Chính phủ vừa giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) triển khai chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng, tương đương 12% nhu cầu vốn, để phát triển nhà ở xã hội (NOXH) giai đoạn 2021-2030. Các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư sẽ nhanh chóng được tiếp cận nguồn vốn tín dụng này, giãn nợ, thúc đẩy thanh khoản, kích cầu phân khúc NOXH.
Đón đầu gói 12.000 tỷ
Chính phủ giao NHNN chủ trì chỉ đạo các ngân hàng thương mại, trong đó chủ lực là 4 ngân hàng Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank triển khai chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án NOXH, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay.
Lãi suất trong thời gian ưu đãi sẽ được điều chỉnh thấp hơn 1,5-2% so với lãi suất cho vay bình quân trung và dài hạn của các ngân hàng quốc doanh trên thị trường.
Thực tế cho thấy, gần đây, khi Chính phủ chuẩn bị thông qua gói 120.000 tỷ, nhiều địa phương đã “rầm rộ” ban hành kế hoạch phát triển NOXH. Thậm chí có những dự án NOXH tới đây triển khai có tổng mức đầu tư lớn hơn nhiều so với những dự án nhà ở thương mại thông thường.
Tỉnh Bắc Giang tháng 3/2023 đã phê duyệt dự án NOXH tại Khu số 1 thuộc Khu đô thị cạnh Trường Cao đẳng nghề công nghệ Việt – Hàn, với chi phí đầu tư dự kiến 457 tỷ đồng; Trước đó tháng 1/2023 tỉnh này cũng phê duyệt dự án Khu NOXH số 02 tại khu số 5, số 9 thuộc khu đô thị phía Nam, thành phố Bắc Giang với tổng chi phí thực hiện 863 tỷ đồng.
Từ tháng 9/2022, Hải Phòng đã mời thầu dự án Khu NOXH tại Tổng kho 3 Lạc Viên, phường Máy Chai và phường Cầu Tre, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng với tổng mức đầu tư lên tới 4.800 tỷ đồng.
Đầu năm 2023, tỉnh Quảng Bình cũng kêu gọi các nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án Khu NOXH tại xã Lộc Ninh, thành phố Đồng Hới với chi phí thực hiện là 927 tỷ đồng, diện tích 9,6ha.
Tại tỉnh Ninh Thuận, tháng 9/2022 cũng phê duyệt dự án NOXH tại Khu tái định cư Thành Hải, tại Xã Thành Hải , TP. Phan Rang-Tháp Chàm, với diện tích gần 2ha, chi phí thực hiện khoảng 1.134 tỷ đồng.
Cuối năm 2022 tỉnh Thanh Hóa cũng mời thầu dự án NOXH phường Nam Ngạn, thành phố Thanh Hóa (tại MBQH Khu ở và dịch vụ thuộc khu đô thị Bắc cầu Hạc) khoảng 2,8ha, với tổng chi phí thực hiện khoảng 3.700 tỷ đồng;
Tỉnh Phú Thọ cũng đã phê duyệt dự án Khu nhà ở công nhân, chuyên gia tại khu Hóc Chẹo xã Tiên Kiên, huyện Lâm Thao diện tích 3,1ha, với chi phí thực hiện 517 tỷ đồng.
Không chỉ những địa phương trên, hiện trên cả nước cũng đang nhiều tỉnh thành phê duyệt và tìm nhà đầu tư cho các dự án NOXH, nhà ở công nhân để triển khai trong thời gian tới.
Với những chính sách mới, dự báo giai đoạn này sẽ "mở đường" cho thị trường nhà ở xã hội trong tương lai. |
“Ông lớn” nhập cuộc
Bấy lâu nay các dự án nhà ở xã hội thường có quy mô nhỏ, vị trí xa trung tâm và chỉ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nhỏ, thiếu chuyên nghiệp. Tuy nhiên gần đây đã có hàng loạt các nhà đầu tư lớn “xung phong” tham gia thị trường này.
Năm 2021, Công ty Cổ phần Tập đoàn Apec Group (Apec Group) đã có văn bản gửi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và lãnh đạo thành phố Hải Phòng đề xuất thực hiện siêu dự án Khu đô thị NOXH 5 sao, thu hút sự chú ý của dư luận.
Việc Apec Group tiên phong trong bối cảnh nguồn cung mới NOXH rất hạn chế trong mấy năm gần đây kiến nhiều người không khỏi nghi ngại câu chuyện “lỗ - lãi” bấy lâu nay khiến nguồn cung của phân khúc này ngày càng hạn hẹp. Apec Group đặt mục tiêu năm 2022 - 2025 sẽ triển khai khoảng 200.000 - 500.000 căn hộ cho người lao động có thu nhập thấp trên cả nước.
Trong số đó, các căn nhà ở an sinh xã hội tại Hà Nội - Tp. Hồ Chí Minh được Apec Group dự kiến có mức giá khoảng 14-15 triệu đồng/m2; các thành phố trực thuộc Trung ương khác dao động trong khoảng giá từ 12-13 triệu đồng/m2; các tỉnh có khu công nghiệp lớn như Bắc Ninh, Đồng Nai, Long An là 10-12 triệu đồng/m2... với quy mô căn hộ từ 25 - 70m2.
Tháng 1/2022, Tập đoàn Hưng Thịnh cũng đã công bố Sáng kiến Nhà ở vừa túi tiền. Trên cơ sở đó, Hưng Thịnh đã kết hợp với Tập đoàn Gỗ Trường Thành và Đồng Tâm Group, huy động nguồn lực chung của toàn bộ chuỗi giá trị bất động sản: Từ quỹ đất, ý tưởng, quy hoạch, thiết kế, nguyên vật liệu, thiết bị, giải pháp kỹ thuật, giải pháp thi công, giải pháp quản trị dự án... cho đến khi hình thành được căn nhà. Mục tiêu của sáng kiến là tạo ra những ngôi nhà bảo đảm chất lượng, có giá thành phù hợp với người có thu nhập thấp.
Doanh nghiệp này cho biết, với quỹ đất, năng lực, kinh nghiệm và khả năng huy động toàn chuỗi giá trị bất động sản, Hưng Thịnh sẽ xây dựng 150.000 căn nhà ở xã hội – nhà ở vừa túi tiền tại TPHCM và mở rộng ra các tỉnh, thành phố lân cận.
Không chỉ có vậy, giai đoạn vừa qua, nhiều doanh nghiệp lớn bất động sản khác bây lâu nay chỉ được biết đến với phân khúc nhà ở cao cấp cũng đã đẩy mạnh định hướng phát triển nhà ở xã hội, vừa túi tiền người lao động. Trong đó có thể thấy, như: Vingroup cam kết 500.000 căn, Novaland cũng nhận nhiệm vụ đầu tư xây dựng 200.000 căn tại các tỉnh thành phía Nam và trọng tâm là TPHCM. Các doanh nghiệp khác như Him Lam, Sun Group, Bitexco… cũng tham gia hưởng ứng mục tiêu chung của Chính phủ.
Với gói 120.000 tỷ đồng và nhiều tháo gỡ vướng mắc về thủ tục, pháp lý, nhiều người dân và doanh nghiệp đang kỳ vọng nguồn cung NOXH sẽ tăng cao trong thời gian tới.