Khoa học & Công nghệ

Giải mã bia mộ thái tử bị sát hại, sáng tỏ biến cố Huyền Vũ Môn

  • Tác giả : Bích Hậu (Theo Sohu)
Phát hiện khảo cổ từ bia mộ vị thái tử bị sát hại đã hé lộ thái độ thật sự của Đường Thái Tông sau chính biến Huyền Vũ Môn.

Sự kiện "Biến cố Huyền Vũ Môn" năm xưa, nơi Đường Thái Tông Lý Thế Dân tự tay sát hại anh trai và em trai để đoạt ngôi, luôn là một dấu hỏi lớn trong lịch sử. Sử sách ghi chép sơ sài, mâu thuẫn, khiến hậu thế khó lòng hình dung toàn cảnh. Mãi đến khi bia mộ của thái tử Lý Kiến Thành được khai quật, các nhà khảo cổ Trung Quốc mới lần đầu tiên vén màn bí mật, hé lộ thái độ thật sự của Lý Thế Dân đối với người anh trai đã khuất.

Chương trình "Hồ sơ Quốc bảo" của đài CCTV (Trung Quốc) đã giới thiệu về phát hiện khảo cổ chấn động này. Theo "Cựu Đường Thư - Liệt truyện thứ 14 - Cao Tổ Nhị thập nhị tử", sau khi Đường Cao Tổ Lý Uyên lên ngôi hoàng đế, Lý Kiến Thành được phong làm thái tử. Tuy nhiên, thái tử lại đố kỵ với người em trai Tần Vương Lý Thế Dân tài đức hơn người, nên đã cấu kết với em trai Lý Nguyên Cát, lôi kéo đại thần bên cạnh Lý Uyên để hãm hại Lý Thế Dân. Chính vì bị ép đến đường cùng, Lý Thế Dân mới buộc phải bày kế hoạch, ra tay sát hại Lý Kiến Thành tại Huyền Vũ Môn, đồng thời bức ép Lý Uyên thoái vị.

Binh biến Huyền Vũ Môn là một trong những sự kiện lịch sử đầy tranh cãi và bí ẩn nhất của triều đại nhà Đường. (Ảnh: Sohu)

Binh biến Huyền Vũ Môn là một trong những sự kiện lịch sử đầy tranh cãi và bí ẩn nhất của triều đại nhà Đường. (Ảnh: Sohu)

Tuy nhiên, một cuốn sách cổ khác được phát hiện tại hang động Đôn Hoàng, "Đường Thái Tông nhập Minh ký", lại ghi chép một câu chuyện hoàn toàn khác. Theo đó, Lý Thế Dân vì ham muốn ngai vàng, đã cố tình vu oan giá họa cho Lý Kiến Thành và Lý Nguyên Cát, giết hại họ để đoạt ngôi.

Trong bối cảnh tư liệu lịch sử ghi chép mâu thuẫn, vật chứng liên quan đến sự kiện "Biến cố Huyền Vũ Môn" lại vô cùng hiếm hoi, việc phát hiện bia mộ Lý Kiến Thành mang ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn, có thể giúp hậu thế hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa anh em Lý Thế Dân và sự thật về sự kiện chấn động năm xưa.

Thế nhưng, điều khiến các chuyên gia khảo cổ không khỏi ngạc nhiên là kích thước khiêm tốn đến bất ngờ của tấm bia mộ. Bia mộ Lý Kiến Thành chỉ là một khối đá vuông vắn, mỗi cạnh dài 52cm, dày khoảng 11cm, khắc vỏn vẹn 55 chữ, ghi sơ lược thời gian mất, địa điểm chôn cất của thái tử.

Phó bộ phận bảo quản hiện vật của Bảo tàng Tây An, ông Phục Hải Tường, cho biết, bia mộ của hoàng thất quý tộc thời Đường thường được chế tác công phu, kích thước lớn và hoa văn trang trí cầu kỳ. Bia mộ Lý Kiến Thành rõ ràng là một trường hợp ngoại lệ, vô cùng khác thường.

Không chỉ kích thước, các chuyên gia còn phát hiện thêm một điểm bất thường khác. Dòng chữ đầu tiên trên bia mộ khắc dòng chữ "Đại Đường cố Tức Ẩn Vương", tước vị truy phong cho Lý Kiến Thành. Tuy nhiên, chữ "Ẩn" (隱) lại có dấu hiệu bị mài mòn và khắc lại và việc sửa chữa này đã diễn ra trước khi hạ táng.

Sau khi tra cứu tài liệu cổ, các chuyên gia phát hiện trong cuốn "Đường Yếu Hội" do tể tướng nhà Hậu Chu, Vương Phác biên soạn, có ghi chép lại cuộc thảo luận giữa Lý Thế Dân và các triều thần về tang lễ của Lý Kiến Thành. Khi đó, Lý Thế Dân quyết định truy phong Lý Kiến Thành làm Tức Vương, nhưng lại băn khoăn không biết nên chọn thụy hiệu (tên hiệu sau khi chết) nào. Các quan viên đề xuất những thụy hiệu mang ý nghĩa tội lỗi nhưng đều bị Lý Thế Dân bác bỏ. Cuối cùng, ông chọn chữ "Ẩn" (隱), mang ý nghĩa ẩn dật, kín đáo, với mong muốn làm giảm nhẹ ảnh hưởng của sự kiện "Biến cố Huyền Vũ Môn", đồng thời thể hiện lòng thương xót anh trai và lập trường chính trị của mình.

Phát hiện bia mộ Lý Kiến Thành, dù chỉ với 55 chữ ngắn ngủi, đã mang đến một góc nhìn mới, hé lộ phần nào sự phức tạp trong thái độ của Đường Thái Tông Lý Thế Dân đối với người anh trai đã bị chính mình sát hại. Tấm bia mộ nhỏ bé, lặng lẽ chôn vùi dưới đất sâu, bỗng trở thành chứng nhân lịch sử vô giá lên tiếng sau hàng ngàn năm im lặng, giúp hậu thế hiểu rõ hơn về một trong những sự kiện lịch sử đầy tranh cãi và bí ẩn nhất của triều đại nhà Đường.

Bích Hậu (Theo Sohu)