Y học và đời sống

Giun lươn: bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhiều người mắc nhưng bị lãng quên

  • Tác giả : TS.BS Bùi Tiến Sỹ
Giun lươn được xếp vào loại ký sinh trùng nguy hiểm nhất, tồn tại lâu trong cơ thể người và gây nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong. Nhiều người bị nhiễm nhưng vẫn được WHO đưa vào danh sách các bệnh nhiệt đới bị lãng quên.

20% người Việt mắc bệnh

Bệnh giun lươn (Strongyloides stercoralis) là một bệnh nhiễm sán thuộc nhóm bệnh lây truyền qua đất. Mặc dù giun lươn được xếp vào loại ký sinh trùng nguy hiểm nhất trong các loại ký sinh trùng đường tiêu hóa (có thể tồn tại lâu trong cơ thể người và gây nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong).Tuy nhiên đến nay Strongyloidiasis vẫn được WHO đưa vào danh sách các bệnh nhiệt đới bị lãng quên.

Ký sinh trùng nhiễm vào cơ thể thông qua việc xâm nhập ấu trùng Strongyloid từ trong đất qua da hoặc niêm mạc. Sau khi xâm nhập, các ấu trùng lây nhiễm di chuyển qua hệ tuần hoàn máu vào phổi, tim, từ phế nang vào khí quản, tiếp đó sẽ nuốt vào đường tiêu hóa cư trú tại thực quản, dạ dày và ruột non, và chủ yếu là ở tá tràng.

Dòng đời phát triển của giun lươn - Ảnh minh họa

Dòng đời phát triển của giun lươn - Ảnh minh họa

Bệnh giun lươn phân bố rộng rãi toàn cầu với ước tính số lượng nhiễm giun lươn lên đến 613,9 triệu người, tương đương 8,1% dân số toàn cầu , trong đó Đông Nam Á là khu vực có mức độ lây nhiễm cao nhất và Myanma là quốc gia có tỷ lệ mắc nhiều nhất khu vực.

Tại Việt Nam, thống kê kết quả soi phân trực tiếp cho thấy tỷ lệ mắc bệnh giun lươn trong cộng đồng từ 0,2% - 2,5% (GS. Nguyễn Văn Đề, 2016).

Nghiên cứu trên 2000 mẫu huyết thanh của người bệnh đến khám tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội trong năm 2016 và 2017 bằng kỹ thuật ELISA huyết thanh, tỷ lệ mắc bệnh giun lươn là 20% (GS. Nguyễn Văn Đề, 2019).

Gây tổn thương nhiều nơi cho cơ thể

Strongyloides stercoralis có thể gây viêm da tại vị trí xâm nhập, tổn thương phổi và viêm phế quản do giai đoạn ấu trùng di chuyển. Những tổn thương chính của bệnh thường thấy ở đường tiêu hóa, đặc biệt là tá tràng và phần trên của hỗng tràng nhưng cũng có thể xảy ra trong đường mật và ống tụy.

Thăm khám cho bệnh nhân nguy kịch do mắc giun lươn - Ảnh minh họa

Thăm khám cho bệnh nhân nguy kịch do mắc giun lươn - Ảnh minh họa

Bệnh có thể gây ra các triệu chứng không liên tục, chủ yếu ảnh hưởng đến tiêu hóa (đau bụng và tiêu chảy không liên tục hoặc kéo dài), phổi (ho, thở gấp, viêm phế quản mạn tính), da (ngứa, ban đỏ), có thể gây tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa dẫn đến loét hoặc thủng ruột.

Người bệnh sẽ có cảm giác đau bụng ở vùng trên bên phải, tiêu chảy, sốt không đều và ho, tình trạng nặng hơn là tiêu chảy có nhầy, có máu, thiếu máu, phù và cổ chướng.

Bệnh giun lươn được biết đến là một trong số ít các bệnh sán ký sinh liên quan đến tình trạng miễn dịch suy giảm, chẳng hạn như trong bệnh AIDS, sau phẫu thuật ghép tạng hoặc một số bệnh cảnh khác.

Về chẩn đoán, WHO khuyến cáo, phương pháp huyết thanh học là lựa chọn tốt nhất hiện có, nên kết hợp ELISA và soi tươi tìm ấu trùng phân trong thực hành lâm sàng để chẩn đoán nhiễm giun lươn.

TS.BS Bùi Tiến Sỹ (Khoa Vi sinh vật, Bệnh viện TWQĐ 108)

TS.BS Bùi Tiến Sỹ