Vấn đề - Sự kiện

“Gánh lo” dân phải mang

Rục rịch năm học mới, phụ huynh chạy đôn, chạy đáo mua sách giáo khoa đầu cấp cho con, loại này năm nay trở nên khan hiếm do “kế hoạch” của Nhà xuất bản Giáo dục lo ế thừa, tồn kho nên số phát hành không đáp ứng đủ yêu cầu. Bình luận về chuyện này, một chuyên gia giáo dục nêu ý kiến: Đừng lấy kinh doanh làm đầu trong giáo dục.

Nhưng đó chỉ là chuyện nhỏ so với kế hoạch lớn là in ấn toàn bộ sách giáo khoa theo chương trình mới mà Bộ Giáo dục vừa đề nghị Quốc hội cho hoãn lại 1 năm. Việc này cũng chỉ do một Nhà xuất bản Giáo dục độc quyền. Một tờ báo nhận xét rằng lãi đậm nên chậm xã hội hóa và nói thẳng: Đến giáo dục mà cũng độc quyền! “Gánh lo” đã đổ lên đầu phụ huynh mà lẽ ra họ không phải lo chuyện đó.

Ở một diễn biến khác, Hà Giang vừa có chủ trương thu hồi “sổ đỏ” dinh thự “Vua Mèo” cấp cho Phòng Văn hóa trái luật. Những người chủ thực sự, con cháu của vua – người xây dựng nên cơ sở được cấp Bằng di tích này không hề biết là tài sản của họ đã bị cấp quyền sở hữu cho cơ quan nhà nước vào năm 2012.

Giờ biết, họ kêu cứu lên Thủ tướng Chính phủ và do có chỉ đạo kịp thời nên “cái gì của Xê-da phải trả lại cho Xê-da”. Đang yên lành bỗng dưng bị ách quàng vào cổ, kêu cứu ầm ỹ, lẽ thông thường, chính quyền phải không để người dân dính vào “kiếp nạn” này. Tự dưng “gánh nỗi lo” vào mình!

Nỗi lo bị bỏ rơi quyền lợi hiện hữu nhất là các cư dân của chung cư hoặc những người đã bỏ tiền ra mua căn hộ từ khi còn là dự án. Những xung đột với nhà đầu tư như xây dựng không đúng hợp đồng, không “sổ đỏ”, ăn bớt diện tích chung, không đảm bảo phòng cháy, chữa cháy, không giao nhà đúng hẹn,…

Chính quyền cho rằng đây là chuyện giữa nhà đầu tư và khách hàng, tự giải quyết với nhau, nếu không thỏa thuận được thì ra tòa. Người ta không thấy bóng dáng của một nhà quản lý đô thị, ký giấy phép xây dựng, phê duyệt dự án, đảm bảo quyền lợi của công dân trong những trường hợp này. Nhà chức trách đã không thi hành chức trách của mình.

Đáng buồn là để xảy ra những chuyện “đổ gánh lo” lên đầu dân đó, không một ai phải chịu trách nhiệm gì, chỉ rút kinh nghiệm là cùng. Vì thế, sự tắc trách vẫn cứ tiếp diễn và người dân tiếp tục gánh chịu những hậu quả mà họ không hề gây ra.

Mới đây, khi tiếp tục điều tra trùm gỗ lậu ở Tây Nguyên đã khởi tố và bắt giam một hạt trưởng kiểm lâm bởi hành vi bảo kê và nhận hàng trăm triệu tiền lót tay của “lâm tặc” thì ngay lập tức ông Chi cục trưởng kiểm lâm, cấp trên của bị can kia vội vã chở 8m3 gỗ đến nộp cho cơ quan điều tra. Gỗ này là do ông Hạt trưởng mua hộ, có dấu búa kiểm lâm nhưng chưa có giấy tờ nên ông Chi cục trưởng tự nguyện giao nộp.

Nếu vụ án này không bị Bộ Công an phá, nếu ông Hạt trưởng kia không bị bắt thì rõ ràng chẳng có sự tự nguyện giao nộp nào cả. Vì vậy, cứ rút kinh nghiệm với những người tắc trách thì chẳng bao giờ người ta tự rút ra kinh nghiệm cho mình đâu!

Theo Nhị Ngọc/phapluatplus.vn