Y học và đời sống

Gắn “ăngten” cho tế bào miễn dịch nhận biết ung thư

Theo một số nghiên cứu, ung thư phát triển trong cơ thể là do hệ thống miễn dịch của cơ thể coi các tế bào ung thư là bạn.

“Thuốc” mới điều trị ung thư được Mỹ cho phép thực hiện chính là gắn một đoạn gene vào hệ thống gene của các tế bào miễn dịch, giúp cho các tế bào này nhận biết tế bào ung thư, coi các tế bào ung thư là “lạ” và tiêu diệt chúng. Liệu pháp này có thể điều trị được cho loại ung thư gì?

Coi ung thư là “bạn”

Theo TS Bạch Quốc Khánh, Phó Giám đốc Viện Huyết học – Truyền máu T.Ư, để giúp hệ thống miễn dịch nhận biết và xác định các tế bào ung thư là “lạ” đối với cơ thể bệnh nhân (BN), các nhà nghiên cứu đã tìm mọi cách để huấn luyện và cải tạo tế bào lympho T và B cả về “thể chất” lẫn “tư tưởng” để các tế bào này nhận biết và xác định các tế bào ung thư là kẻ thù và tiêu diệt chúng.

Theo đó, các nhà khoa học đã lấy tế bào T và NK (tế bào tiêu diệt tự nhiên của cơ thể) của chính BN ra khỏi cơ thể, huấn luyện lại để nó trở lên mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn và tiêm nó lại vào trong cơ thể. Người ta hy vọng rằng, với việc được huấn luyện, “lên dây cót tinh thần” khi trở lại cơ thể nó sẽ tiêu diệt tế bào ung thư.

Tuy nhiên, phương pháp huấn luyện chung này thường có hiệu quả điều trị không được như mong đợi. Chính vì vậy, nó thường được chỉ định cho BN ung thư giai đoạn cuối không còn phương pháp điều trị nào khác để kìm hãm khối u phát triển và kéo dài đời sống của BN trong một thời gian ngắn.

/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/gan-angten-cho-te-bao-mien-dich-nhan-biet-ung-thu1.jpg

Cơ chế các tế bào miễn dịch nhận diện và tiêu diệt các tế bào ung thư.

Mới có kết quả trên 1 thể của 1 loại ung thư máu

Sau khi thấy rằng việc huấn luyện chung chung các tế bào miễn dịch không mang lại kết quả cao, từ đầu những năm 2000, các nghiên cứu đã bắt đầu tìm hiểu những phương pháp đặc hiệu hơn và đi đến phương pháp mà Mỹ vừa cho phép sử dụng với tên gọi CAR T- cell (Chimeric Antigene Receptor T cell).

Phương pháp này cũng dùng tế bào lympho T. Theo đó, các nhà nghiên cứu tách và thu thập các tế bào T (có khả năng tiêu diệt) từ cơ thể BN, sau đó, cài vào hệ gene của các tế bào này một gene có khả năng điều khiển hoạt động sinh tổng hợp một chất “thụ cảm – receptor” nằm trên bề mặt của tế bào này có khả năng nhận biết một kháng nguyên nằm trên bề mặt tế bào ung thư (ở đây là CD19 của tế bào B ác tính).

Các tế bào lympho T sau khi được gắn gen này sẽ có các receptor nhận biết CD19, gắn vào kháng nguyên này hay nói cách khác là giúp các tế bào lympho T nhận ra các lympho B ác tính, bắt lấy chúng và tiêu diệt chúng. Phương pháp này hiện nay thuộc bản quyền của hãng dược Novartis và chỉ duy nhất một trung tâm nghiên cứu ở Mỹ thực hiện được kỹ thuật này.

BN được chỉ định điều trị sẽ được cơ sở điều trị tách và thu thập các tế bào lympho T ra khỏi cơ thể, sau đó tiếp tục gạn tách để lựa chọn đúng tế bào T diệt. Khối tế bào lympho T này được chuyển đến trung tâm nghiên cứu nói trên.

Tại đây, các nhà khoa học sẽ đưa một đoạn gene vào tế bào T và gene này khi vào trong tế bào sẽ sát nhập với hệ gene của tế bào T rồi điều khiển quá trình sản xuất ra các receptor trên bề mặt tế bào. Chính receptor này sẽ giúp các tế bào T diệt nhận biết được kháng nguyên của tế bào ung thư để tiêu diệt các tế bào này.

Sau khi thực hiện thành công công đoạn trên, các tế bào lympho T diệt với một receptor mới sẽ tiếp tục được nuôi cấy để nhân bản lên với số lượng rất lớn có đủ khả năng tiêu diệt gần như tất cả các tế bào ung thư có trong cơ thể người bệnh và cuối cùng, sau khi đã có đủ số lượng tế bào T cần thiết, khối tế bào này được truyền lại cho chính BN.

Nói nôm na là ghép tế bào T cytotoxicite tự thân đã sửa sang để có khả năng chiến đấu và tiêu diệt các tế bào ung thư.

TS Bạch Quốc Khánh cho biết thêm, ung thư máu có rất nhiều loại. Tuy nhiên, phương pháp CAR –T cell này mới được cấp phép áp dụng cho duy nhất một thể bạch cầu cấp dòng lympho tế bào B tái phát hoặc kháng thuốc, đặc biệt các trường hợp tái phát sau ghép tế bào gốc tạo máu đồng loài và cho đối tượng BN 25 tuổi trở xuống. Đây là loại ung thư máu thể cấp tính thường gặp ở trẻ em.

Với một số nhỏ các nghiên cứu trên số lượng ít BN, các báo cáo cho biết khoảng 70 – 80% có hiệu quả sau 3 tháng điều trị, 64% lui bệnh kéo dài sau 1 năm.

Thúy Nga