Sống xanh

Giải mã động cơ bác sĩ sát hại người tình ở Đồng Nai

  • Tác giả : Mai Loan
Theo chuyên gia tội phạm học Đào Trung Hiếu, hành vi của bác sĩ sát hại người tình ở Đồng Nai là kết quả của một quá trình tâm lý diễn biến phức tạp, bao gồm sự tích tụ mâu thuẫn, ức chế tinh thần,....

Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã ban hành kết luận điều tra vụ án hình sự và đề nghị truy tố đối với bị can Danh Sơn (36 tuổi, từng là bác sĩ chuyên khoa ngoại tổng quát, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai) về các tội giết người, cướp tài sản và tàng trữ, vận chuyển trái phép vũ khí quân dụng.

Hành vi gây án chấn động dư luận

Theo cơ quan điều tra, cuối năm 2022, chị T.T.B.N (37 tuổi, ngụ TP Biên Hoà) thường xuyên đưa người thân đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai khám chữa bệnh và gặp Danh Sơn là người trực tiếp thăm khám.

Tuy cả hai người đều có gia đình, nhưng vẫn nảy sinh tình cảm yêu đương. Đến tháng 3/2024, chị N nói cho Danh Sơn biết mình đang mang thai.

Do sợ bị ảnh hưởng đến gia đình và công việc nên Danh Sơn nảy sinh ý định giết người tình, phân xác phi tang. Để thực hiện hành vi, Danh Sơn mua dao phay, dao mổ, búa đinh và thuốc ngủ cất giấu trong phòng nghỉ riêng của bác sĩ tại bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.

Ngày 13/4, Danh Sơn nhắn với đồng nghiệp nhường phòng trực để ở một mình. Sau đó, Danh Sơn gọi điện, kêu người tình đến phòng trực của mình để nói chuyện và chị N đồng ý. Đến 13h cùng ngày (13/4), chị N đến phòng trực, Danh Sơn nói chị N truyền nước cho khoẻ và được chị này đồng ý.

Thượng tá, tiến sĩ Đào Trung Hiếu

Thượng tá, tiến sĩ Đào Trung Hiếu

Trong lúc truyền nước cho người tình, Danh Sơn lén bơm thuốc ngủ vào. Sau khi thấy người tình bất tỉnh, Danh Sơn đã dùng dao sát hại rồi thực hiện phân xác, sau đó cho các vào túi nilon.

Khoảng 17h, kẻ sát nhân đã mang những bịch nilon chứa thi thể của nạn nhân mang đi phi tang ở nhiều nơi tại TP Biên Hoà và huyện Vĩnh Cửu.

Sau khi phi tang xong, nam bác sĩ này quay lại phòng trực tại bệnh viện lục ba lô của chị N lấy đi số tiền 2,8 triệu đồng, lắc vàng, chiếc nhẫn, sợi dây chuyền, đôi bông tai, hai chiếc điện thoại di động.

Danh Sơn lấy quần áo, chăn dính máu bỏ thùng rác bệnh viện. Những công cụ gây án được mang đến khu vực rẫy thuộc phường Long Bình (TP Biên Hoà) để phi tang. Danh Sơn tiếp tục tìm chiếc xe máy của nạn nhân trong bãi đậu xe của bệnh viện rồi tháo biển số xe, mang ra vứt tại cầu Suối Linh (TP Biên Hoà, Đồng Nai).

Đến ngày 26/4, qua quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã tiến hành bắt khẩn cấp đối với Danh Sơn để điều tra. Quá trình khám xét nơi ở của hung thủ tại phường Tân Hiệp (TP Biên Hoà), công an thu giữ 3 chỉ vàng, 1 khẩu súng Rulo và 5 viên đạn.

Sự thiếu hụt nghiêm trọng về nhân cách, đạo đức…

Trao đổi với PV Khoa học & Đời sống/ Báo Tri thức và Cuộc sống, Thượng tá, tiến sĩ Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học, cho biết vụ việc bác sĩ ở Đồng Nai phân xác người tình là một hành vi có tính chất dã man, tàn bạo, khiến dư luận bàng hoàng và đặt ra nhiều câu hỏi về nguyên nhân tâm lý đằng sau hành vi này.

Dưới góc độ tâm lý học tội phạm, Thượng tá, TS Đào Trung Hiếu cho rằng hành vi này có thể được lý giải bởi một số yếu tố.

Thứ nhất, do sự hoảng loạn và mất kiểm soát tạm thời. Một số người khi đối diện với tình huống bất ngờ hoặc xung đột dữ dội có thể rơi vào trạng thái hoảng loạn, mất kiểm soát cảm xúc. Trong khoảnh khắc đó, họ thực hiện hành vi bạo lực mà không kịp suy xét hậu quả. Tuy nhiên, hành vi phân xác không chỉ là hành động trong lúc hoảng loạn, mà thường đòi hỏi sự tính toán, chuẩn bị và kéo dài thời gian, cho thấy sự lạnh lùng, bình tĩnh khi xử lý hậu quả của tội ác.

Danh Sơn (ở giữa) thời điểm bị bắt giữ

Danh Sơn (ở giữa) thời điểm bị bắt giữ

Yếu tố thứ 2, theo Thượng tá Đào Trung Hiếu, có thể do tâm lý ức chế dồn nén lâu dài. Mâu thuẫn trong mối quan hệ tình cảm nếu không được giải quyết triệt để có thể dẫn đến sự ức chế, thù hận tích tụ. Khi ức chế này đạt đến đỉnh điểm, nó có thể bùng phát thành hành vi bạo lực cực đoan.

Việc phân xác thể hiện tâm lý muốn hủy hoại hoàn toàn đối tượng, đồng thời che giấu tội ác, điều này phản ánh sự dồn nén tâm lý kéo dài và có thể cả sự thù hận sâu sắc.

Yếu tố thứ 3, có thể xuất phát từ tính sở hữu và lòng tự ái cao. Một số cá nhân có tính sở hữu cao trong tình yêu, coi đối phương là “tài sản” của mình. Khi mối quan hệ rạn nứt, sự tổn thương lòng tự ái có thể dẫn đến hành vi trả thù tàn bạo.

Yếu tố cuối cùng, là do thiếu hụt về nhân cách và đạo đức. “Hành vi man rợ như phân xác người tình còn cho thấy dấu hiệu của sự thiếu hụt nghiêm trọng về nhân cách, đạo đức và khả năng đồng cảm. Người phạm tội có thể không còn cảm nhận được sự đau khổ của nạn nhân hay ý thức được tính nghiêm trọng của hành vi”, ông Hiếu nhận định.

Về câu hỏi liệu người bình thường trong lúc hoảng loạn có thể có hành vi như vậy hay không, Thượng tá, TS Đào Trung Hiếu cho rằng rất khó. “Hành vi như phân xác thường không chỉ xuất phát từ phút giây mất kiểm soát hay hoảng loạn tức thì. Nó đòi hỏi sự bình tĩnh, tính toán và thời gian để thực hiện. Hành vi này thường là kết quả của một quá trình tâm lý diễn biến phức tạp, bao gồm sự tích tụ mâu thuẫn, ức chế tinh thần, và sự lệch lạc trong nhận thức, đạo đức”, ông Hiếu phân tích.

Cần có kỹ năng nhận biết dấu hiệu bạo lực và kiểm soát

Thời gian vừa qua, đã không ít những vụ án đau lòng liên quan tới mâu thuẫn trong tình cảm. Để phòng tránh những vụ việc tương tự, Thượng tá, TS Đào Trung Hiếu đưa ra một số lưu ý.

Theo đó, trong lối sống và quan hệ tình cảm, cần giao tiếp và giải quyết mâu thuẫn lành mạnh. Khi xảy ra mâu thuẫn trong tình cảm, hãy bình tĩnh, thẳng thắn trao đổi và tìm hướng giải quyết. Tránh dồn nén cảm xúc tiêu cực, vì điều này có thể dẫn đến bùng phát hành vi bạo lực.

Cũng cần có kỹ năng nhận biết dấu hiệu bạo lực và kiểm soát. Nếu đối phương có biểu hiện kiểm soát, ghen tuông thái quá, hoặc hành vi bạo lực, cần cân nhắc lại mối quan hệ và tìm sự hỗ trợ từ người thân hoặc chuyên gia tâm lý.

Cùng với đó, cần biết kiểm soát cảm xúc cá nhân, rèn luyện khả năng kiểm soát cảm xúc, học cách giải tỏa căng thẳng bằng các phương pháp lành mạnh như thiền, thể thao, hoặc tâm sự với bạn bè, người thân.

Tránh sự phụ thuộc quá mức vào tình cảm. Hãy đặt ra giới hạn trong mối quan hệ, tránh để bản thân rơi vào trạng thái phụ thuộc hoàn toàn vào đối phương về tinh thần hoặc tài chính.

Khi cần thiết, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ. Chẳng hạn, nếu bạn cảm thấy bản thân hoặc đối phương đang rơi vào trạng thái tâm lý bất ổn, hãy tìm đến chuyên gia tâm lý hoặc các tổ chức hỗ trợ để được tư vấn.

Việc tôn trọng pháp luật và ý thức đạo đức cũng rất quan trọng. “Cần hiểu rõ hậu quả pháp lý của các hành vi bạo lực để kiềm chế bản thân khi rơi vào xung đột. Luật pháp không dung thứ cho những hành vi vi phạm tính mạng và nhân phẩm con người”, Thượng tá Đào Trung Hiếu nhấn mạnh.

“Hành vi phạm tội dã man như vụ việc trên thường là kết quả của quá trình tâm lý bị ức chế lâu dài và những lệch lạc trong nhận thức, đạo đức. Để tránh những bi kịch tương tự, cần xây dựng lối sống lành mạnh, kỹ năng kiểm soát cảm xúc, và sự tôn trọng trong các mối quan hệ tình cảm. Đồng thời, cần có giáo dục nhận thức về pháp luật và đạo đức xã hội để ngăn chặn những hành vi bạo lực từ gốc rễ”, Thượng tá, TS Đào Trung Hiếu cho hay.

Mai Loan