Nữ bệnh nhân N.K.H vào viện trong tình trạng đứt gần rời cánh tay trái, mất máu nhiều và sắc mặt tái nhợt. Qua lời kể của chị N.K.H và người nhà, ngày cách đây 2 tuần, khi đang được chồng chở bằng xe máy, đột nhiên vạt áo chống nắng chị mặc bị cuốn vào bánh xe kéo theo cánh tay, quá trình diễn ra quá đột ngột nên bệnh nhân đã không kịp phản ứng gây ra tai nạn tổn thương cánh tay nghiêm trọng
Rất nhanh bệnh nhân đã được cơ sở y tế tại Vĩnh Yên sơ cứu và chuyển cấp cứu ngay lập tức lên Bệnh viện Việt Đức. Tại đây, các chuyên gia đã chẩn đoán tình trạng tổn thương của bệnh nhân rất nghiêm trọng: gãy cánh tay trái, cẳng tay trái, trật khớp khuỷu, đứt toàn bộ mạch máu và thần kinh cánh tay, phần mềm gân cơ vùng cánh tay bị dập nát, đầu chi lạnh và mất vận động cảm giác.
TS.BS Bùi Mai Anh thực hiện thành công ca ghép da cánh tay cho bệnh nhân N.K.H. |
Các bác sĩ trong tua trực cấp cứu cùng hội chẩn, đánh giá chấn thương của bệnh nhân N.K.H trước khi phẫu thuật. 3 ekip mổ: Phẫu thuật Chấn thương, Phẫu thuật Mạch máu và Phẫu thuật Vi phẫu – Tạo hình đã liên tục phối hợp đánh giá và hội chẩn về tổn thương phức tạp vùng cánh tay trái của bệnh nhân, sau khi hồi sức tại phòng khám cấp cứu, bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật.
Lần lượt, ekip khoa Phẫu thuật Chi trên và Y học thể thao đã thực hiện cắt lọc phần mềm bị dập nát, đóng đinh xương cánh tay và cẳng tay, nắn trật khớp, khâu nối gân cơ, TS.BS Phan Bá Hải, Phó trưởng khoa Phẫu thuật Chi trên và Y học thể thao chia sẻ.
Ekip khoa Ngoại Tim mạch và Lồng ngực đã nhanh chóng nối động mạch, và các mạch để đưa máu nuôi dưỡng cánh tay và hồi lưu máu về cho bệnh nhân N.K.H, theo ThS.BS Hoàng Trọng Hải, Khoa Ngoại Tim mạch và Lồng ngực.
Ekip chuyên khoa Vi phẫu – tạo hình đã tìm đầu dây thần kinh cánh tay của bệnh nhân, bỏ đi đoạn dập nát và nối lại bằng 4 miệng nối thần kinh; các bó sợi thần kinh rất nhỏ được nối lại tỉ mỉ qua vi phẫu thuật, TS.BS Bùi Mai Anh chia sẻ.
Chuyên gia khoa Phẫu thuật Hàm mặt – Tạo hình – Thẩm mỹ, Bệnh viện Việt Đức thường xuyên kiểm tra mức độ phục hồi cánh tay sau ca phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân N.K.H. |
Sau phẫu thuật cấp cứu, bệnh nhân tỉnh táo trở lại, mạch huyết áp ổn định, cánh tay nối hồng ấm, phần mềm bị khuyết da. Các chuyên gia Bệnh viện Việt Đức đã rất nỗ lực giữ lại cánh tay trái cho chị H.
Sau 1 tuần theo dõi nhiễm trùng và sử dụng kháng sinh hồi sức nâng cao thể trạng bệnh nhân, TS.BS Bùi Mai Anh, Khoa Phẫu thuật Hàm mặt – Tạo hình – Thẩm mỹ đã tiến hành phẫu thuật lấy da đùi ghép da cho cánh tay trái của chị N.K.H.
"Sau khi các dây thần kinh và các bó sợi thần kinh cánh tay của bệnh nhân H được nối lại sẽ tính đến ghép da tay đảm bảo tính thẩm mỹ và tâm lý cho bệnh nhân"- TS.BS Bùi Mai Anh chia sẻ.
Theo các bác sĩ, rất may bệnh nhân được cơ sở y tế tuyến dưới sơ cứu đúng cách và chuyển cấp cứu lên Bệnh viện Việt Đức kịp thời và phần chi thể đứt rời được bảo quản đúng cách, nếu chậm trễ, bệnh nhân có thể bị shock do 3 nguyên nhân: do mất máu, do đau chấn thương, do nhiễm trùng; Thậm chí nếu không được các bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật kịp thời, bệnh nhân sẽ rất dễ bị hoại tử cánh tay, phải cắt cụt hoặc nặng nhất có thể tử vong.
Hiện tại, bệnh nhân hiện đã tạm ổn định, có thể xuất viện; tuy nhiên vẫn cần thăm khám lại để khám lại và đánh giá sự phục hồi của cánh tay. Dự kiến nếu tình trạng vết thương của bệnh nhân tiến triển tốt, các chuyên gia sẽ chỉ định tập phục hồi chức năng để lấy lại dần khả năng vận động cánh tay, cân bằng cơ thể và giảm bớt khó khăn trong sinh hoạt của bệnh nhân.
Thời gian qua, các bác sĩ của Bệnh viện Việt Đức thường xuyên tiếp nhận các ca tai nạn, chấn thương do áo chống nắng hay áo mưa gây ra.
Theo các chuyên gia khuyến cáo, người dân nên chọn các loại áo chống nắng hay áo mưa gọn gàng, đặc biệt cần thật cẩn thận và chú ý khi sử dụng các loại áo có vạt dài khi di chuyển bằng xe máy, xe đạp, xe máy điện, xe đạp điện, đảm bảo tuyệt đối tuân thủ luật khi tham gia giao thông.
Khi không may có sự cố, tai nạn xảy ra, cần sơ cứu cho bệnh nhân nhanh nhất có thể, bất động và đồng thời đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế chuyên sâu gần nhất để được cấp cứu và xử trí kịp thời.