Giá xăng dầu thế giới từ đầu tuần đến nay liên tục ghi nhận mức tăng mạnh. Nguyên nhân là do cuộc chiến giữa Nga - Ukraine đã ảnh hưởng tới nguồn cung dầu và các mặt hàng năng lượng khác.
Chốt phiên giao dịch ngày 8/3, giá dầu thô Brent tăng 3,9% lên 127,98 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI tăng 3,6% lên 123,7 USD/thùng.
Giá dầu đã tăng hơn 30% kể từ khi căng thẳng Nga – Ukraine, trong khi, Mỹ và các nước khác áp đặt 1 loạt các lệnh trừng phạt.
Hiện, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 3/3 tăng hơn 10% so với ngày 1/3 ở mức 130,51 USD/thùng đối với xăng RON 92, xăng RON 95 133,35 USD/thùng...
Từ đầu năm 2022, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng liên tục, mới nhất là ngày 1/3 lên mức gần 27.000 đồng/lít. Đây là mức cao nhất trong vòng 8 năm qua.
Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhiều ngành nghề, khiến giá cả liên tục tăng cao, nhất là các doanh nghiệp vận tải, tàu biển,...
Giá xăng nhập khẩu đã bao gồm chi phí vận chuyển đến ngày 7/3 ở mức 145,88 USD/thùng đối với xăng RON 95 và 142,01 đối với xăng E5 RON 92.
Với mức giá này, dự đoán giá bán xăng trong nước sẽ tăng khoảng 2.100-2.400 đồng/lít, tức sẽ tiến sát mốc 30.000 đồng/lít.
Từ nay đến ngày 11/3, nếu giá dầu thô tiếp tục tăng thì giá xăng trong nước sẽ không dừng ở mức tăng 2.100-2.400 đồng/lít.
Theo các chuyên gia, giá xăng sẽ vẫn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Dầu Brent có thể đạt đỉnh ở vùng giá quanh 105-110 USD/thùng.
Sau đó, giá dầu sẽ dần hạ nhiệt và ổn định quanh mức 90 USD/thùng trong một vài tháng tới nhờ nguồn cung bổ sung tiềm năng đến từ Mỹ, Iran và OPEC.
Trong nước, để hạ nhiệt giá xăng dầu, bình ổn thị trường, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến phương án giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu từ ngày 1/4 đến hết năm 2022, với mức giảm 500 đồng đến 1.000 đồng so với mức kịch khung đang áp dụng.
Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp, người dân, mức mà Bộ Tài chính đưa ra là thấp trong bối cảnh giá mặt hàng này tăng quá mạnh như hiện nay.