Ngày 24/3, Liên Hiệp các Hội Khoa và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ đội ngũ trí thức và 40 năm thành lập VUSTA.
Ngày 26/3/1983, với sự tham dự của 14 hội ngành và Liên hiệp các Hội KH&KT Hà Nội đã diễn ra Đại hội thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, là mái nhà chung để tập hợp và phát huy trí tuệ và sức sáng tạo của đội ngũ trí thức Việt Nam.
Đến nay, Liên hiệp Hội Việt Nam đã trở thành một tổ chức chính trị - xã hội lớn mạnh của đội ngũ trí thức KH&CN nước nhà, có hệ thống từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, do Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp lãnh đạo.
Nhằm ôn lại chặng đường xây dựng và phát triển của Liên hiệp Hội Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ qua; hôm nay 24/3, tại Thủ đô Hà Nội, Liên hiệp Hội Việt Nam long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ đội ngũ trí thức và 40 năm ngày thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Tại buổi lễ, GS.TSKH.NGND. Nguyễn Thiện Phúc - Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Hà Nội khóa I phát biểu, Kỷ niệm 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt đội ngũ trí thức và 40 năm ngày thành lập Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, chúng ta rất vui mừng, rất tự hào về những thành tích đã đạt được và chúng ta cũng dành nhiều tâm tư suy nghĩ để góp phần đẩy mạnh hoạt động các hội khoa học trong giai đoạn bước sang thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.
|
Toàn cảnh Lễ kỷ niệm 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ đội ngũ trí thức và 40 năm thành lập VUSTA. |
GS.TSKH.NGND. Nguyễn Thiện Phúc cho biết, ngày 18/5/1963, tại Thủ đô Hà Nội, Bác Hồ đã đến dự và nói chuyện tại Đại hội Đại biểu Hội Phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam toàn quốc lần thứ nhất. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên những luận điểm quan trọng nhất về hoạt động và phát triển khoa học công nghệ. Bác căn dặn chúng ta: “Các cô, các chú phải ra sức đem hiểu biết khoa học và kỹ thuật của mình truyền bá rộng rãi trong nhân dân lao động, để nhân dân thi đua sản xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ...".
‘Ngày 18/5 đó đã trở thành ngày lịch sử. Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, đã thống nhất chọn ngày này hàng năm là Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Việc chọn lựa như vậy chứng tỏ tầm quan trọng của công tác phổ biến khoa học và kỹ thuật. Nó là điểm xuất phát cho công tác khoa học của nước nhà. Hội Phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam là tiền thân của Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật (viết tắt là LHH) Việt Nam. Nhiệm vụ cao cả nhất đối với các hội khoa học là đưa kiến thức khoa học đến quần chúng lao động, những người biến kiến thức khoa học thành của cải vật chất cho xã hội. Thực tế cuộc sống đã khẳng định rằng, nhiệm vụ này đem lại lợi ích kinh tế không hề nhỏ cho xã hội”, GS.TSKH.NGND. Nguyễn Thiện Phúc cho biết thêm.
GS.TSKH.NGND. Nguyễn Thiện Phúc nói, với trách nhiệm là Chủ tịch Hội liên hiệp khoa học và kỹ thuật Hà Nội nhiệm kỳ đầu tiên, tôi tham gia một số việc chuẩn bị cho Đại hội thành lập LHH Việt Nam, tiến hành sau đó khoảng một năm. GS. Trương Tùng, Phó Chủ tịch Thành phố Hà Nội, đồng thời là Phó Chủ tịch LHH Hà Nội, đã rất nhiệt tình tìm cách cấp trụ sở làm việc cho LHH Việt Nam, tại số nhà 30B Bà Triệu, rất gần sát với hồ Hoàn Kiếm. Thời gian này, bác Trần Đại Nghĩa, Chủ tịch đầu tiên của LHH Việt Nam làm rất nhiều việc, thường rất muộn mới ra về. Đôi khi Giáo sư bảo tôi lên xe cùng về nhà ở Hàng Chuối, lúc đó các đường quanh Hồ Gươm đã lên đèn. Dọc đường trên xe lại tiếp tục câu chuyện dang dở ở cơ quan.
‘Ngay sau khi thành lập, LHH Hà Nội đã nhanh chóng kết nghĩa với Hội Kiến thức của thành phố Mascơva. Nhờ sự hợp tác đó, LHH Hà Nội đã nhanh chóng tổ chức được các câu lạc bộ khoa học, khai trương một triển lãm ở nhà thuyền trên hồ Thiền Quang và bắt đầu có các trang bị như ô tô, máy ghi băng các bài giảng phổ biến khoa học v.v. Đồng thời qua đấy chúng tôi còn làm được một việc là cầu nối để LHH Việt Nam hợp tác với Hội Kiến thức toàn Liên bang Xô Viết. Trong quá trình hợp tác đó, tôi được chứng kiến, với các ấn tượng đẹp, trong nhiều cuộc tọa đàm giữa bác Trần Đại Nghĩa và các nhà khoa học và các nhà hoạt động hội khoa học kỹ thuật của Liên bang Xô Viết. Bác Nghĩa thường nhắc chúng tôi phải học tập kinh nghiệm của bạn trong hoạt động phổ biến nâng cao kiến thức khoa học cho quần chúng và cần nhận thức về vai trò cực kỳ quan trọng của quần chúng lao động.
Trong những năm đầu hoạt động hội, tôi cũng không ít lần được đi công tác đến các tỉnh thành với GS. Trần Đại Nghĩa. Lần đi dự hội nghị ở LHH Tp. Hải Phòng, tôi thấy GS. Nghĩa rất trăn trở về vấn đề quản lý kinh tế ở các địa phương. GS. Nghĩa thường đem theo bộ sách quản lý kinh tế của Tây Âu và giới thiệu với họ. Nhưng kỷ niệm sâu sắc nhất là những ngày cùng đi với GS. Trần Đại Nghĩa vào dự Đại hội thành lập LHH Tp. Hồ Chí Minh. Tôi vẫn còn giữ được và giới thiệu dưới đây tấm ảnh chụp kỷ niêm ngày hôm đó”, GS.TSKH.NGND. Nguyễn Thiện Phúc nói.
|
GS.TSKH.NGND. Nguyễn Thiện Phúc phát biểu tại buổi lễ. |
GS.TSKH.NGND. Nguyễn Thiện Phúc chia sẻ, nội dung phổ biến kiến thức ngày nay không phải chỉ là kiến thức khoa học thường thức, mà phải là kiến thức từ những lĩnh vực khoa học có thể làm thay đổi cuộc sống. Chủ đề Đổi mới và Sáng tạo ngày nay đang được đặc biệt quan tâm ở nước ta cũng như ở nhiều nước trên thế giới. Đổi mới sáng tạo là chìa khóa thành công để phát triển đất nước. Những năm gần đây, chủ trương đổi mới sáng tạo đã rất được nhấn mạnh trong các bài phát biểu của các vị lãnh đạo Đảng và Chính phủ nước ta.
Vấn đề là cần có những giải pháp sáng tạo nào để triển khai có hiệu quả. Với nhận thức rằng đầu tư cho khoa học là cơ sở cho đổi mới sáng tạo thì trước hết cần nhanh chóng triển khai giải pháp hiệu quả nhất là phải tổ chức học tập tốt về nội dung và phương pháp Đổi mới Sáng tạo để vươn lên thành công.
Tham khảo kinh nghiệm hoạt động các Trung tâm Đào tạo liên tục ở một số nước, chúng tôi có đề xuất tổ chức một hình thức tương tự, gọi tên là Trung tâm tập huấn chuyên đề Đổi mới Sáng tạo, làm cầu nối giữa trường học và doanh nghiệp. Các trung tâm này sẽ hoạt động không chỉ theo phương thức “cầm tay chỉ việc” mà kết hợp với “phân tích tình huống” theo các chuyên đề cụ thể. Đó là hình thức phổ biến kiến thức khoa học công nghệ thiết thực và hiệu quả nhất hiện nay.
Phát huy truyền thống 40 năm vẻ vang của LHH Việt Nam, chúng ta tin tưởng sẽ đạt nhiều thành tích trong công tác phổ biến kiến thức khoa học để phục vụ đắc lực cho sự nghiệp đổi mới sáng tạo của Đất nước trong thời kỳ CMCN 4.0.