Gia đình mới

Gắp kim băng sắc nhọn dài 6cm găm trong dạ dày bé trai 2 tuổi

  • Tác giả : Giang Thu
Hóc dị vật là một tai nạn có thể nguy hiểm đến tính mạng và phải được xử trí cấp cứu.

Vừa qua, Bệnh viện Trẻ Em (Hải Phòng) đã tiếp nhận cấp cứu một bé trai 2 tuổi sau khi nuốt phải một chiếc kim băng sắc nhọn, đặc biệt nguy hiểm đó là chiếc kim băng đã bật nắp bảo vệ.

Qua thăm khám và chụp X-quang, bác sĩ xác định dị vật nằm trong đường tiêu hóa của bé, tiềm ẩn nguy cơ đâm thủng nội tạng nếu không được xử lý kịp thời.

Nội soi dị vật chiếc kim băng trong dạ dày bệnh nhi. Ảnh BVCC

Nội soi dị vật chiếc kim băng trong dạ dày bệnh nhi. Ảnh BVCC

Nhận định đây là một ca bệnh phức tạp, kíp nội soi tiêu hóa nhanh chóng tiến hành gây mê và nội soi cấp cứu. Với sự khéo léo và kinh nghiệm, kíp nội soi đã gắp thành công dị vật là kim băng nhọn KT~ 6cm ra ngoài an toàn mà không gây tổn thương nghiêm trọng đến các tạng xung quanh.

Dị vật trong đường tiêu hóa của bệnh nhi. Ảnh BVCC

Dị vật trong đường tiêu hóa của bệnh nhi. Ảnh BVCC

Sau can thiệp, tình trạng của bé ổn định, hiện đang được tiếp tục theo dõi thêm tại Bệnh viện.

Theo các bác sĩ, trẻ nuốt kim băng thường do tính thích khám phá xung quanh, khi tìm thấy hay nhặt được đồ vật nhỏ, chúng thích cho ngay vào miệng. Ngoài ra, cũng gặp do người lớn bất cẩn để kim băng cạnh trẻ, trong tầm tay, tầm nhìn của trẻ. Đáng chú ý là nguy cơ nuốt vật lạ lại xảy ra ở những trẻ tuổi rất nhỏ, từ 6 tháng tuổi trở đi, là tuổi hay gặp nhất.

Những trường hợp nhẹ chỉ có thể nhận biết được trẻ đã nuốt kim băng khi nó thải ra ngoài an toàn qua đường tiêu hóa. Đối với tình huống như chiếc kim băng mở bung nêu trên dễ có nguy cơ đâm vướng ở họng, thực quản, dạ dày và bị kẹt lại gây nghẹt thở hoặc làm loét, trầy trợt thậm chí gây thủng ở ống tiêu hóa phải điều trị phẫu thuật mới chữa được.

Thói quen cho vào miệng ở trẻ em sẽ duy trì cho đến khi phụ huynh có những nhắc nhở thích hợp chúng mới từ bỏ. Do vậy, các bậc phụ huynh cần đảm bảo an toàn cho trẻ ngay tại nhà. Không cho trẻ chơi kim băng hoặc các đồ vật nhỏ, lưu ý không để hoặc ghim kim băng cạnh trẻ. Nếu chẳng may phát hiện trẻ nuốt vật sắc nhọn, không móc họng gây ói mà nên đưa trẻ đến BV càng sớm càng tốt để được điều trị kịp thời.

Giang Thu