Lời tòa soạn: Sách báo khai thác nhiều đề tài về công lao trời biển, đức tính cao đẹp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - một vĩ nhân, nhưng ít tư liệu về một thời của vị Tổng tư lệnh mặt trận tiến công vào khoa học. Khoa học và Đời sống trân trọng giới thiệu chùm bài bài viết về vị Đại tướng huyền thoại qua hồi ức của GS.TSKH.NGND. Nguyễn Thiện Phúc.
Vị tướng trên mặt trận khoa học công nghệ (Kỳ 1)
Tối mùng 4 tháng 10 năm 2013, khi đang ngồi trước máy tính, tôi bỗng bàng hoàng đọc thấy một dòng tin: Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời. Một trái tim lớn đã ngừng đập!
Một nhà báo đề nghị tôi viết về vị chỉ huy mặt trận khoa học, nhưng tôi ngài ngại vì thấy lĩnh vực này có thể quá nhỏ so với các phạm vi hoạt động rộng lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và những câu chuyện của mình nhỏ nhoi so với những chiến công lừng lẫy trong các bài viết khác về Người. Nhưng rồi, trong những ngày hòa mình với dòng người sắp hàng dài trước ngôi nhà 30 Hoàng Diệu, tôi đã ngồi ghi lại đôi điều về những ngày được tiếp cận vị tư lệnh lỗi lạc.
Vị tướng huyền thoại
PGS. Trần Tuấn Thanh – Anh hùng Lao động giới thiệu với Đại tướng Võ Nguyên Giáp về Công nghệ chế tạo bộ đôi cao áp, vòi phun 1985. Ảnh Tư liệu ĐHBKHN |
Một số nhà khoa học quốc tế sang Việt nam dự Hội thảo lớn về Cơ học năm đó đã được tiếp kiến Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Phủ Chủ tịch. Họ là những tiến sĩ khoa học, giáo sư, viện sĩ nổi tiếng đến từ nhiều nước trên thế giới.
Đại tướng tươi cười, thân mật bắt tay chào hỏi từng người. Khi có mấy người khách tự giới thiệu mình từ nước nào đến, Đại tướng vui vẻ nói đôi câu với khách bằng tiếng nước đó. Cả đoàn thích thú, trầm trồ thán phục.
Trong những lời phát biểu của khách có nhiều vị rất chân tình thổ lộ sự kính phục và quý mến Đại tướng: “Chúng tôi từ hồi còn là những cậu bé học sinh nhưng đã biết đến tên tuổi và các chiến công của Ngài, nay lại được trực tiếp trò chuyện với Ngài, thật là một hạnh phúc quá lớn!”; “Đối với chúng tôi đây là một kỷ niệm nhớ đời, được bắt tận tay một nhân vật lịch sử huyền thoại!”.
Tôi rất tự hào được nhìn thấy các nhà khoa học lừng danh của thế giới, vẻ mặt rạng rỡ, đôi mắt sáng ngời, qua những cặp kính lão, chăm chú dõi theo từng lời nói của Đại tướng, có vẻ hơi giống như hình ảnh những “cậu bé” đang chiêm ngưỡng những nhân vật trong chuyện cổ tích.
Tôi bỗng nhớ đến một câu chuyện nhỏ, khoảng cuối năm 1953, khi còn đang học trường cấp 3 Lam Sơn, sơ tán ở Thọ Xuân, Thanh Hóa. Vào một chiều mùa đông năm đó, chúng tôi vừa đi học về thì nghe tin, tối nay Đại tướng về công tác và sẽ có buổi gặp nhân dân một bản làng, cách đây khoảng 15 cây số.
Thế là 4 đứa học sinh chúng tôi rủ nhau chạy bộ đến đó, mong được nhìn thấy Đại tướng. Lúc đến nơi chúng tôi còn kịp nghe đồng chí Nguyễn Chí Thanh vừa kết thúc bài nói chuyện và Đại tướng giơ tay vẫy chào và dặn dò dân làng. Hình ảnh Đại tướng xuất hiện như một ánh hào quang cứ mãi mãi trong lòng tôi.
Trên dọc đường chạy bộ hôm đó, trời tối lắm, chúng tôi bỗng ngạc nhiên nhìn thấy một khối sáng lóa cứ chạy ầm ầm trên đường, ngày càng đến gần, sợ quá hò nhau nằm bẹp xuống vệ đường. Hóa ra là một chiếc ô tô tải cỡ lớn. Học đến cấp 3 mà lần đầu tiên mới được tận mắt nhìn chiếc ô tô.
Mấy chục năm sau, tôi thầm nhớ lại mẩu chuyện đó như là một kỷ niệm riêng, lúc đang ngồi ở vị trí Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu của Nhà nước về công trình chế thử chiếc ô tô đầu tiên của Việt nam, đặt tên là ô tô “Chiến thắng”, do Cục quân giới chế tạo, Trung tướng Đôn là chủ nhiệm.
Đại tướng chất vấn về đề tài robot đầu tiên
Thời kỳ làm luận văn tiến sĩ khoa học ở trường Đại học Bách khoa Leningrad , nay là trường Tổng hợp kỹ thuật Saint Petersburg, tôi đã say sưa đi sâu vào một lĩnh vực mới là Robotics theo đề nghị từ trong nước nhưng người nước ngoài không được phép bảo vệ về lĩnh vực mới mẻ này.
Thời đó, đối với Liên xô lĩnh vực này cũng là còn quá mới mẻ. Cuối năm 1978 sau khi bảo vệ thành công luận văn trở về, nhờ có sự ủng hộ tích cực của Viện Bảo hộ Lao động, tôi mới đăng ký được một đề tài nghiên cứu về robot trong chương trình của Viện chủ trì. Nhưng lên đến cấp trên thì riêng đề tài này lại chưa được duyệt.
Sau này tôi mới biết có chuyên viên lại còn cho rằng người đề xuất đề tài này có thể là bị tâm thần (!). Nhưng cũng là một dịp may, vì còn phải trình duyệt, nên tôi được Đại tướng chất vấn.
Trả lời các câu hỏi kết quả nghiên cứu dùng vào đâu, tôi đã kể những chuyện qua các chuyến đi thực tế, nghe mấy cô công nhân trẻ, ngồi máy đột dập tâm sự rằng thường thì cứ cụt một đốt ngón tay thì mới lên được một bậc lương. Hoặc nhìn thấy bác công nhân Nhà máy Sắt tráng men Hải Phòng suốt ngày đứng trước lò nung nhưng không mặc áo vì sợ có mỗi chiếc áo bảo hộ, mặc vào thì nó cháy mất! Thế là đề tài đầu tiên nghiên cứu về robot ở ta đã được phê duyệt và bản thân tôi lại còn được cử dẫn đầu một đoàn đi khảo sát ở nước ngoài về robotics.
GS.TSKH.NGND. Nguyễn Thiện Phúc. |
Chiếc Robot TM-01, sản phẩm đầu tiên của đề tài đã biết cầm bó hoa tặng khách. Và “Quý khách” cần tặng nhất là Đại tướng. Giáo sư Nguyễn Văn Đạo đã mời được Đại tướng cùng chụp ảnh với Robot TM-01. Tiếc là tấm ảnh quý giá này tôi không còn giữ được, chỉ còn tấm ảnh chụp với Robot TM-01 lúc vừa mới hoàn thành, có mặt GS. TSKH. Nguyễn Văn Đạo, lúc đó là Viện trưởng Viện Cơ học Việt Nam và PGS. TS. Nguyễn An Lương, lúc đó là Viện trưởng Viện Bảo hộ Lao động Việt Nam. Đó là 2 người đã giúp đỡ đề tài rất nhiều.
Ánh mắt “sáng như tia chớp” khi nói về khoa học
Tại một phiên họp mở rộng của Hội đồng khoa học Thủ đô, Đại tướng trực tiếp chủ trì và muốn nghe các thành viên phát biểu ý kiến của mình về đường lối xây dựng Thủ đô và chính sách phát triển khoa học công nghệ trên địa bàn.
Mỗi người được phép phát biểu 10 phút. Đại tướng rất trân trọng ý kiến của mọi người, chăm chú lắng nghe, thậm chí thỉnh thoảng còn ghi chép. Mấy bài phát biểu đầu tiên đều quá thời gian quy định bị Đại tướng nhắc nhở nghiêm khắc, sau đó bảo đem đến một đồng hồ báo thức và đặt giờ tự động báo. Đại tướng nói vui: “Có tự động hóa, con người đỡ mang tiếng khắt khe!”. Cả phòng họp đồng tình, cười vui vẻ.
Hôm đó tôi rất may mắn được ngồi ở vị trí “chiếu tướng” và chẳng hiểu tôi có ngộ nhận không, nhưng lúc Đại tướng cười vui nói đến “tự động hóa”, tôi bỗng thấy có một ánh mắt sáng như tia chớp hướng về phía mình. Hình ảnh đó làm tôi phấn chấn lắm, vì có thể Đại tướng vẫn nhớ đến khi duyệt danh sách các cán bộ khoa học tham gia Hội đồng khoa học của khối SEV, trong đó tôi được cử làm đại diện trong lĩnh vực “Cơ khí hóa Tự động hóa” .
Cuối một ngày làm việc rất tập trung, Đại tướng đã tổng kết lại với những ý kiến rất sâu sắc, rất tâm huyết và lúc mở đầu cũng không quên nhắc nhẹ về thời gian phát biểu: “Từ sáng đến giờ chỉ có rất ít người nói dưới 10 phút, nhưng lại là những ý kiến súc tích”. Tôi rất vui vì được nhắc tên trong số ít đó.
Bài phát biểu của tôi chỉ có 2 ý kiến. Ý kiến thứ nhất là trên thế giới dường như có 2 cách thức xây dựng mạng lưới các thành phố: Thứ nhất, nếu chỉ dồn sức cho vài ba thành phố lớn, ví dụ như Hà nội và TP. Hồ Chí Minh, chắc là tốc độ phát triển sẽ nhanh hơn, nhưng sau này hệ lụy sẽ là không nhỏ về ách tắc giao thông, như Bangkok hiện nay và sẽ xảy ra những mâu thuẫn do sự chênh lệch quá lớn giữa nông thôn với thành phố. Còn cách thứ hai, sẽ cho xây dựng nhiều thành phố ở các cụm dân cư, khoảng xấp xỉ 1 triệu người là xây dựng một thành phố. Nhà nước chủ yếu chỉ lo xây dựng mạng lưới giao thông kết nối chúng lại thì dễ có sự phát triển bền vững hơn.
Ý kiến thứ 2 là: Nhiều người cho rằng cần có “khoán mười” trong hoạt động khoa học và xem đó là chìa khóa cho sự phát triển đổi mới. Nếu hiểu “khoán mười” chỉ là đổi mới cơ chế quản lý là chưa đủ, vì đổi mới cơ chế là cần thiết nhưng, nói cho cùng, cũng chỉ là cơ chế làm việc của chiếc “Survolter”, nhà này sáng lên thì nhà kia tối đi.
Cái hay của “khoán mười” còn ở chỗ, vì nó là một giải pháp khai thác đầu vào từ “đất ruộng”. Trong hoạt động khoa học cũng vậy, cần nhất là khai thác đầu vào, đầu ra của hệ thống, chứ không phải đơn thuần là đổi mới cơ chế quản lý. Một khi các cơ sở sản xuất chưa thể tự đặt hàng, tạo “đầu ra” cho khoa học, thì Nhà nước phải sớm xác định được các nhiệm vụ chiến lược để đặt hàng cho khoa học và phải tăng cường đầu tư cho “đầu vào” ở mức cần thiết để hoàn thành các nhiệm vụ đó./.
GS.TSKH.NGND. Nguyễn Thiện Phúc
(còn tiếp)