Pháp luật

Giả mạo tuyển dụng thương mại điện tử để lừa đảo người dùng

  • Tác giả : PV
Gần đây, nhiều người dân phản ánh nhận được tin nhắn với nội dung xử lý đơn hàng trên Tiki. Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng quốc gia (VNCERT/CC) cảnh báo, đây là tin nhắn giả mạo trang thương mại điện tử Tiki để tuyển dụng nhằm mục đích lừa đảo.
tiki-gia-mao.jpg
Giả mạo thương mại điện tử Tiki để lừa người dùng.

Nhiều kiểu lừa đảo mới

Sau giãn cách xã hội, nhu cầu tìm việc của người dân ngày một tăng cao với mục đích cải thiện thu nhập. Nắm bắt được điều này, nhiều cá nhân, đơn vị đã lợi dụng để giả mạo trang thương mại điện tử, đưa ra những lời mời tuyển dụng hấp dẫn.

Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC) thuộc Cục An toàn thông tin vừa phát cảnh báo tình trạng mạo danh trang thương mại điện tử Tiki (https://tiki.vn/) gửi tin nhắn tuyển dụng để lừa đảo.

Theo ghi nhận trên hệ thống, người dân nhận được nhiều tin nhắn qua iMessage với nội dung: "TIKI shop cần tuyển nhân viên làm việc tại nhà!!! Số lượng có hạn chỉ 50 người. Công việc: Xử lý đơn hàng trên nền tảng ứng dụng. Yêu cầu độ tuổi : 23+ tuổi. Thu nhập 280k-1200k. Nhận tiền trong ngày. Liên hệ zalo: zalo.me/84921394027 zalo: 84921394027". Do đó, Trung tâm VNCERT/CC khuyến cáo người dân nên thận trọng với tất cả các nội dung, bài đăng tuyển dụng có yêu cầu để lại thông tin cá nhân, đóng phí, đặt cọc nhận thưởng… mà không thông qua các tài khoản và kênh thông tin chính thức của Tiki.

Đại diện sàn thương mại điện tử Tiki cho biết, thời gian qua tiếp tục nhận được những phản ánh của khách hàng về thông tin tuyển dụng liên quan đến người mạo nhận là nhân viên Tiki. Các nhóm đối tượng này liên hệ ứng viên thông qua số điện thoại, email, thậm chí qua những trang fanpage mạo danh Tiki để mời tham gia làm cộng tác viên đặt đơn hàng nâng cao khối lượng giao dịch, làm việc online trên điện thoại, đầu tư hợp tác… và yêu cầu người tham gia phải đóng một mức phí.

Ngoài ra, Tiki còn phát hiện nhiều trang sử dụng hình ảnh và mạo danh Tiki: Tiki Agency I, II, III, IV, Tiki VIP 2022, Tiki Asia… Đây hoàn toàn là hình thức mạo danh sàn thương mại điện tử để lừa đảo và lợi dụng tín nhiệm. Không chỉ Tiki, một số sàn thương mại điện tử khác như Shopee, Lazada, Sendo... cũng từng lên tiếng và đưa ra khuyến cáo với người dân tránh bị lừa đảo.

Sàn thương mại điện tử Amazon cũng đưa ra khuyến cáo về việc Amazon Global Selling nhận được các báo cáo lợi dụng tên tuổi Amazon hoặc mạo nhận là nhà tuyển dụng của Amazon liên hệ với ứng viên, mời tham gia làm việc và yêu cầu đóng một mức phí đăng ký. Theo Amazon, hành động này là hành vi lừa đảo và không có mối liên hệ nào với Amazon hoặc nhà tuyển dụng của Amazon. Các nhà tuyển dụng của Amazon liên hệ với ứng viên dù là qua tin nhắn, cuộc gọi hay email sẽ không bao giờ yêu cầu đóng phí đăng ký hoặc yêu cầu mua hàng hoặc cung cấp chi tiết thông tin ngân hàng ứng viên.

Người dùng cần nâng cao cảnh giác

Trong những ngày gần đây, tình trạng lừa đảo trực tuyến trở nên phức tạp với những con số thiệt hại ngày càng lớn tại Việt Nam. Đặc biệt, trong 2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã khiến các tổ chức, cá nhân sử dụng Internet nhiều hơn để học tập, làm việc và giao dịch. Do đó, các vụ lừa đảo trực tuyến có chiều hướng gia tăng rõ rệt.

Theo bà Trịnh Thu Hương, Giám đốc sàn thương mại Chợ Quen (choquen.vn), sau khi giả mạo các tổ chức tài chính - ngân hàng để lừa đảo trực tuyến được nhiều người cảnh giác thì các đối tượng lại thay đổi hình thức bằng các tin nhắn giả mạo tuyển dụng nhân viên thương mại điện tử. Thủ đoạn của các đối tượng đó là mạo danh nhân viên của sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki… rồi đăng tải thông tin tuyển dụng như nói trên. Sau khi trao đổi, các đối tượng yêu cầu cộng tác viên phải thanh toán đơn hàng trước. Sau đó, sẽ nhận lại tiền gốc cộng thêm chiết khấu.

Đáng chú ý, các đối tượng thường đưa ra mức thu nhập rất hấp dẫn. Mỗi đơn hàng được hưởng số tiền được hưởng chênh lệch 10 - 20%... Đã có không ít người nhẹ dạ cả tin đăng ký làm cộng tác viên bán hàng online. Hậu quả là người mất ít thì vài triệu đồng, người mất nhiều thì lên tới cả chục, trăm triệu đồng. Qua những phản ánh trên, Trung tâm VNCERT/CC khuyến cáo khi nhận được tin nhắn có nội dung lừa đảo, giả mạo, người dân cần phản ánh ngay với Trung tâm qua đầu số tin nhắn 5656 hoặc qua website https://chongthurac.vn/ để đơn vị này kịp thời điều phối, phối hợp với các tổ chức liên quan xử lý.

Khi làm cộng tác viên cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa… cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau. Nếu phát hiện trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an để xác minh, ngăn chặn và xử lý kịp thời.

Luật sư Nguyễn Tiến Thủy, Văn phòng luật sư Việt Lý, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, nhiều đối tượng cho rằng lừa đảo người khác số tiền dưới 2 triệu đồng sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nên tiến hành lừa đảo nhiều người. Tuy nhiên, theo Khoản 1, Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ… Hành vi lừa đảo tuyển dụng nói trên có thể được xác định là ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội. Khi đó, dù mỗi nạn nhân bị mất chưa đến 2 triệu đồng thì vẫn có thể khởi tố vụ án hình sự.

PV