Dữ liệu y khoa

Gặp họa vì dùng thuốc tiểu đường của các "lang y mạng"

  • Tác giả : Thúy Nga
Sợ hại gan thận cụ bà 75 tuổi đã bỏ thuốc bác sĩ kê để dùng loại viên hoàn theo quảng cáo của “lang y mạng” trị tận gốc đái tháo đường. Kết quả phải cấp cứu vì sụt 8kg, thở nhanh và toan máu ở mức hiếm thấy với người còn sống.

Sáng 27/4, Khoa Cấp cứu và hồi sức tích cực (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho biết, vừa cứu sống một bệnh nhân "gặp họa"vì dùng thuốc chữa tiểu đường chứa chất cấm.

Bệnh nhân nữ 75 tuổi, tiền sử đái tháo đường 15 năm nay, vẫn đi khám và dùng thuốc theo đơn đều đặn của bác sĩ.

Gần đây, bệnh nhân lại nghe theo quảng cáo của các "lang y mạng", tự ý bỏ thuốc đái tháo đường, chuyển sang dùng viên hoàn vì theo bệnh nhân là thuốc nam điều trị được tận gốc đái tháo đường, lại đỡ hại gan thận.

viem-te.jpeg
Cụ bà 75 tuổi mức máu hiếm thấy ở người còn sống vì dùng viên hoàn trị tiểu đường

Kết quả xét nghiệm viên thuốc hoàn có thành phần chất cấm Phenformin đúng như nghi ngờ

1 tháng nay bệnh nhân mệt hơn, sụt tới 8 cân, thở nhanh, nên được con cháu đưa vào viện. Bác sĩ nghi ngờ toan máu, làm ngay khí máu tại phòng cấp cứu cho kết quả thông số pH máu là 6,791 và HCO3 chỉ 3,4 (mức hiếm thấy ở người còn sống).

Bệnh nhân ngay lập tức được lọc máu cấp cứu. Các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân ngộ độc Phenformin - thuốc đái tháo đường cũ đã bị cấm cách đây 30 năm.

Kết quả xét nghiệm viên thuốc hoàn có thành phần Phenformin đúng như nghi ngờ trước đó.

Sau 2 ngày lọc máu, bệnh nhân đã hết toan và bình phục. Tới sáng 27/4, bệnh nhân đã nói chuyện được, pH về mức "người sống" 7,35-7,45.

Đây không phải lần đầu các bác sĩ tại các bệnh viện lớn tiếp nhận các bệnh nhân vào viện cấp cứu vì dùng viên hoàn/thuốc tễ được quảng cáo chữa tận gốc tiểu đường, trong khi thuốc lại chứa chất cấm. Có người đã tử vong vì biến chứng nặng nề.

vien-te-1.jpg
bệnh nhân ngộ độc Phenformin

TS.BS Nguyễn Quang Bảy, Trưởng Khoa Nội tiết đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai cho biết Phenformin là một hoạt chất giúp hạ đường huyết nhưng gây nhiều tác dụng phụ và những biến chứng nên bị cấm sử dụng trên toàn thế giới từ năm 1978.

Tuy nhiên, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, không ít "lang y rởm" đã trà trộn, mạo danh thuốc đông y để bán ra thị trường.

TS Bảy cũng nhấn mạnh, đái tháo đường là bệnh mạn tính, có thể kiểm soát và hạn chế tối thiểu các biến chứng của nó nếu bệnh nhân tuân thủ một liệu trình điều trị, theo dõi liên tục, đúng đắn, phối hợp với một chế độ ăn uống hợp lý và tập luyện phù hợp theo chỉ định của bác sĩ.

Để phòng tránh những biến chứng đáng tiếc có thể dẫn đến tử vong, các bác sĩ khuyến cáo người bệnh đái tháo đường không nên tự ý sử dụng các loại thuốc nam không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thành phần, vì có thể thuốc đã được trộn các chất cấm, có hại cho cơ thể.

Người bệnh nên tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sỹ và kiên trì với phác đồ để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất.

Thúy Nga