Trong nước

Hà Nội: Cấm nhiều loại xe qua cầu Chương Dương

  • Tác giả : Thiên Tuấn
Để bảo đảm an toàn giao thông cho người và các phương tiện lưu thông qua cầu, Sở Giao thông vận tải thông báo phương án điều chỉnh tổ chức giao thông, hạn chế các phương tiện lưu thông trên Cầu Chương Dương (Hà Nội).
Người dân di dời trong đêm
Thông tin từ người dân sinh sống tại tuyến đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết, do mực nước sông Hồng lên cao và nhanh nên ngay trong đêm, rạng sáng 10/9, nhiều hộ dân đã buộc phải di dời ra khỏi nhà để đến nơi an toàn. Đặc biệt, tại ngõ 176 Nghi Tàm ngập hơn 1 mét nên nhiều người phải sơ tán đến ở nhờ những nhà cao hơn.

Tại rốn lũ huyện Chương Mỹ, mưa lớn kéo dài nhiều ngày qua đã khiến mực nước sông Bùi lên cao vượt mức báo động. Bên cạnh việc khiến nhiều hộ dân bị ngập, nước sông dâng cao còn gây sạt lở 5m tuyến đê Bùi II.

Trong khi đó tại huyện Ba Vì, do hồ chứa xả lũ, mực nước sông Hồng lên cao đã gây sạt lở 10m mái đê hữu Hồng. Hiện tượng sụt lún cơ kè tại đê hữu Hồng thuộc địa phận xã Cổ Đô cũng xuất hiện và có nguy cơ lan rộng.
Thông tin từ Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện nay, hồ thủy điện Hòa Bình đang duy trì mở 2 cửa xả đáy, hồ Thác Bà mở 3 cửa xả mặt. Đặc biệt, hồ Tuyên Quang đã mở toàn bộ 8/8 cửa xả đáy. Điều này khiến mực nước sông Đà, sông Hồng, sông Đuống, sông Cầu, sông Cà Lồ đang lên nhanh.
Trưởng phòng Dự báo (Đài Khí tượng thuỷ văn khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ) Đinh Hữu Dương nhận định, mực nước trên sông Đà, sông Hồng, sông Đuống, sông Đáy sẽ tiếp tục lên trong hôm nay (10/9). Đỉnh lũ trên sông Đà ở mức dưới báo động (BĐ)1; sông Hồng, sông Đuống ở mức BĐ1; sông Đáy ở mức BĐ2.
Lũ trên các sông lên cao gây ngập lụt, sạt lở đất ở vùng ven sông, các bãi nổi, uy hiếp các tuyến đê thuộc quận, huyện Long Biên, Gia Lâm, Đan Phượng, Phúc Thọ, Thanh Oai, Ứng Hòa, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai, Thạch Thất, Đông Anh, Sóc Sơn…
Hạn chế phương tiện qua cầu Chuơng Dương
Ngày 9/9, Sở Giao thông vận tải Hà Nội ra Thông báo về việc điều chỉnh tổ chức giao thông hạn chế các phương tiện lưu thông trên Cầu Chương Dương (Hà Nội).
Hiện nay, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (bão Yagi), các nhà máy thủy điện đang xả lũ dẫn đến mực nước sông Hồng dâng cao, dòng chảy xiết, ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng công trình cầu.
Cam nhieu loai xe qua cau Chuong Duong, nguoi dan Ha Noi chay lut nua dem
Nước sông Hồng dâng cao nguy cơ gây lụt diện rộng ở Hà Nội.
Để bảo đảm an toàn giao thông cho người và các phương tiện lưu thông qua cầu, Sở Giao thông vận tải thông báo phương án điều chỉnh tổ chức giao thông, hạn chế các phương tiện lưu thông trên Cầu Chương Dương (Hà Nội).
Theo đó, bắt đầu từ 8h30’ ngày 10/9, theo hướng từ Hoàn Kiếm đi Long Biên: Cấm các phương tiện xe khách, xe hợp đồng, xe du lịch trên 9 chỗ; cấm xe tải có tải trọng trên 0,5 tấn; xe buýt được phép hoạt động.
Hường từ Long Biên đi Hoàn Kiếm: Cấm các phương tiện xe khách, xe hợp đồng, xe du lịch trên 9 chỗ; cấm xe tải có tải trọng trên 0,5 tấn; xe buýt được phép hoạt động.
Các phương tiện xe khách, xe hợp đồng, xe du lịch trên 9 chỗ và xe tải có tải trọng trên 0,5 tấn có nhu cầu đi qua cầu Chương Dương lưu thông theo các cầu Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Tuy và Thăng Long.
Việc điều chỉnh tổ chức giao thông hạn chế các phương tiện lưu thông trên Cầu Chương Dương sẽ bắt đầu từ 8h30’ ngày 10/9 cho đến khi có thông báo thay thế.
Phòng CSGT (Công an Hà Nội) sẽ bố trí lực lượng hướng dẫn phân luồng cho các phương tiện tham gia giao thông nhằm đảm bảo an toàn giao thông, tránh gây ùn tắc giao thông. Tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tư đô thị trên tuyến đường, nút giao.
Theo dõi, đánh giá tình hình giao thông đi lại trên tuyến và khu vực để kịp thời phát hiện các bất cập, đề xuất phương án điều chỉnh tổ chức giao thông cho phù hợp.
Cùng với đó, Công an các Quận Hoàn Kiếm, Long Biên và chính quyền địa phương phối hợp với Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội, CSGT Hà Nội và các đơn vị có liên quan điều tiết, hướng dẫn phân luồng giao thông, tránh gây ùn tắc giao thông.
Tổ chức kiểm tra, xử lý các vi phạm về trật tự an toàn giao thông, lấn chiếm vỉa hè lòng đường phục vụ kinh doanh buôn bán, dừng đỗ xe trái phép gây mất an toàn giao thông, ùn tắc giao thông trên các tuyến đường, nút giao khu vực lân cận.
Hà Nội ban hành Công điện khẩn
Đêm 9/9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Công điện số 13/CĐ-UBND về việc tập trung ứng phó lũ lớn trên các tuyến sông.
Để chủ động ứng phó với lũ lớn trên sông, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu giám đốc, thủ trưởng các cấp, các ngành căn cứ tình hình mưa lũ, chủ động kiểm tra, rà soát, sẵn sàng triển khai các kế hoạch, phương án hộ đê, phương án ứng phó với mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ” phù hợp với địa bàn, phạm vi, lĩnh vực quản lý; tổ chức thông báo ngay đến người dân, các tổ chức có hoạt động ở khu vực bãi sông, trên sông biết để chủ động phòng, tránh bảo đảm an toàn.
Tổ chức các hoạt động tuyên truyền đến người dân ở tại các khu vực có nguy cơ cao, đặc biệt là các vùng ven sông, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ lũ rừng ngang bằng nhiều hình thức để thông báo, cảnh báo người dân; tăng cường tuyên truyền tại các trường học, khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp; phối hợp với các tổ chức đoàn thể để tuyên truyền đến từng tổ chức, hộ gia đình.
Tổ chức trực ban, ứng trực 24/24h: theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ; bố trí cán bộ trực ban 24/24h, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt; theo dõi sát sao các bản tin dự báo, cảnh báo mưa lũ; kịp thời báo cáo về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố khi có sự cố, tình huống bất thường; duy trì liên lạc thường xuyên với các địa phương, đơn vị để nắm bắt tình hình và chỉ đạo kịp thời. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời ứng cứu khi có tình huống xảy ra; duy trì lực lượng ứng cứu nhanh, sẵn sàng cơ động khi có tình huống xảy ra; kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng quân đội, công an, y tế để ứng cứu kịp thời, hiệu quả.
Trong Công điện, TP yêu cầu chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin về việc xả lũ các hồ chứa thủy điện thượng nguồn, lũ lớn trên các tuyến sông; kịp thời thông báo cho người dân ở những vùng thấp, trũng có khả năng bị ngập hoặc có nguy cơ bị sạt lở biết để chủ động phòng tránh; không để người dân đến những khu vực bị ngập, có nguy cơ sạt lở.
Chủ động rà soát, sẵn sàng các phương án sơ tán người dân, di chuyển tài sản đến nơi an toàn khi cần thiết; xác định các khu vực nguy hiểm, khu vực có địa hình trũng, thấp dễ xảy ra ngập sâu, cô lập, khu vực sát bờ sông, nguy cơ sạt lở nguy hiểm, khu vực bãi giữa sông Hồng, lên danh sách các hộ dân cần sơ tán; chuẩn bị các điểm sơ tán an toàn, đảm bảo đủ chỗ ở, lương thực, nước uống, thuốc men cho người dân; hướng dẫn người dân nắm rõ quy trình, thao tác khi có lệnh sơ tán; kiên quyết triển khai phương án sơ tán, đảm bảo an toàn đối với người dân; phân công cán bộ phụ trách từng khu vực, hộ gia đình cần sơ tán, đảm bảo không bỏ sót người dân.
Chủ tịch UBND TP yêu cầu chủ đầu tư các công trình đang thi công trên sông, ven sông, các chủ phương tiện vận tải thủy chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình; rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên sông, hoạt động sản xuất kinh doanh, khai thác khoáng sản, sản xuất nông nghiệp nơi bãi sông..; chủ động thu hoạch hoa màu ở những vùng bãi thấp, trũng có nguy cơ bị ngập lũ.
Thường xuyên kiểm tra hoạt động của các đò ngang, đò dọc, các phương tiện nổi trên sông để đảm bảo an toàn cho người, phương tiện; cần thiết tạm ngừng hoạt động để đảm bảo an toàn.
Cùng với đó, có phương án bảo vệ tài sản, kho tàng, hàng hóa của Nhà nước và Nhân dân ở những vùng có khả năng bị ảnh hưởng của lũ; di chuyển chất dễ cháy, nổ, hóa chất độc hại ra khỏi vùng bãi sông; đảm bảo an toàn về điện.
Tăng cường công tác kiểm tra hệ thống đê điều, kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố về đê điều ngay từ giờ đầu; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng ứng phó đối với những tình huống xấu có thể xảy ra; thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa lũ theo đúng quy định của Luật Đê điều và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Thông tư số 01/2009/TT-BNN ngày 06/01/2009.
Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô, Giám đốc Công an TP chỉ đạo các đơn vị có liên quan sẵn sàng phương án hiệp đồng với các lực lượng chức năng của TP để triển khai các biện pháp phòng, chống lũ và ứng phó kịp thời khi có tình huống xảy ra; duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng cơ động, hỗ trợ công tác di dời, cứu hộ, cứu nạn người dân tại các khu vực nguy hiểm; Tăng cường tuần tra, kiểm soát các khu vực trọng điểm, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho người dân và tài sản, hướng dẫn, điều tiết đảm bảo an toàn giao thông đường thủy.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan phối hợp với Công an TP Hà Nội và UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, sẵn sàng triển khai phương án phân luồng tổ chức giao thông, bố trí lực lượng hướng dẫn và đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, cầu qua sông; kịp thời xử lý sự cố, kiên quyết ngăn chặn hoạt động của những phương tiện giao thông thủy không đảm bảo an toàn. Kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu thuyền và hoạt động tại các bến cảng, khu neo đậu để đảm bảo an toàn về người và phương tiện.
Giám đốc Sở NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị trực thuộc: Kiểm tra, rà soát hệ thống đê điều, kè, cống, trạm bơm, các công trình phòng chống lũ khác, đảm bảo vận hành an toàn, hiệu quả; kiểm tra kỹ thuật, đánh giá hiện trạng, khả năng chịu lực của hệ thống đê điều, kè; sửa chữa, gia cố ngay các vị trí xung yếu, hư hỏng; kiểm tra, bảo dưỡng các trạm bơm, cống, đảm bảo vận hành tốt khi cần thiết; chuẩn bị sẵn sàng vật tư, thiết bị, nhân lực để xử lý sự cố đê điều, kè; kiện toàn các đội xung kích kiểm tra đê điều, sẵn sàng ứng phó với các sự cố có thể xảy ra, đảm bảo an toàn đê điều, hồ, đập, các công trình thủy lợi
Tổ chức trực ban 24/7 theo dõi chặt chẽ tình hình, chủ động chỉ đạo, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện Công điện này và công tác ứng phó phù hợp với diễn biến thiên tài thực tế, kịp thời báo cáo, đề xuất Chủ tịch UBND TP chỉ đạo những vấn đề đột xuất, phát sinh, vượt thẩm quyền.
Giám đốc Sở Công Thương rà soát phương án đảm bảo cung ứng đầy đủ các mặt hàng thiết yếu cho người dân, đặc biệt là tại các khu vực bị ảnh hưởng/chia cắt bởi mưa lũ. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý; Sẵn sàng phương án hỗ trợ các hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất bị thiệt hại do mưa lũ; Phối hợp với các đơn vị liên quan để vận chuyển hàng hóa, lương thực, thực phẩm đến các vùng bị cô lập, khó khẳn...
Giám đốc Sở LĐTB&XH rà soát, thống kê các đối tượng dễ bị tổn thương như người già, trẻ em, người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn tại các khu vực có nguy cơ cao; Sẵn sàng phương án hỗ trợ, chăm sóc, bảo vệ các đối tượng này trong và sau mưa lũ; Kịp thời tổ chức các hoạt động thăm hỏi, động viên, hỗ trợ tinh thần cho người dân khi có tình huống xảy ra.
Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm tại các khu vực có nguy cơ cao và các khu vực bị ảnh hưởng bởi mưa lũ; chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, vật tư y tế, hóa chất xử lý môi trường để ứng phó với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra. Đồng thời tổ chức các đội y tế lưu động, sẵn sàng khám chữa bệnh, cấp cứu cho người dân tại các vùng bị ảnh hưởng; phối hợp với các đơn vị liên quan để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân trong và sau mưa lũ.
Giám đốc Sở Xây dựng, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng tập trung toàn bộ nhân lực, trang thiết bị khẩn trương triển khai ngay giải tỏa cây đổ, cành gãy, xử lý thu dọn cây đổ, cành gãy, dựng lại cây, trồng thay thế và dọn vệ sinh. Kiểm tra, rà soát các công trình xây dựng, nhà ở, hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt tại các khu nhà tập thể cũ ở khu vực có nguy cơ cao. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để hỗ trợ di dời người dân, tài sản tại các khu vực nguy hiểm. Bảo đảm nguồn cung cấp nước sạch sinh hoạt phục vụ người dân
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông để tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về tình hình mưa lũ; Chỉ đạo các nhà mạng đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và ứng phó với mưa lũ; Cung cấp thông tin kịp thời, chính xác về tình hình mưa lũ, các biện pháp phòng tránh, ứng phó đến người dân thông qua các kênh truyền thông đại chúng và mạng xã hội; Xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận.
Tổng Công ty Điện lực Hà Nội rà soát, kiểm tra, đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện, đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; Sẵn sàng phương án cắt điện khẩn cấp khi cần thiết để đảm bảo an toàn cho người dân, sau đó khôi phục trong thời gian nhanh nhất. Chuẩn bị lực lượng, phương tiện ứng trực để khắc phục sự cố điện do mưa lũ gây ra, trong đó ưu tiên không để ảnh hưởng đến các trạm bơm tiêu thoát.
Thiên Tuấn