Tưởng đau bụng do rối loạn tiêu hóa nào ngờ ruột hoại tử vì tắc mạch
Thời tiết lạnh đột ngột gần đây khiến tỷ lệ mắc các bệnh lý mạch máu ngoại vi phải cấp cứu gia tăng. Trong 1 tuần qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã liên tiếp phẫu thuật cấp cứu cho 3 trường hợp có bệnh lý mạch máu phức tạp, trong đó có 1 ca vỡ phình động mạch chủ bụng và 2 ca tắc động mạch mạc treo ruột được phẫu thuật cấp cứu kịp thời, giúp các bệnh nhân thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”.
Như trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Thị M. (80 tuổi) ở phường Hà Khẩu, TP. Hạ Long, có tiền sử suy tim, rung nhĩ, điều trị không thường xuyên. Trước vào viện vài tiếng, bệnh nhân xuất hiện đau bụng dữ dội, được gia đình đưa vào Bệnh viện Bãi Cháy cấp cứu, vì bệnh nhân có bệnh lý tim mạch từ trước, nghi ngờ có tắc mạch nên các bác sĩ đã chỉ định chụp cắt lớp vi tính mạch máu.
Trên phim chụp cho thấy hình ảnh tắc hoàn toàn động mạch mạc treo tràng trên do huyết khối kèm hẹp động mạch chậu và động mạch đùi chung phải. Bệnh nhân được liên hệ hội chẩn trên nhóm Tim mạch quyết định chuyển Bệnh viện Đa khoa tỉnh để phẫu thuật lấy huyết khối mạch mạch treo cấp cứu để tránh nguy cơ hoại tử ruột và theo dõi tình trạng thiếu máu mạch chi.
Huyết khối gây tắc động mạch mạc treo tràng trên được phẫu thuật lấy ra thành công |
Kíp phẫu thuật mạch máu phối hợp với khoa Gây mê hồi sức tiến hành mở bụng kiểm tra thấy toàn bộ ruột non đã nhợt nhạt do thiếu máu nhưng chưa hoại tử, động mạch mạc treo tràng trên bị tắc hoàn toàn do huyết khối. Phẫu thuật viên tiến hành mở động mạch mạc treo tràng trên, dùng dụng cụ lấy ra nhiều đoạn huyết khối, động mạch được bơm rửa sạch máu cục hai đầu và nối lại.
Kiểm tra thấy máu lưu thông tốt, toàn bộ ruột non hồng ấm hồi phục trở lại, tĩnh mạch mạc treo không có huyết khối. Sau 1 giờ phẫu thuật căng thẳng, ca mổ diễn ra thành công giúp người bệnh thoát khỏi nguy cơ cắt ruột do hoại tử. Hiện bệnh nhân đã ra viện sau 1 tuần điều trị và hẹn khám lại để bắc cầu mạch chi sau khi sức khỏe ổn định.
Một trường hợp khác được phẫu thuật lấy huyết khối động mạch mạc treo tràng trên ngày 23/12/2023 là bệnh nhân Nguyễn Đăng V. (57 tuổi) ở xã Quảng Long, huyện Hải Hà. Ông V. ở nhà đau bụng 3 ngày, được gia đình đưa vào Trung tâm y tế Hải Hà thăm khám tuy nhiên không phát hiện gì đặc biệt, nghi ngờ do bệnh lý mạch máu nên kíp cấp cứu chụp cắt lớp ổ bụng và hội chẩn từ xa với tuyến trên.
Trên phim chụp cho thấy đoạn đầu mạch mạc treo bị huyết khối tắc gần hoàn toàn động mạch mạc treo tràng trên, chỉ định chuyển Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện phẫu thuật. Kíp mổ mở bụng kiểm tra thấy mạch ruột non đập yếu do huyết khối gây tắc ¾ lòng mạch. Bằng dụng cụ chuyên dụng, huyết khối đã được lấy ra hoàn toàn, mạch tái thông trở lại giúp đoạn ruột thiếu máu phục hồi tốt. Sau mổ 1 ngày, sức khỏe bệnh nhân tiến triển tích cực, vết mổ khô, ăn uống và ngồi dậy được.
Bác sĩ thăm khám lại vết mổ cho bệnh nhân V. |
Phấn khởi trên giường bệnh, ông V. chia sẻ: “Tôi bình thường khỏe mạnh, chẳng đau ốm bao giờ. Đau bụng 3 hôm nay nhưng vì chủ quan nghĩ do rối loạn tiêu hóa nên không đi viện ngay. Nghe nói tắc động mạch mạc treo rất nguy hiểm, có thể cắt ruột do hoại tử nếu phát hiện muộn. May mắn tôi vẫn được các bác sĩ phát hiện bệnh và phẫu thuật cấp cứu kịp thời. Vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh, tôi được đưa đi phẫu thuật ngay, giờ sức khỏe tốt hơn rất nhiều. Vô cùng biết ơn các đội ngũ bác sĩ đã cứu chữa cho tôi khỏe mạnh!”.
BS.CKII. Phạm Việt Hùng – Trưởng khoa Ngoại, phụ trách kíp phẫu thuật mạch máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết: Tắc mạch mạc treo rất khó chẩn đoán, trước đây thường chỉ phát hiện khi ruột đã hoại tử có viêm phúc mạc hay tắc ruột, mổ ra phải cắt hết ruột non đã hoại tử, thường bệnh nhân rất khó phục hồi do suy dinh dưỡng sau mổ, thậm chí tử vong do bệnh nặng.
Hiện nay với hệ thống chụp cắt lớp mạch máu hiện đại đã chúng tôi phát hiện sớm bệnh này; đồng thời nhờ kỹ thuật mở mạch lấy huyết khối giúp tái tưới máu lại ruột do vậy bệnh nhân ít phải cắt ruột hơn. Hai trường hợp trên nhờ phát hiện sớm mà không phải cắt đoạn ruột nào, do vậy mang lại kết quả rất tốt cho bệnh nhân cũng như giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội”.
Đau bụng dữ dội sốc mất máu vì phình vỡ động mạch chủ bụng
Cùng với 2 bệnh nhân M và V, kíp phẫu thuật mạch máu trong tuần còn xử trí cấp cứu một ca sốc mất máu nguy kịch do vỡ phình động mạch chủ bụng cho nam bệnh nhân Phạm Văn C. (88 tuổi) ở xã Tiền An, thị xã Quảng Yên. Bệnh nhân ở nhà đau bụng dữ dội, cấp cứu tại Bệnh viện Bãi Cháy được chẩn đoán vỡ phình động mạch chủ bụng.
Hội chẩn từ xa đánh giá bệnh nhân già yếu, toàn trạng nặng nề kèm nhiều bệnh lý nền, máu chảy ổ bụng ngấm các tổ chức xung quanh, nguy cơ tử vong nếu không được phẫu thuật cấp cứu kịp thời. Ngay lập tức “Báo động đỏ” liên viện được kích hoạt, bệnh nhân được chuyển Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, nơi có chuyên khoa sâu về phẫu thuật mạch máu để tiếp tục điều trị.
Theo gia đình cho biết, bệnh nhân phát hiện phình động mạch chủ bụng từ năm 2015 song không theo dõi xử trí. Tại đây, bệnh nhân được hồi sức và chuyển thẳng phòng mổ. Kíp phẫu thuật khoa Ngoại phối hợp với khoa Gây mê hồi sức thực hiện phẫu thuật thay đoạn mạch nhân tạo, tiếp tục chăm sóc tích cực tại khoa Hồi sức. Hiện bệnh nhân tạm thời ổn định, đã rút dẫn lưu, vết mổ liền tốt, bệnh nhân và gia đình rất vui mừng vì đã thoát khỏi cơn nguy kịch.
Bệnh nhân C. bị vỡ phình động mạch chủ bụng sức khỏe tiến triển tích cực sau phẫu thuật thay đoạn mạch nhân tạo. |
"Bệnh lý mạch máu mạn tính ở người cao tuổi ngày càng trở nên phổ biến và có xu hướng gia tăng. Tuần qua, chúng tôi đã tiếp nhận 3 trường hợp cấp cứu bị các bệnh lý mạch máu cấp tính nặng nề, đều được hội chẩn cấp cứu từ xa và chuyển về Bệnh viện tỉnh phẫu thuật kịp thời. Hầu hết đều là bệnh nhân tuổi cao, sức yếu, tiền sử tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu, khi nhập viện đã trong tình trạng nặng, đe dọa tính mạng, cần xử trí nhanh chóng. Với sự nhạy bén, chủ động, kíp phẫu thuật mạch máu đã thực hiện liên tiếp các cuộc mổ với sự phối hợp chặt chẽ của các chuyên khoa Gây mê, Hồi sức, Tim mạch. Nhờ vậy, người bệnh thoát khỏi nguy kịch và sớm phục hồi về với gia đình", BS Hùng cho hay.
Trước thực tế các bệnh lý tim mạch ngày càng gia tăng gây ra nhiều biến chứng nặng nề, thậm chí đe dọa tính mạng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, người dân cần chủ động bảo vệ sức khỏe trước những thay đổi thất thường của thời tiết, đặc biệt là ở người cao tuổi.
Để phòng bệnh cần có một lối sống lành mạnh và tầm soát bệnh thường xuyên nếu có các yếu tố nguy cơ về tim mạch, đái tháo đường, tăng huyết áp....
Trong trường hợp đau bụng không rõ nguyên nhân, nhất là người có tiền sử bệnh lý tim mạch, bệnh mãn tính (đái tháo đường, tăng huyết áp…), bệnh nhân không nên tự uống thuốc, điều trị tại nhà mà cần phải đến ngay các cơ sở khám chữa bệnh uy tín để được thăm khám, phát hiện và phẫu thuật kịp thời.