Lũy kế 2 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt hơn 893 nghìn tấn, trị giá 472 triệu USD. Kết quả này giảm hơn 8% về lượng nhưng tăng 1% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Theo nhận định của các chuyên gia, Trung Quốc mở cửa thị trường trở lại là tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong năm nay. Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu gạo vẫn còn những khó khăn như giá cước vận tải biển và giá cả đầu vào sản xuất lúa gạo cao.
Xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc tháng 2/2023 tăng mạnh 121,8% về lượng và tăng 117% kim ngạch so với tháng 1/2023, đạt 105.196 tấn, tương đương 61,61 triệu USD; so với tháng 2/2022 cũng tăng 134,4% về lượng, tăng 182,2% kim ngạch.
Ảnh minh họa - Ảnh: internet. |
Trong tháng 2/2023 xuất khẩu gạo sang thị trường chủ đạo Philippines tăng mạnh trên 111,4% về lượng và kim ngạch so với tháng 1/2023, đạt 273.331 tấn, tương đương 140,49 triệu USD; và cũng giảm % về lượng, tăng 117,8% kim ngạch, tăng 3% về giá so với tháng 2/2022.
Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 45% trong tổng lượng và chiếm 43,3% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước, đạt 401.975 tấn, tương đương 204,69 triệu USD, giá trung bình 509,2 USD/tấn, giảm 25,5% về lượng, giảm 18,2% về kim ngạch nhưng tăng 9,7% về giá so với 2 tháng đầu năm 2022.
Tiếp sau đó là thị trường Trung Quốc chiếm 17% trong tổng lượng và chiếm 19% trong tổng kim ngạch, đạt 152.640 tấn, tương đương 90,01 triệu USD, giá trung bình 589,7 USD/tấn, tăng mạnh 86,4% về lượng và tăng 120,5% kim ngạch; giá tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Thị trường Indonesia đứng thứ 3 đạt 143.786 tấn, tương đương 67,31triệu USD, giá 468 USD/tấn, tăng mạnh 33.732% về lượng và tăng 30.355% kim ngạch nhưng giảm 10% về giá so với cùng kỳ năm 2022.
Xuất khẩu sang các thị trường FTA RCEP đạt 737.657 tấn, tương đương 384,44 triệu USD, tăng 6,9% về lượng, tăng 18% kim ngạch. Xuất khẩu sang các thị trường FTA CPTTP đạt 41.596 tấn, tương đương 23,5 triệu USD, giảm 39,6% về lượng và giả 31,9% kim ngạch.
Bộ Công thương dự báo, xuất khẩu gạo vẫn tiếp tục thuận lợi. Trong ngắn hạn, giá gạo vẫn ở mức tốt do những bất ổn về kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nhu cầu dự trữ lương thực tăng lên. Đây là yếu tố giúp các doanh nghiệp gạo được hưởng lợi trong thời gian tới.
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), sản lượng gạo hàng hóa xuất khẩu chủ yếu tập trung ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các vùng khác chủ yếu phục vụ cho tiêu dùng nội địa - Ảnh: thuonggiaonline. |
Năm 2022 xuất khẩu gạo đạt 7,13 triệu tấn, mang lại kim ngạch 3,45 tỷ USD, tăng 13,8% về lượng và tăng 5,1% về kim ngạch so với cùng kỳ, giá xuất khẩu bình quân đạt 486 USD/tấn. Việt Nam nằm trong nhóm ba nước xuất khẩu gạo lớn thế giới, cùng với Ấn Độ và Thái Lan.
Vị thế nước xuất khẩu gạo lớn tiếp tục được duy trì trong năm 2023, theo đó, ngành lúa gạo Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu từ 6,5 - 7 triệu tấn gạo, trong đó có khoảng 3 triệu tấn gạo chất lượng cao./.