Trong nước

Giỗ tổ Hùng Vương – thời khắc linh thiêng cảm nhận tinh thần dân tộc

  • Tác giả : Mai Loan/TT&CS
PGS.TS Bùi Hoài Sơn chia sẻ, rất ít dân tộc trên thế giới lại có một ngày tưởng nhớ tổ tiên thành quốc lễ như Việt Nam. Giỗ tổ Hùng Vương là thời khắc linh thiêng để cùng cảm nhận sâu sắc nhất về tinh thần dân tộc...
“Trong dòng chảy vô tận của thời gian, có những giá trị không bao giờ cũ, những biểu tượng không phai nhòa, và Giỗ Tổ Hùng Vương chính là một trong những biểu tượng như thế. Không chỉ là ký ức lịch sử, Giỗ Tổ là cột mốc thiêng liêng đánh thức lòng yêu nước, là lời hiệu triệu vang vọng trong từng thế hệ con cháu Lạc Hồng”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên chuyên trách, Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội chia sẻ.
Gio to Hung Vuong – thoi khac linh thieng cam nhan tinh than dan toc
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên chuyên trách, Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội. Ảnh: Phạm Thắng.
Điểm hẹn tinh thần người Việt
Mỗi năm, tiết tháng 3 về, khi đỉnh Nghĩa Lĩnh phủ sương mây bảng lảng, hàng triệu con tim người Việt lại cùng hướng về Phú Thọ, nơi các Vua Hùng đã khai sơn phá thạch, đặt nền móng đầu tiên cho quốc gia Văn Lang.
Trò chuyện với Tri thức và Cuộc sống, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho biết, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong gia tộc, từ lâu đã trở thành một bản sắc văn hóa của cộng đồng với triết lý “Con người có tổ có tông”. Thờ cúng Hùng Vương có một tầm quan trọng trong tâm thức của người Việt, khẳng định người Việt có chung một thủy tổ, nguồn gốc.
Từ bao đời nay, người Việt Nam vẫn sống trong ý niệm mình là con cháu của các Vua Hùng. Truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ không chỉ là câu chuyện cổ tích, mà là sợi dây gắn kết hàng triệu trái tim trong một niềm tin thiêng liêng về nguồn cội.
Đó là sợi chỉ đỏ tạo nên truyền thống đoàn kết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Thờ cúng Hùng Vương, thờ cúng thủy tổ của dân tộc - đất nước trở thành một biểu tượng văn hóa - tín ngưỡng kết nối giữa quá khứ với hiện tại, có tác dụng vun đắp tình cảm với gia đình, làng xã và đất nước. Giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày 10/3 âm lịch hàng năm nhằm giáo dục đạo lý truyền thống biết ơn tổ tiên, trở thành nơi hội tụ tinh thần đưa các thế hệ con cháu về cội nguồn.
Gio to Hung Vuong – thoi khac linh thieng cam nhan tinh than dan toc-Hinh-2
Lễ hội Đền Hùng - điểm hẹn tinh thần người Việt. Ảnh: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ.
Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, vì thế, không phải là một nghi lễ, mà là cuộc hội ngộ văn hóa dân tộc, là điểm hẹn tinh thần của mọi người Việt, dù ở trong nước hay nước ngoài.
“Trong lòng mỗi người dân Việt Nam, Lễ hội Đền Hùng là thời khắc linh thiêng để chúng ta cảm nhận sâu sắc nhất về tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, giá trị đoàn kết mà cha ông ta đã để lại, kết tinh thần sức mạnh chung cho cả đất nước, giúp dân tộc ta chiến thắng mọi kẻ thù, vượt qua mọi khó khăn”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn chia sẻ.
Điểm tựa văn hóa từ “căn cước” Việt Nam
PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho hay, có lẽ hiếm có một dân tộc nào trên thế giới, tổ tiên chung lại có ý nghĩa lớn lao và được thực hành một cách kính cẩn, trang trọng đến như vậy. Rất ít dân tộc nào trên thế giới lại có một ngày tưởng nhớ tổ tiên được xác lập thành quốc lễ như người Việt Nam.
Vào dịp này, người dân từ mọi miền đất nước, dù xa lạ về địa lý hay khác biệt về phong tục, có thể cùng nhau ngồi lại, cùng thành kính dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng, cùng kể cho nhau nghe những truyền thuyết về nguồn gốc dân tộc.
Trên đỉnh Nghĩa Lĩnh thiêng liêng, nghi lễ dâng hương có thể khiến ta lặng người trước không gian của lịch sử, trước bầu không khí không chỉ thấm đẫm hương trầm mà còn ngập tràn tình yêu nước. Tại Phú Thọ, không chỉ có lễ rước, lễ dâng hương, mà còn có hát Xoan, những trò chơi dân gian, những mâm cỗ dầy đủ bánh chưng, bánh giày – tất cả đã làm nên một bản giao hưởng văn hóa sâu sắc và bền vững.
Không chỉ Phú Thọ, nhiều địa phương trong cả nước đã chủ động tổ chức các hoạt động hướng về ngày Giỗ Tổ, mở rộng không gian tưởng nhớ tổ tiên đến mọi người. Đối với người Việt ở nước ngoài, dù ở Âu, Mỹ hay châu Á, hình ảnh ngày Giỗ Tổ càng trở nên rạng rỡ như một sợi dây kết nối văn hóa giữa các thế hệ với đất mẹ Việt Nam.
‘Giỗ Tổ không chỉ là dịp để tưởng nhớ tổ tiên, mà còn là một lễ hội văn hóa. Người dân từ mọi miền đất nước, dù xa lạ về địa lý hay khác biệt về phong tục, có thể cùng nhau ngồi lại, cùng thành kính dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng, cùng kể cho nhau nghe những truyền thuyết về nguồn gốc dân tộc. Những lễ hội quy mô nhỏ tại địa phương, những chương trình giao lưu văn hóa, những phiên chợ truyền thống trong ngày Giỗ Tổ… đều có thể trở thành những nhịp cầu bắc ngang qua những vùng đất còn chưa kịp làm quen”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn chia sẻ.
Đặc biệt, Giỗ Tổ Hùng Vương còn là cơ hội để nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, ý chí tự cường và tinh thần trách nhiệm công dân trong thế hệ trẻ. Trong kỷ nguyên số, khi thanh niên Việt Nam đang sải bước trên khắp các lĩnh vực, mang khát vọng vươn tầm quốc tế, thì một trong những hành trang quý giá nhất chính là lòng tự hào dân tộc, là ý thức về bản sắc và trách nhiệm với tương lai đất nước. Khơi dậy tinh thần từ Giỗ Tổ chính là cách để thế hệ hôm nay thấu hiểu rằng, mình không đơn độc – sau lưng mình là một dân tộc đã từng dựng nước bằng máu, bằng nước mắt và bằng giấc mơ trường tồn.
Câu nói bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” không chỉ là một lời nhắn gửi từ quá khứ, mà là một lời hiệu triệu hướng tới tương lai. Giữ nước hôm nay không còn là cầm vũ khí ngoài chiến trường, mà là giữ lấy văn hóa, giữ lấy tinh thần, giữ lấy căn cước Việt Nam trong một thế giới đang toàn cầu hóa mạnh mẽ.
Những bài học không nên nằm yên trong sách giáo khoa
Trong dòng chảy mãnh liệt của đô thị hóa, công nghiệp hóa và đặc biệt là chuyển đổi số, chúng ta đang sống nhanh hơn, tiếp cận thế giới rộng lớn hơn, nhưng cũng dễ lạc lõng hơn nếu không có một điểm tựa vững vàng từ bên trong. Chính tinh thần Giỗ Tổ Hùng Vương – với giá trị về cội nguồn, về lòng biết ơn và ý thức cộng đồng – có thể trở thành một ngọn lửa giữ ấm bản sắc dân tộc giữa những guồng quay khốc liệt của thời đại.
“Hội nhập mà không hòa tan” không phải là một khẩu hiệu dễ thực hiện, nếu mỗi người Việt không có trong tim mình một hình hài văn hóa rõ nét. Và hình hài ấy được vun đắp từ những ký ức tập thể, từ những biểu tượng thiêng liêng như Giỗ Tổ. Khi chúng ta biết mình đến từ đâu, mang theo giá trị gì, thì dù bước ra thế giới, ta cũng sẽ không bị đồng hóa, không bị cuốn đi mất.
Tinh thần Giỗ Tổ cần được lồng ghép sâu hơn vào cách chúng ta giáo dục thế hệ trẻ, cách chúng ta làm truyền thông văn hóa, cách chúng ta thiết kế các sản phẩm sáng tạo mang dấu ấn Việt. Những bài học về thời đại Hùng Vương không nên nằm yên trong sách giáo khoa, mà cần bước ra đời sống – trở thành những dự án truyền thông, những bộ phim, trò chơi, không gian trải nghiệm số… để thế hệ hôm nay không chỉ “biết” tổ tiên mình là ai, mà còn “cảm” được vì sao mình cần tự hào.
“Tôi tin rằng, giữa những tòa cao ốc, những dây chuyền tự động và những siêu máy chủ AI, một nén nhang dâng Tổ, một điệu hát Xoan, hay một chiếc bánh chưng ngày Giỗ Tổ vẫn có chỗ đứng riêng – không phải vì nó cũ, mà vì nó chạm tới phần sâu nhất trong con người: nhu cầu được gắn bó, được thuộc về. Đó chính là sức mạnh mềm – sức mạnh âm thầm nhưng bền bỉ – để văn hóa Việt Nam không bị mờ nhòa trong biển lớn toàn cầu”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn chia sẻ.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, nếu mỗi người dân – đặc biệt là người trẻ – đều có thể nhìn vào ngày Giỗ Tổ mà thấy được một phần căn cước của chính mình, thì khi ấy, dù đất nước có thay đổi ra sao, bản sắc Việt vẫn sẽ còn nguyên vẹn. Và chính từ tinh thần ấy, một khát vọng Việt Nam vươn cao, không chỉ giàu về kinh tế mà còn sâu sắc về văn hóa, sẽ được tiếp sức, được nâng bước – như dòng máu Lạc Hồng vẫn chảy mãi trong tim mỗi người chúng ta.

Ngày 06/12/2012 tại Paris (Pháp), UNESCO đã chính thức công nhận "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại với sự đánh giá rất cao của Hội đồng chuyên gia. Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, điều này đã khẳng định sự trường tồn, bất diệt, đạo lý nhớ về cội nguồn, hòa hợp dân tộc có từ hàng ngàn năm nay của người Việt, nâng cao ý thức tôn trọng đối với sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của người Việt.

Mai Loan/TT&CS