KINH TẾ

Giá điện tăng, doanh thu EVN tăng, túi tiền các hộ giảm bao nhiêu?

  • Tác giả : Minh Quang
Việc tăng giá bán lẻ điện lên 3%, sẽ giúp doanh thu EVN tăng 8.000 tỷ đồng. Vậy tiền điện người dân, doanh nghiệp sẽ phải tăng chi hàng tháng là bao nhiêu?

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa ban hành Quyết định số 377/QĐ-EVN về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.

Theo đó, EVN quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày 04/5/2023. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.

Được biết, giá bán lẻ điện bình quân cũ đã được duy trì 4 năm nay là 1.864,44 đồng/kWh.

Gia dien tang, doanh thu EVN tang, tui tien cac ho giam bao nhieu?
Giá điện bán lẻ tăng 3%, tiền điện người dân nộp thêm hàng tháng là bao nhiêu - Ảnh minh họa, nguồn: Dân việt

Trả lời báo chí chiều ngày 4/5, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, hiện có khoảng 3,3 triệu hộ khách hàng mua điện trực tiếp của EVN. Khách hàng công nghiệp có 1,8 triệu khách hàng, 662 nghìn khách hàng hành chính sự nghiệp.

Tính trung bình, khách hàng công nghiệp mỗi tháng dùng thêm 141.000 đồng. Điện sản xuất có 1,822 triệu khách hàng, dùng trung bình 10,6 triệu đồng và phải trả thêm 307.000 đồng.

Với 3,33 triệu hộ khách hàng sử dụng điện ở mức 50 kWh trong năm 2022 (chiếm 11,98% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt), tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 50 kWh/tháng là 2.500 đồng/hộ.

Tiền điện tăng thêm của 4,7 triệu hộ tiêu thụ từ 51 - 100 kWh/tháng là 5.100 đồng/hộ, (chiếm 16,85% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt).

Với nhóm khách hàng sử dụng 200 kWh/tháng và là nhóm đang chiếm tỷ trọng lớn nhất của ngành điện hiện nay (10,04 triệu hộ, chiếm 36,01% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt), chi phí tiền điện tăng thêm là 11.100 đồng/hộ.

Với các hộ tiêu thụ 300 kWh/tháng (4,96 triệu hộ, chiếm 17,81% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt), tiền điện tăng thêm là 18.700 đồng/hộ.

Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 400 kWh/tháng là 27.200 đồng/hộ (số hộ sử dụng điện từ 301-400 kWh toàn EVN năm 2022 là 2,21 triệu hộ, chiếm 7,95% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt).

Đại diện EVN cho biết, việc giá điện tăng sẽ giúp cho EVN bớt khó khăn. Từ nay đến cuối năm còn khoảng 8 tháng nên sẽ tăng thêm khoảng hơn 8.000 tỷ đồng.

Mức tăng 3% cũng tác động không nhiều đến CPI. Nếu tính tác động tới giá thành các ngành sản xuất dùng nhiều điện như sản xuất thép, xi măng, giấy thì giá thành thép tăng khoảng 0,18%, giá thành xi măng tăng khoảng 0,45% và giá thành sản xuất giấy tăng khoảng 0,4%.

Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, nếu giá điện tăng 5% sẽ tác động khoảng 1,17%. Với mức tăng 3%, mức tăng sẽ tác động rất nhỏ, chỉ khoảng 0,17%.

Lãnh đạo EVN cho biết, mức tăng 3% này chỉ giúp giảm bớt khó khăn cho EVN. Tập đoàn đã có trình phương án tăng giá điện cao hơn mức 3% nhưng cơ quan quản lý đã có ý kiến chỉ tăng tối đa 3%. Hiện tại tình hình tài chính của EVN rất khó khăn.

Minh Quang