Gia đình mới

Gắp thành công đồng xu đường kính 4cm trong dạ dày bé trai 11 tuổi

  • Tác giả : Giang Thu
Dị vật nằm trong đường tiêu hóa nếu không được can thiệp kịp thời có thể gây loét thủng, tắc ruột,... để lâu có thể làm quá trình xử lý khó khăn hơn, thậm chí có nguy cơ dẫn đến các biến chứng gây tử vong.

Vừa qua, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn đã tiếp nhận và xử lý thành công một trường hợp bệnh nhi 11 tuổi nuốt phải đồng xu có đường kính 4 cm.

Qua khai thác người nhà bệnh nhi cho biết, sau bữa trưa tại trường bé trai đã vô tình nuốt phải một đồng xu. Ngay sau đó, nhà trường thông báo với gia đình để đưa bé đến bệnh viện.

Tại bệnh viện, các bác sĩ ngay lập tức tiến hành thăm khám lâm sàng và nhận thấy bệnh nhi không có biểu hiện bất thường như đau bụng hay buồn nôn. Hình ảnh X-quang bụng cho thấy dị vật đã di chuyển vào dạ dày do phản xạ nuốt tự nhiên.

Dị vật đồng xu đường kính 4cm nằm trong dạ dày bệnh nhi. Ảnh BVCC

Dị vật đồng xu đường kính 4cm nằm trong dạ dày bệnh nhi. Ảnh BVCC

Tuy nhiên, do tình trạng dạ dày còn chứa nhiều thức ăn, khó phát hiện dị vật qua nội soi, đồng thời nhằm đảm bảo an toàn và tránh tai biến có thể xảy ra, đội ngũ y tế đã quyết định theo dõi, chờ thức ăn tiêu hóa một phần trước khi chỉ định nội soi dạ dày gây mê cho bệnh nhi với sự đồng thuận từ phía gia đình.

Dị vật đã được gắp qua nội soi an toàn, đồng xu được lấy ra trước khi kịp di chuyển xuống ruột non – một khu vực không thể xử lý qua nội soi và dễ gây biến chứng tắc ruột nguy hiểm. Sau khi gắp dị vật, sức khỏe của·bệnh nhi ổn và xuất viện ngay trong ngày.

BS.CKI Cao Hùng Phong, Trưởng Đơn vị Nội soi, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn nhận định, đây là một tình huống lâm sàng không hiếm gặp nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu không được xử lý kịp thời và đúng cách.

Do dị vật có bề mặt nhẵn và không có cạnh sắc nhọn nên hạn chế được nguy cơ tổn thương nghiêm trọng đến niêm mạc. Tuy nhiên, việc nội soi can thiệp gắp dị vật vẫn gặp khó khăn do đồng xu có bề mặt trơn và khó kiểm soát, đòi hỏi bác sĩ có kinh nghiệm và thao tác chính xác. Nếu dị vật tiến xuống ruột non, nguy cơ tắc ruột hoặc tổn thương mô sẽ tăng cao, đe dọa đến sức khỏe bệnh nhi.

Cảnh báo nguy cơ và phòng ngừa dị vật đường tiêu hóa ở trẻ em:

Sự an toàn của trẻ cần được đặt lên hàng đầu thông qua việc giám sát chặt chẽ và trang bị kiến thức xử lý kịp thời trong các tình huống khẩn cấp.

Phụ huynh và nhà trường nâng cao ý thức cảnh giác, không cho trẻ nhỏ chơi với các vật có nguy cơ nuốt phải như đồng xu, pin cúc áo, viên bi, hoặc các vật nhỏ tương tự

Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ nên tập cho trẻ thói quen ăn chậm, nhai kỹ, phụ huynh nên chuẩn bị kỹ thức ăn, lấy hết xương lợn, xương cá ra khỏi món ăn của trẻ

Giám sát trẻ cẩn thận, đặc biệt là trong thời gian trẻ chơi tự do, sau bữa ăn hoặc trước giờ ngủ

Hành động kịp thời, khi trẻ nuốt dị vật hoặc nghi ngờ đã nuốt dị vật, cha mẹ hoặc người giám hộ cần đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, chẩn đoán và can thiệp kịp thời.

Trường hợp trên là lời nhắc nhở quan trọng cho các bậc phụ huynh, nhà trường và cộng đồng về tầm quan trọng của việc ngăn ngừa nguy cơ dị vật đường tiêu hóa ở trẻ em, đồng thời khẳng định vai trò của can thiệp y khoa kịp thời và đúng chuyên môn trong việc bảo vệ sức khỏe bệnh nhi.

Giang Thu