Khám phá

Gia đình đi du lịch, có nên cúng tổ tiên từ xa?

  • Tác giả : Mai Nguyễn
(khoahocdoisong.vn) - Theo thượng tọa Lý Minh Đức, ngày Tết, các gia đình đi du lịch, có thể cúng tổ tiên của mình từ xa, không nhất thiết ở nhà. Quan trọng là ở cái tâm của mình.

Cúng tổ tiên từ xa

Tết, trong văn hóa người Việt, vốn là dịp sum họp, người đi xa háo hức trở về, người ở nhà mong ngóng, trông đợi.

Những ngày áp Tết, nhà cửa được trang hoàng, dọn dẹp, ban thờ được lau chùi, bày biện mâm ngũ quả đẹp đẽ. Nhiều nơi có phong tục ra mộ người thân thắp nén nhang thơm, mời người thân về ăn Tết cùng gia đình.

Và từ bữa cơm cúng ngày 30 Tết, gọi là bữa cơm cúng tất niên, cho đến ba ngày: mùng 1, mùng 2 và mùng 3 Tết, việc sắm mâm cơm với đầy đủ các món ngon, dâng cúng tổ tiên, xin tổ tiên phù hộ cho một năm an lành, hạnh phúc đã trở thành nét văn hóa trong phong tục của người Việt Nam. Cũng theo phong tục này, trong ba ngày Tết, kỵ nhất là để bàn thờ tổ tiên hương khói lạnh.

Người Việt quan niệm, trong ba ngày Tết, kỵ nhất là để bàn thờ tổ tiên hương khói lạnh. (ảnh minh hoạ)

Người Việt quan niệm, trong ba ngày Tết, kỵ nhất là để bàn thờ tổ tiên hương khói lạnh. (ảnh minh hoạ)

Tuy nhiên, hiện nay, có xu hướng một số gia đình lại muốn đi du lịch, đi chơi xa vào dịp Tết. Cả năm đi làm với bao áp lực, mệt mỏi, ngày Tết, vợ chồng con cái thích cùng nhau đi du xuân, thưởng thức những món ăn ngon mà không phải chui vào bếp nấu nướng vất vả.

Có điều, nếu đi, thì đồng nghĩa với việc bàn thờ ở nhà nguội lạnh. Đặc biệt, với những gia đình mà người chồng là con trai trưởng trong nhà, thì việc bỏ cúng gia tiên trong ba ngày Tết sẽ trái với phong tục, khiến nảy sinh tâm lý e sợ bị tổ tiên trách phạt.

Nói về điều này, thượng tọa Lý Minh Đức, Trụ trì Chùa Som Rông, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho biết, khi đi du lịch, có thể cúng tổ tiên từ xa. "Chủ yếu vẫn là ở cái tâm của mình. Miễn là trong tâm mình niệm, nhớ tới người thân, tổ tiên của mình thì dù ở nơi nào, cũng vẫn có thể cúng được tổ tiên, chứ không nhất thiết phải ở nhà, đứng trước ban thờ", thượng tọa Lý Minh Đức cho biết.

Miễn là trong tâm mình niệm, nhớ tới người thân, tổ tiên của mình thì dù ở nơi nào, cũng vẫn có thể cúng được tổ tiên của mình, chứ không nhất thiết phải ở nhà, đứng trước ban thờ. (ảnh minh hoạ)

Miễn là trong tâm mình niệm, nhớ tới người thân, tổ tiên của mình thì dù ở nơi nào, cũng vẫn có thể cúng được tổ tiên của mình, chứ không nhất thiết phải ở nhà, đứng trước ban thờ. (ảnh minh hoạ)

Tùy vào nghiệp mà nhận được đồ lễ hay không

Mâm cơm cúng gia tiên trong ba ngày Tết, theo phong tục của người Việt, thường được làm rất cầu kỳ, cẩn thận, đủ món. Bởi quan niệm trần sao, âm vậy, đây là dịp để tỏ lòng biết ơn, tưởng nhớ tới ông bà, tổ tiên. Một nén nhang thơm, một mâm cơm ấm cúng, người sống có cảm giác như ông bà, tổ tiên cũng về sum họp, cùng nhau tiễn đưa năm cũ, đón chào năm mới.

Liên quan đến việc cúng giỗ tổ tiên ngày Tết, không ít ý kiến băn khoăn, theo thuyết luân hồi của nhà Phật, người chết có thể đi đầu thai kiếp khác. Vậy, nếu những người thân của mình đã đi đầu thai, hoặc vãng sanh kiếp khác, thì liệu có phải việc cúng lễ là vô nghĩa?

Nói về điều này, ni sư Thích nữ Tín Liên, Ủy viên Ban Phật giáo Quốc tế Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, theo quan niệm Phật giáo, con người khi chết đi chịu ảnh hưởng bởi nghiệp. Tùy vào nghiệp khi sống tạo ra như thế nào, thì khi chết sẽ được tái sanh trong các cõi luân hồi: Cõi trời – cõi thần, cõi người, cõi súc sinh, cõi ngạ quỷ, cõi địa ngục.

Nghiệp, có thể là cực ác, cũng có thể là cực thiện. Nghiệp cực ác là khi phạm vào trọng tội: giết cha mẹ, giết la hán, chư tăng. Phạm vào trọng tội này, thì lẽ ra tuổi thọ vẫn còn, nhưng sẽ bị chấm dứt. Và nghiệp ở thế gian cũng sẽ bị chấm dứt, bị đi xuống bốn cõi là: địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ và atula. Nhưng thường với nghiệp cực ác này thì sẽ bị đày xuống địa ngục. Còn nghiệp cực thiện là người đó khi sống làm những việc thiện, thì khi mất, ngay lập tức linh hồn sẽ rời bỏ thân xác đi vãng sanh vào cõi trời hoặc cõi người.

Trong trường hợp người thân của mình đã đi tái sanh vào cõi trời hoặc cõi người, họ sẽ không thể nhận được đồ con cháu cúng lễ. Tái sanh vào cõi súc sinh, địa ngục (bị giam cầm) cũng không thể nhận được. Chỉ có cõi ngạ quỷ và atula, khi có các thức cúng, thì có thể cảm ứng mà về nhận. Cho nên, ngày Tết, khi mình cúng ông bà, tổ tiên, thì tùy vào nghiệp lực của họ mà họ có thể nhận những vật phẩm của người thân của mình trên trần gian cúng hay không.

Trong văn hóa người Việt, Tết vốn là dịp sum họp, người đi xa háo hức trở về, người ở nhà mong ngóng, trông đợi.

Trong văn hóa người Việt, Tết vốn là dịp sum họp, người đi xa háo hức trở về, người ở nhà mong ngóng, trông đợi.

Trong Phật giáo không có tục đốt vàng mã

Những ngày Tết cũng là quãng thời gian vàng mã được tiêu thụ rất nhiều, xuất phát từ quan niệm "trần sao âm vậy", con cháu muốn người thân của mình ở cõi âm có một cuộc sống sung túc, no đủ. Tuy nhiên, theo thượng tọa Lý Minh Đức, Phật giáo nguyên thủy không có tục đốt vàng mã. "Con người khi chết đi, tùy vào nghiệp lực của mình khi sống tạo ra như thế nào, thì khi chết sẽ nhận lại quả như vậy. Chứ không phải cứ đốt nhiều tiền, vàng mã là người thân của mình sẽ được sung sướng", thượng tọa Lý Minh Đức nói.

Đồng tình với quan điểm này, ni sư Thích nữ Tín Liên cho biết, tục đốt vàng mã chịu ảnh hưởng, có nguồn gốc từ phong tục của người Trung Quốc. Còn trong Phật giáo không có tục đốt vàng mã. Theo ni sư, tục đốt vàng mã gây nhiều tác hại xấu, trong đó có việc tốn kém tiền của, ô nhiễm môi trường.

Đốt vàng mã là chịu ảnh hưởng từ phong tục của người Trung Quốc, còn trong Phật giáo nguyên thủy không có tục đốt vàng mã. (ảnh minh hoạ)

Đốt vàng mã là chịu ảnh hưởng từ phong tục của người Trung Quốc, còn trong Phật giáo nguyên thủy không có tục đốt vàng mã. (ảnh minh hoạ)

Nói về băn khoăn những tiệc mừng thọ, hay ma chay, cưới xin, ở nhiều nơi ăn uống linh đình, gia súc, gia cầm bị giết mổ nhiều, vậy thì có tạo nghiệp hay không, ni sư Thích nữ Tín liên nói, Phật giáo không chủ trương sát sinh. Vì việc bố thí cúng dường càng giảm sự đau khổ của chúng sinh, càng có việc làm phước, tất cả mọi người đều hoan hỷ thì phước đó mới lớn. Còn nếu trong cái lòng phước đó chúng sinh bị giết hại, có sự đau khổ thì phước đó không trọn vẹn. Và cho dù, người thân của mình không ra lệnh làm việc đó, nhưng vì họ mà mình làm thì họ cũng sẽ chịu tội nghiệp.

Mai Nguyễn