Khoa học & Công nghệ

Giấc ngủ trưa, bao lâu là vừa đủ?

  • Tác giả : Sơn Hà
(khoahocdoisong.vn) - Ngủ trưa là một thói quen tốt cần được duy trì. Nhưng đã bao giờ bạn đặt câu hỏi, giấc ngủ trưa nên kéo dài trong bao lâu thì hợp lý, chợp mắt trong vòng 5-7 phút, 30 phút, 1 tiếng hay thậm chí thích ngủ bao nhiêu thì ngủ?

Đêm mất ngủ vì trưa ngủ nhiều

BS Nguyễn Văn Hùng, nguyên bác sỹ bệnh viện 105 cho biết, chúng ta thường có giấc ngủ ban đêm kéo dài khoảng 8 tiếng. Đây là thời gian để não và các bộ phận khác trong cơ thể có thời gian nghỉ ngơi sau một ngày làm việc hoạt động vất vả.

Ngoài ra chúng ta cũng cần một giấc ngủ trưa. Ngủ trưa giống như là việc khởi động lại não bộ của bạn. Nó không chỉ giúp chúng ta cảm thấy đỡ buồn ngủ và tỉnh táo hơn, mà còn giúp cải thiện chức năng nhận thức, phản xạ, trí nhớ ngắn hạn và tâm trạng.

Ngủ trưa cũng làm giảm căng thẳng, huyết áp, hỗ trợ giảm cân, giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và tử vong liên quan đến tim mạch. Tuy nhiên, thời gian ngủ trưa thường theo kiểu thích ngủ bao nhiêu thì ngủ, những người bận rộn chỉ xác định chợp mắt một tí trong vòng 5 phút, người rảnh rỗi, nhất là người già có thể đánh hẳn một giấc ngủ dài từ 12h trưa đến tận 3 giờ chiều. Với nhiều người, giấc ngủ trưa kéo dài đến 2 tiếng mới đã.

Tuy nhiên, việc kéo dài giấc ngủ trưa lại không hề tốt cho sức khỏe. Việc ngủ trưa quá nhiều sẽ khiến cơ thể trì trệ, mỏi mệt, thậm chí mộng mị, khi trở dậy tinh thần kém hoạt bát, thậm chí là đau đầu.

Đặc biệt, việc ngủ trưa quá nhiều còn gây ảnh hưởng đến giấc ngủ buổi tối, ảnh hưởng đến chu kỳ thức ngủ của con người. Đây là điều không lạ khi không ít người ngủ đã mắt buổi trưa và sau đó buổi đêm lại thao thức.

Đừng vượt quá 1 tiếng

Theo các chuyên gia, mỗi một khoảng thời gian giấc ngủ trưa sẽ mang lại những tác dụng khác nhau, nhưng tốt nhất nên duy trì trong khoảng thời gian 30 phút, và tối đa không nên quá 60 phút.

Theo đó, từ 10-20 phút, giấc ngủ giúp tăng cường sự tỉnh táo. Theo các chuyên gia, một giấc ngủ ngắn khoảng 10-20 phút giúp bạn tỉnh táo và tăng năng lượng tốt nhất, đồng thời ngăn chặn bạn tiến vào một giấc ngủ sâu khó tỉnh lại sau đó. Những người bận rộn sẽ phù hợp với giấc ngủ chợp mắt này.

Với 30 phút, giấc ngủ sẽ loại bỏ mệt mỏi. Khoảng thời gian này giúp cải thiện chức năng bộ nhớ, giảm căng thẳng, tăng sự tập trung, giảm nguy cơ mắc tiểu đường và mất trí nhớ. Hãy cố gắng thưởng thức một giấc ngủ trưa vừa đủ trong vòng 30 phút.

Với 60 phút, nếu bạn đang căng thẳng, 60 phút có thể là thời gian ngủ trưa thích hợp nhất, giúp giải phóng não bộ và tăng khả năng nhận thức cũng như khả năng ghi nhớ các sự kiện và số liệu. Tuy nhiên, mặt trái của giấc ngủ sâu trong 1 tiếng là bạn sẽ cảm thấy hơi ngái ngủ khi vừa thức dậy và phải mất nhiều thời gian để tỉnh táo trở lại. Vì thế, trong trường hợp bạn ngủ 60 phút, bạn chỉ nên ngủ ở nhà khi có nhiều thời gian.

Đặc biệt các chuyên gia cũng lưu ý thêm, bạn nên cố gắng ngủ trưa cùng thời điểm mỗi ngày vì nó giúp cân bằng đồng hồ sinh học bên trong cơ thể và tối đa hóa lợi ích của ngủ trưa. Ngoài ra, hãy tránh ngủ trưa ngay sau khi ăn và quá gần thời gian của buổi chiều vì nó có thể làm ảnh hưởng đến giấc ngủ ban đêm.

BS Nguyễn Văn Hùng: Ánh sáng, thậm chí là ánh sáng nhân tạo từ tivi, điện thoại… có thể cản trở giấc ngủ trưa, khiến bạn khó ngủ. Hãy kéo rèm nếu ở nhà, còn ở cơ quan bạn có thể sử dụng mặt nạ ngủ để che bớt ánh sáng khiến cơ thể dễ chìm vào giấc ngủ. Chỗ ngủ và tư thế ngủ cũng cần được đảm bảo sự thoải mái dễ chịu. Nếu ở văn phòng, bạn cần tránh ngủ ngục trên mặt bàn, bạn có thể thu dọn ghế lại và trải một chiếc chiếu cá nhân cạnh chỗ làm việc để ngủ, bạn cũng có thể ngủ trên sofa…

Sơn Hà