KINH TẾ

Giá xăng dầu tăng kỷ lục: Người dân “chới với”, doanh nghiệp chạm ngưỡng chịu đựng

  • Tác giả : Hữu Tôn
Giữa tuần qua, liên bộ Công Thương - Tài chính đã quyết định tiếp tục tăng giá nhiều loại xăng, dầu khiến người tiêu dùng thêm gánh nặng chi tiêu.

Xáo trộn đời sống của người dân

Cụ thể, trong đợt điều chỉnh giá ngày 11/5, giá xăng E5RON 92 tăng thêm 1.490đ/lít, lên mức 28.959đ/lít. Giá xăng RON 95 tăng 1.550đ/lít, lên mức giá 29.983đ/lít. Đây là mức giá cao nhất của xăng RON 95 từ trước đến nay.

Tương tự, dầu diesel cũng được điều chỉnh tăng 1.210đ/l, lên mức 26.740đ/l; dầu hỏa tăng 1.340đ/l, lên 25.165đ/l, còn dầu mazut vẫn giữ nguyên mức giá 21.560đ/kg. Đáng chú ý, theo nhiều dự báo trong kỳ điều chỉnh sắp tới (21/5), giá xăng, dầu còn tiếp tục tăng do thị trường thế giới biến động nhanh.

Việc tăng giá xăng này đã kéo theo nhiều hàng hoá thiết yếu điều chỉnh tăng theo. Điều này đã và đang gây ra những ảnh hưởng không nhỏ, làm xáo trộn đời sống của người dân.

Chị Lê Thị An Thuyên (ngụ quận 10, TPHCM) cho biết, gia đình có 5 nhân khẩu, thu nhập mỗi tháng vẫn vậy, song nhiều mặt hàng tiêu dùng hằng ngày tăng một cách chóng mặt đã khiến chị càng phải "thắt lưng, buộc bụng" hơn để không bị “âm tiền” vào cuối tháng.

“Ra chợ những ngày này thấy mặt hàng nào cũng tăng giá, từ thịt cá cho đến rau cỏ, mắm muối… cụ thể như bắp cải tăng từ 7.000 - 18.000đ/kg; cải xoong từ 10.000 - 15.000đ/mớ; giá thịt lợn, cá, tôm cũng tăng nhẹ, hiện thịt nạc vai 150.000đ/kg, thịt sấn 100.000đ/kg, tăng 10.000đ so với trước… trong khi lương của chúng tôi vẫn thế. Kiếm tiền thì ngày càng khó khăn, đi làm bây giờ chỉ mong đủ ăn là mừng”, chị Thuyên than thở.

Đối với nhiều tiểu thương chợ Bà Hoa (quận Tân Bình, TPHCM), dù đã trải qua nhiều biến động, nhưng lần tăng giá xăng này khiến giới kinh doanh "chao đảo”. Điều này khiến cho việc buôn bán chậm hơn, lượng người mua hàng cũng giảm đi nhiều so với bình thường.

Bà Trần Thị Mười, người Quảng Ngãi, có hơn 10 năm bán chè ở chợ Bà Hoa cho biết, chưa bao giờ chợ ế ẩm như bây giờ. Mọi khi cuối tuần thì bán đến 10h hơn là hết hàng. Bây giờ hơn 12h trưa mà hàng vẫn còn nhiều.

Đậu, đường, nước cốt dừa… cái gì cũng lên. Đậu đen bình thường 40.000đ/kg, nay lên 45.000đ/kg; đậu ván 32.000đ, mọi khi chỉ 28.000đ/kg; đường cũng tăng lên khoảng 3.000đ/kg… Giá nguyên liệu tăng nhưng tôi chưa dám tăng giá, tăng lên 12.000đ/bịch chè, khách hàng họ không mua".

Bà Mười cũng cho biết thêm: “Trước đây một xe chè bán lời được 350.000đ, nhưng vật giá tăng, giờ lời chỉ còn 200.000đ. "Đứng "rục" chân cả buổi sáng, bán hết thì may đâu mới lãi được chừng đó, ế thì coi như thâm vốn. Xăng tăng giá, bán buôn "chua" lắm”.

anh-1.png

Xăng tăng giá tác động không nhỏ đến các dịch vụ vận tải, trong đó có những người hành nghề xe ôm công nghệ.

Chạm ngưỡng chịu đựng của doanh nghiệp

Xăng tăng giá tác động đầu tiên đến các dịch vụ vận tải, đặc biệt là những người thường xuyên sử dụng ô tô, xe máy để mưu sinh như các tài xế, xe ôm công nghệ. Anh Phan Quốc Hoàng (ngụ quận Bình Tân, hành nghề xe ôm công nghệ) cho biết, một ngày thường thu nhập được 150.000 – 200.000đ, đấy là khi giá xăng còn thấp, nhưng giờ giá xăng tăng nên thu nhập trừ chi phí chỉ còn từ 120.000 - 140.000đ. Nếu mọi khi thu nhập được khoảng 200.000đ có thể mua gạo, thịt, rau... thì nay tiền xăng chiếm mất 1/3 nên ăn uống cũng phải giảm đi.

Trong khi đó, đại diện nhiều doanh nghiệp vận tải cho biết, giá xăng dầu tăng cao đã không chỉ chặn đứng đà hồi phục sau dịch bệnh Covid-19 mà còn đẩy doanh nghiệp vào tình thế khó cạnh tranh và dẫn đến một trạng thái khủng hoảng mới.

Ông Lê Hoàng Ngon, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải tỉnh Cà Mau cho biết: “Thời điểm này, doanh nghiệp vận tải phần lớn chỉ mới hoạt động khoảng 50% công suất xe hiện có. Nếu xây dựng giá cước tương đương với mức nguyên liệu hiện nay sẽ rất cao, ảnh hưởng đến việc đi lại, ký gửi hàng hóa của người dân. Chính vì thế, các thành viên trong Hiệp hội thống nhất đề xuất với Sở Giao thông Vận tải tỉnh điều chỉnh tăng mức giá cước từ 12 – 15% vừa để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, vừa đảm bảo mức giá phù hợp để giữ chân khách”.

Đại diện nhà xe Anh Tuấn, tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Xăng dầu đều đồng loạt tăng giá khiến doanh nghiệp chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn”. Hiện tại các nhà xe Hà My, Đức Trọng, Mỹ Nhung... tại tỉnh Bạc Liêu cùng kêu khó vì giá nhiên liệu trong vòng chưa đến 2 tháng đã tăng trên 30% khiến họ vô cùng khó khăn”.

Lý giải vấn đề trên, TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê phân tích: “Xăng dầu cứ tăng 10% thì làm cho lạm phát tăng 0,36 điểm phần trăm và kịch bản tăng trưởng kinh tế giảm 0,5 điểm phần trăm. Ngoài ra, nó còn ảnh hưởng đến giá các nguyên liệu đầu vào khác như phân bón, thức ăn chăn nuôi, vật liệu xây dựng…Từ đó ảnh hưởng dây chuyền đến cả nền kinh tế”.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%. Trong hoạt động sản xuất hàng hóa và dịch vụ, tuỳ theo quy trình sản xuất của mỗi ngành, có thể thấy hầu hết các ngành dù nhiều hay ít đều sử dụng xăng dầu. Chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Điều này cho thấy xăng dầu chiếm tỷ trọng cao và tác động mạnh vào giá thành sản phẩm.

“Giá xăng dầu tăng chắc chắn tác động rất mạnh tới các ngành sử dụng nhiều xăng dầu như đánh bắt thủy sản, vận tải hàng hóa và hành khách đường bộ, đường thủy và đường hàng không. Trong đó, chịu ảnh hưởng trực tiếp, nhanh chóng và nặng nề nhất là doanh nghiệp vận tải. Giá xăng E5 RON92 đang là 28.959đ/lít, xăng RON95 thì đắt nhất lịch sử ở mức 29.983đ/lít, dầu diesel là 26.740đ/lít. Mức giá này đã chạm đến ngưỡng chịu đựng của các doanh nghiệp vận tải", TS Nguyễn Bích Lâm nhận xét.

Hữu Tôn