“Tiếng sét Bazooka”
Với quyết tâm nghiên cứu về vũ khí để cứu nước, cứu dân thoát khỏi ách cai trị của thực dân, đế quốc, sau 11 năm kiên trì sưu tầm, kỹ sư Phạm Quang Lễ đã có trong tay hơn 30.000 trang tài liệu về vũ khí và công nghiệp quốc phòng, trong đó có nhiều tài liệu “tuyệt mật”.
Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Cộng hòa Pháp. Kỹ sư Phạm Quang Lễ được gặp Bác Hồ và đề đạt nguyện vọng muốn đưa kiến thức kỹ thuật quân sự mà mình đã tích lũy nhiều năm ở nước ngoài về phục vụ đất nước.
Giáo sư Trần Đại Nghĩa (thứ ba từ phải sang) xem sản phẩm do Quân giới sản xuất thời chống Mỹ. Ảnh: TL. |
Lúc đó, kỹ sư Phạm Quang Lễ đang có cuộc sống giàu sang, danh vọng nơi đất Pháp với mức lương mỗi tháng là 5.500 Franc (tương đương 22 lượng vàng lúc bấy giờ). Vậy nhưng, ông đã từ bỏ tất cả để theo Bác Hồ về nước, toàn tâm toàn ý phục vụ cách mạng, dù biết phải chịu nhiều khó khăn, gian khổ để kháng chiến.
Bác Hồ đã đặt tên mới cho ông là Trần Đại Nghĩa và giao nhiệm vụ cho ông làm Cục trưởng Cục Quân giới.
Lúc này, ngành Kỹ thuật và Công nghiệp quốc phòng non trẻ của Việt Nam vừa mới ra đời, trong khi đất nước bị kẻ thù phong tỏa bốn bề, cán bộ, công nhân viên quân giới còn hiểu biết rất ít về kỹ thuật quân sự và công nghệ sản xuất vũ khí.
Những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, sự hy sinh của những “chiến sĩ quyết tử” ôm bom ba càng lao vào xe tăng địch đã thôi thúc GS.TS Trần Đại Nghĩa nghiên cứu, chế tạo thành công nhiều loại vũ khí cung cấp cho lực lượng vũ trang chiến đấu.
Cục trưởng Trần Đại Nghĩa đã nghiên cứu kỹ đặc điểm, yêu cầu cuộc chiến tranh nhân dân Việt Nam, đề ra phương châm tận dụng nguyên liệu sẵn có trong nước, với trang bị, dụng cụ sản xuất thô sơ để chế tạo các loại vũ khí có hỏa lực mạnh phù hợp với chiến trường, mang lại hiệu quả chiến đấu cao.
Một khẩu súng Bazooka trưng bày tại Bảo tàng Quân khu 4. Ảnh: QĐND. |
Tháng 11/1946, ông và các đồng nghiệp bắt tay vào nghiên cứu chế tạo súng chống tăng dựa theo mẫu Bazooka của Mỹ. Công việc không dễ dàng, thất bại liên tiếp nhưng ông không nản chí.
Trong hoàn cảnh vô cùng thiếu thốn trang thiết bị, đầu đạn và thân đạn được tiện từ các đoạn thép hoặc nhôm đặc; côn đồng tiện từ các khúc đồng đúc; ống đuôi đạn (buồng đựng thuốc đẩy) cũng tiện từ thép đặc. Không có máy hàn điện, công nhân phải hàn bằng thiếc gắn cánh đuôi vào cuống đuôi đạn. Khó khăn nhất là việc tính toán buồng thuốc đẩy, loa phụt hơi, liều thuốc đẩy, thuốc gây nổ...
Cuối cùng, tháng 2/1947, cuộc thử nghiệm Bazooka thành công. Mức đâm xuyên của đạn vừa chế tạo đạt độ sâu 75cm trên tường gạch, tương đương đạn Bazooka do Mỹ chế tạo, được sản xuất hàng loạt gửi đi các chiến trường.
“Tiếng sét Bazooka” có sức công phá tương đương của súng đạn do Mỹ chế tạo, giúp bộ đội tăng cường sức mạnh hỏa lực, tiêu diệt nhiều xe tăng, tàu chiến, đồn bốt kiên cố của địch.
Ngày 3/3/1947, tại trận chiến đấu ở Chương Mỹ (tỉnh Hà Đông), súng đạn Bazooka vừa xuất xưởng được sử dụng đã bắn cháy hai xe tăng của quân Pháp, bẻ gẫy cuộc tấn công, khiến kẻ thù sửng sốt. Đây đã trở thành một mốc son lịch sử của Ngành Kỹ thuật quân sự và Công nghiệp quốc phòng Việt Nam.
Sau khi chuyển lên Việt Bắc, dưới sự chỉ đạo của Cục trưởng Trần Đại Nghĩa, các xưởng quân giới tiếp tục sản xuất hàng loạt súng đạn Bazooka. Không chỉ dùng để bắn xe tăng, xe thiết giáp mà đạn Bazooka còn được bộ đội ta dùng để bắn ổ súng máy của địch, bắn lô cốt cố thủ, bắn xe cơ giới, bắn tàu chiến tuần tiễn trên bờ sông, bắn tốp bộ binh khi chúng tập trung đông… Vũ khí mới xuất hiện đã khiến quân Pháp hoang mang.
Trong Chiến dịch Việt Bắc Thu Đông 1947, súng đạn Bazooka đã bắn chìm tàu chiến Pháp trên sông Lô... Việc chế tạo thành công súng đạn Bazôka và hiệu quả sát thương của nó đã gây cho địch những thiệt hại nặng nề trên các chiến trường, góp phần làm phá sản chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp.
Hàng loạt vũ khí khiến thực dân Pháp bất ngờ, khiếp sợ
Không chỉ sản xuất đạn Bazooka, Cục trưởng Trần Đại Nghĩa đã chỉ đạo sản xuất nhiều vũ khí với thương hiệu “made in Vietnam”, “made by Tran Dai Nghia” gây cho kẻ thù biết bao sửng sốt, bất ngờ, khiếp vía, kinh hoàng.
Trước tình hình bộ đội ta thương vong nhiều khi dùng bộc phá, mìn lõm đánh các đồn bốt, lô cốt có kết cấu bê tông cốt thép vững chắc, Cục trưởng Trần Đại Nghĩa chỉ đạo nghiên cứu chế tạo một loại súng nhẹ. Với loại súng này, bộ đội có thể vận chuyển dễ dàng nhưng có sức công phá lớn.
SKZ 60 đã làm thực dân Pháp khiếp sợ, phải xây dựng lại toàn bộ hệ thống công sự, đồn bốt. Ảnh: Zing. |
Cục trưởng cùng với những cán bộ kỹ thuật quân sự như Nguyễn Trinh Tiếp, Hoàng Đình Phu, Lê Văn Chiểu... nghiên cứu, chế tạo súng đạn không giật SKZ60mm có tính năng tương tự như súng của Mỹ trong Chiến tranh thế giới thứ hai.
Súng nặng khoảng 26kg, có thể tháo rời để mang vác, đầu đạn nặng khoảng 9kg, có thể xuyên thủng bê tông dày trên 60cm. Sau khi xuất xưởng đã phát huy tác dụng trong các trận công đồn, diệt lô cốt địch. Đặc biệt, các trận Phố Lu (tỉnh Lào Cai), Chùa Dầu (tỉnh Ninh Bình), Kông Plông (Khu 5)..., súng đạn SKZ gây cho địch thiệt hại nặng nề.
SKZ đã làm thực dân Pháp khiếp sợ, phải xây dựng lại toàn bộ hệ thống công sự, đồn bốt. Ký giả Lucien Bodart viết trong cuốn Chiến tranh Đông Dương, xuất bản tại Paris năm 1963: “Cái thứ gây khó khăn cho chúng tôi, cái thứ xuyên thủng bê tông dày 60cm là những quả đạn SKZ, mà người Việt chế tạo trong các hang núi ở Đông Dương. Chỉ cần vài quả là đã tiêu diệt được tháp canh của chúng tôi”.
Ngoài ra, dưới sự chỉ đạo của Cục trưởng Trần Đại Nghĩa, các xưởng quân giới tiếp tục nghiên cứu chế tạo thành công các loại súng không giật SKZ51mm, SKZ81mm, SKZ120mm đã phát huy tác dụng to lớn trong các trận phục kích của bộ đội.
Trong kháng chiến chống Pháp, bộ đội ta chưa có loại vũ khí phóng đạn tầm xa. Đầu năm 1948, Cục trưởng Trần Đại Nghĩa cùng Cục Quân giới tiến hành việc nghiên cứu chế tạo đạn hỏa tiễn OF. Sau nhiều lần thử nghiệm, đạn OF được đưa vào sản xuất ở Xưởng Đặng Thái Thân và Xưởng Ngô Cẩm. Lô súng đạn hỏa tiễn OF cuối cùng được giao cho Bộ đội Liên khu 3 đánh địch ở Hà Nội.
Ngoài ra, Cục trưởng Trần Đại Nghĩa còn chỉ đạo nghiên cứu sản xuất đạn chống tăng AT chuyên dùng để đánh xe bọc thép, xe quân sự địch; đạn súng cối 40mm và 51mm; các loại súng phóng bom, mìn nổ chậm...
Bên cạnh việc nghiên cứu, chế tạo các loại vũ khí có sức công phá lớn, dưới sự chỉ đạo của Cục trưởng Trần Đại Nghĩa, lực lượng quân giới đã triển khai kế hoạch giúp các địa phương sản xuất các loại lựu đạn, mìn...
Cục trưởng cho vẽ các mẫu lựu đạn, mìn gửi cho các địa phương, hướng dẫn cách sản xuất, cách tháo bom nổ chậm, tháo đạn pháo của địch để lấy thuốc nổ làm nguyên liệu chế tạo mìn, lựu đạn, thủy lôi. Đồng thời, GS.VS Trần Đại Nghĩa chỉ đạo Cục Quân giới đảm nhiệm sản xuất và cung cấp cho các địa phương những bộ phận khó của lựu mìn như nụ xùy, thuốc nổ.
Vì vậy, số chất lượng vũ khí của lực lượng vũ trang được gia tăng, đẩy mạnh chiến tranh du kích vùng sau lưng địch.
Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng,Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đánh giá: Những đóng góp và đức độ của Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa đối với ngành Kỹ thuật quân sự và Công nghiệp quốc phòng đất nước là niềm tự hào đối với dân tộc.
Năm 1996, GS.VS Trần Đại Nghĩa được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh Đợt 1 về cụm công trình nghiên cứu và chỉ đạo kỹ thuật chế tạo vũ khí (bazôka, súng không giật, đạn bay) trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954). Đó là phần thưởng cao quý của Giáo sư Trần Đại Nghĩa và của Ngành Kỹ thuật quân sự, Công nghiệp quốc phòng Việt Nam.
Mời quý độc giả xem video: "Trần Đại Nghĩa không sáng chế súng Bazooka, vậy thì ông làm gì?". Nguồn: QPVN.