Khoa học & Công nghệ

Giá trị thực của gỗ sưa đỏ

  • Tác giả : Bảo Khánh
(khoahocdoisong.vn) - Gỗ sưa tốt, có nhiều ưu điểm mà các loài khác không có, nhưng việc một cây sưa được trả giá cả trăm tỉ đồng là chuyện khó tin, ít có cơ sở khoa học.

Đắt vì tâm lý

UBND TP Hà Nội đã có văn bản đồng ý cho phép người dân ở thôn Phụ Chính (Chương Mỹ) bán cây sưa từng được trả giá 100 tỷ đồng.

Việc mua bán cây sưa 100 tỷ này nếu được TP đồng ý sẽ thực hiện theo hình thức đấu giá công khai. Theo người dân thôn Phụ Chính họ đã có nguyện vọng được bán cây sưa đỏ này từ lâu vì vài năm gần đây cây có hiện tượng bị khô, mục.

Cây sưa trên là loại sưa đỏ có tuổi đời trên 130 năm, nằm trong khuôn viên chùa làng Phụ Chính. Phần nhánh cây sưa giá trăm tỷ này từng được cắt bán cho 1 đại gia ở làng Đồng Kỵ (Bắc Ninh) với giá 20,5 tỷ đồng vào năm 2010.

Gỗ sưa đỏ, một số nơi gọi là gỗ huê, gỗ huỳnh, gỗ trắc là gỗ thuộc nhóm IA trong sách đỏ Việt Nam, cấm khai thác mục đích thương mại từ năm 1994. Đây là loại gỗ cực kỳ quý hiếm, hiện nay cây mọc hoang trên rừng rất ít, hầu như là đã bị khai thác hết.

Vì sao gỗ sưa đỏ lại đắt như thế, theo TS Nguyễn Nguyên Cương, Giám đốc Trung tâm Giáo dục, Truyền thông và Môi trường (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cho rằng, thật khó để lý giải vì sao gỗ sưa lại đắt như thế. Gỗ sưa cũng chỉ được quan tâm, săn lùng khoảng 20 năm trở lại đây, trước đó người ta không có khái niệm gì về loại gỗ này.

TS Nguyễn Nguyên Cương cho biết, một số người tin rằng, gỗ sưa đỏ thuộc hàng đầu bảng trong các loại gỗ quí, vượt trội cả lim, gụ, táu và sến. Nó có độ bền chắc, mùi hương thơm lâu dù bị ngâm nước nhiều năm vẫn không hề bị thấm nước hay mục nát.

Nhưng theo nghiên cứu của giới khoa học Việt Nam, cây sưa chỉ đứng ở nhóm gỗ 2, độ chịu lực không bằng nhóm gỗ 1 là lim, gụ. Tuy gỗ sưa đỏ thuộc loại gỗ đẹp nhưng vẫn đứng sau gỗ trắc. Người dân coi là loại gỗ thơm nhưng không được ưa chuộng như gỗ giáng hương. Giá trị thương phẩm của gỗ sưa đỏ luôn là một ẩn số, chưa có lời giải đáp thỏa đáng, mà thật ra không ai nói cho chính xác được.

Không có giá trị tâm linh

Cây gỗ sưa đỏ cũng giống các loại cây khác, có tuổi thọ nhất định từ vài chục đến cả trăm năm tùy thuộc vào điều kiện sống. TS Nguyễn Nguyên Cương cho biết, khi cây đã chết thì sẽ không còn nhựa nữa. Mà giá trị nhất của gỗ sưa là lớp lõi có nhựa.

Do đó, cây sưa đỏ ở Phụ Chính cần được khai thác khi còn sống thì mới mang lại giá trị. Khi gỗ đã mất nhựa thì màu gỗ sẽ bị ảnh hưởng, không còn đẹp như cây sống, còn tươi. Việc bán cây gỗ sưa này nên tiến hành sớm để đảm bảo giá trị của cây.

Nhiều lời đồn thổi về gỗ sưa mang giá trị tâm linh, may mắn, tài lộc cho người sở hữu. Những sản phẩm được làm từ gỗ sưa như vòng tay, hộp tăm, hộp bút, đũa ăn… và các vật dụng thường ngày khác được quảng cáo rầm rộ. Thực tế, không ai kiểm chứng được giá trị tâm linh của gỗ sưa, và cũng không có cơ sở để nói nó mang giá trị đó vì có giá đắt.

TS Nguyễn Nguyên Cương cho rằng, gỗ sưa đỏ được đẩy giá lên quá cao nên người ta mặc nhiên gán cho nó những giá trị khó kiểm chứng. Việc sử dụng gỗ sưa đỏ trong dân dụng ít được nói tới, nhất là trước đây người ta không quan tâm lắm và để khẳng định giá trị của nó lại càng khó.

“Việt Nam có rất nhiều loại gỗ khác nhau có những giá trị nhất định bởi tính ưu việt của chúng không có ở các loài khác. Nếu lấy giá thành để khẳng định giá trị của chúng thì rất khó. Sưa đỏ quý vì cá thể cây trong tự nhiên còn lại rất ít, là loài cần được bảo vệ, không có nghĩa là vì thế mà chúng có giá hàng trăm tỉ đồng và đem lại may mắn, tài lộc cho người sở hữu nó”, TS Nguyễn Nguyên Cương cho biết.

“Người dân không nên gửi gắm tất cả niềm tâm linh, phong thủy vào các sản phẩm từ gỗ sưa, coi đó như đồ vật để tránh tà đặc biệt rồi tốn công săn tìm mà vô tình đẩy giá lên cao, không đúng với giá trị thực của nó”, TS Nguyễn Nguyên Cương.

Bảo Khánh