Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn vừa kết luận chỉ đạo về việc rà soát, đánh giá Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và định hướng Nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, yêu cầu Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội hoàn thành nội dung các báo cáo rà soát, đánh giá, lưu ý bổ sung, phân tích làm rõ các hạn chế của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.
Trong đó có, tỷ lệ đô thị hóa thấp; tốc độ dân số tăng nhanh (tự nhiên, cơ học); bổ sung, cập nhật quy hoạch phòng, chống lũ về đê điều theo quy định; bổ sung quy hoạch không gian ngầm đô thị.
Đặc biệt, cấu trúc đô thị (chùm đô thị: Đô thị trung tâm và đô thị vệ tinh, hành lang xanh, vành đai xanh, nệm xanh, nội đô lịch sử, nội đô mở rộng, khu vực phát triển hành lang xanh, chuỗi đô thị Đông vành đai 4, Bắc sông Hồng, sông Hồng...) chưa phù hợp với dự báo, nhu cầu phát triển, nhiều khu vực quy hoạch chưa hợp lý dẫn đến khiếu nại, đề nghị điều chỉnh của Nhân dân.
Chùm đô thị (chiếm 30% diện tích thành phố) trong cấu trúc chưa tạo ra sự kết nối phát triển do ngăn cách, biệt lập bởi hành lang xanh lớn (chiếm 70% diện tích thành phố) nên đô thị trung tâm phát triển nén, đô thị vệ tinh không đủ điều kiện phát triển.
Đồng thời, tính chất các đô thị trong cấu trúc chưa rõ nổi bật chức năng, chưa phù hợp để kết nối phát triển với các khu vực đô thị xung quanh.
Quy hoạch mạng lưới giao thông (tĩnh, không, đường sắt, vành đai, đường sắt đô thị Monorail, cầu, TOD...) cần được điều chỉnh bổ sung, chuẩn hóa, đồng bộ cho phù hợp với nhu cầu phát triển khi điều chỉnh.
Tháng 8/2021 Hà Nội cũng đã có kế hoạch triển khai công tác lập Quy hoạch thành phố Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050.
Về tiến độ lập quy hoạch Thành phố rút ngắn thời gian tiến độ lập từ 24 tháng giảm còn 18 tháng. Sau khi được Thủ tướng phê duyệt nhiệm vụ.