trong thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” với tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động từ 15-64 tuổi khá cao (chiếm 61% đến 63% tổng dân số Hà Nội).
Tuy nhiên, hiện tại xu hướng dân số Hà Nội đang dịch chuyển theo hướng tăng tỷ lệ NCT và giảm tỷ lệ dân số trẻ. Năm 2024, tỷ lệ NCT toàn thành phố là 17% so với tổng dân số, dự báo tới năm 2030 tỷ lệ này là trên 19%.
Như vậy, Hà Nội hiện đang ở cuối thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” và cũng đồng thời trong quá trình già hóa dân số. Theo tính toán, cơ cấu dân số vàng của Hà Nội sẽ kết thúc vào năm 2045, khi tỷ lệ NCT bắt đầu chiếm tỷ trọng cao hơn so với dân số trong độ tuổi lao động.
Khi bước vào thời kỳ “dân số già” số lượng NCT tăng, số người trong độ tuổi lao động giảm đã đặt ra vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Sự thiếu hụt nguồn nhân lực sẽ tạo ra những khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra những hệ lụy phức tạp và lâu dài.
Hà Nội gặp mặt biểu dương người cao tuổi |
Chủ động ứng phó với già hóa dân số
Đánh giá của Chi cục Dân số Hà Nội cho thấy, Hà Nội chỉ có thể tận dụng được thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” trong vòng 20 năm nữa trước khi đối mặt với tình trạng già hóa dân số tăng lên rất nhanh chóng. Điều này đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng của cả hệ thống chính trị Thủ đô để đảm bảo phát triển bền vững cho tương lai.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung lo ngại: “Hiện nay, tuổi thọ của người dân tăng cao, tỷ lệ NCT tăng nhanh vì thế già hóa dân số đang là một thách thức mà Thủ đô Hà Nội cần phải có một kế hoạch chủ động ứng phó và những chính sách phù hợp nhằm bảo đảm tốt hơn sức khỏe, an sinh xã hội và quyền lợi của người cao tuổi”.
Mức sinh giảm là một trong những yếu tố chính quyết định tốc độ già hóa dân số nhanh chóng. Do đó, để thích ứng và giảm tốc độ già hóa nhanh, Chính phủ cần xây dựng các chính sách và chương trình đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin, tiếp cận đến các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản có chất lượng và các hỗ trợ về dịch vụ xã hội để mọi người có thể đưa ra các lựa chọn sinh sản phù hợp.
Tỷ lệ phân bố dân số NCT cao hơn ở các vùng nông thôn và xu hướng nữ hóa dân số cao tuổi ở các nhóm tuổi cao đòi hỏi phải có các chính sách nhạy cảm về giới, để đáp ứng các nhu cầu của người cao tuổi ở các nhóm tuổi cao và đặc biệt là người cao tuổi nữ. Đồng thời, cần phải lồng ghép vấn đề già hóa trong các chương trình và chính sách phát triển đô thị và phát triển nông thôn.
Các chuyên gia cũng cho rằng, chính phủ cần có những đề xuất chính sách liên quan đến đời sống kinh tế - xã hội của người cao tuổi. Cụ thể, việc xây dựng các chính sách cho NCT cần phải tính đến những khác biệt giữa các nhóm dân số để giải quyết các nhu cầu thiết yếu trong đời sống kinh tế-xã hội, đặc biệt trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế.
Những nhóm NCT yếu thế hơn cần có những ưu tiên hơn trong thiết kế và thực hiện các chính sách; khuyến khích và tạo điều kiện cho NCT được lựa chọn tiếp tục làm việc phù hợp với sức khỏe và chuyên môn, kỹ năng để hướng tới già hóa chủ động về mặt kinh tế.
Bên cạnh đó, cần tập trung đẩy mạnh việc xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là đưa công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý khám, chữa bệnh và quản lý bệnh… nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho NCT tiếp cận được với dịch vụ y tế; xây dựng gói dịch vụ về chăm sóc dài hạn cho NCT, bao gồm các chăm sóc về y tế, chăm sóc xã hội và chăm sóc tinh thần cho NCT; đẩy mạnh sự tham gia của khu vực tư nhân trong chăm sóc NCT...
Tại Hà Nội, trong khi vấn đề gia tăng số NCT là xu hướng tất yếu thì việc điều chỉnh mức sinh nhằm ổn định quy mô và cơ cấu dân số là nhiệm vụ khả thi, cần chủ động và quyết liệt trong giai đoạn hiện tại.
Vì vậy, ngay từ thời điểm hiện tại, cần tập trung thực hiện các biện pháp nhằm duy trì mức sinh thay thế trên địa bàn thành phố góp phần, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, tác động tích cực đến việc nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực cho sự phát triển của đất nước nói chung và Thủ đô nói riêng.
Hà Nội tập huấn nâng cao sức khỏe người cao tuổi |
Theo đó, Hà Nội đã và đang tập trung quyết liệt các biện pháp nhằm duy trì vững chắc “mức sinh thay thế” để phát huy lợi thế con người, đảm bảo khả năng duy trì, kế thừa lực lượng lao động là nhiệm vụ, mục tiêu rất quan trọng trong giai đoạn hiện tại.
Duy trì mức sinh thay thế góp phần ổn định quy mô dân số, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, tác động tích cực đến việc nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực cho sự phát triển; khuyến khích thanh niên kết hôn và phụ nữ có con thứ nhất trước 30 tuổi và con thứ 2 trước 35 tuổi; vận động các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con.
Bên cạnh đó, cần đồng bộ các chính sách quy hoạch mật độ dân số: Như việc đảm bảo các công trình an sinh xã hội phù hợp với nhu cầu; củng cố nâng cao chất lượng hệ thống đường giao thông, trường học, bệnh viện, du lịch, dịch vụ, thương mại ở các khu đô thị mới, các khu vực ngoại thành, đảm bảo đi lại thuận tiện, giảm bớt khoảng cách về điều kiện sống giữa nội và ngoại thành.
Ngày 22/10/2024, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hà Nội, ông Lê Hồng Sơn, đã ký ban hành Chỉ thị số 11/CT-UBND nhằm tăng cường công tác dân số trên địa bàn thành phố trong bối cảnh mới. Chỉ thị này được ban hành nhằm thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 15/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo khác từ Trung ương, với mục tiêu khắc phục những hạn chế trong công tác dân số hiện nay.
Chỉ thị yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã cần rà soát và triển khai một cách nghiêm túc các chương trình và kế hoạch liên quan đến công tác dân số và phát triển. Sở Y tế được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan để kiểm tra và đôn đốc thực hiện các chính sách dân số. Điều này đặc biệt quan trọng nhằm duy trì mức sinh thay thế, kiểm soát mất cân bằng giới tính và thích ứng với tình trạng già hóa dân số.