TS.BS Nguyễn Quang Bảy, Trưởng Khoa Nội tiết Đái tháo đường, bệnh viện Bạch Mai cho biết, mỗi ngày khoa tiếp nhận khoảng 15-25 bệnh nhân mới, trong số này có nhiều bệnh nhân đái tháo đường phải nhập viện là do tiêm sai insulin, dẫn đến đường huyết cao.
Nghiên cứu mới đây tại Khoa khám bệnh – bệnh viện Bạch Mai cho thấy có đến gần 70% các bệnh nhân điều trị insulin tiêm sai. Các sai lầm phổ biến là:
Chỉ tiêm 1 chỗ (thường quanh rốn) mà không thay đổi vị trí tiêm. Hậu quả là chỗ tiêm bị phì đại hoặc teo đét, dẫn đến insulin không được hấp thu đầy đủ.
Không véo da khi tiêm, nên kim đâm sâu vào đến cơ, thành ra là tiêm bắp chứ không phải tiêm dưới da. Hậu quả là insulin được hấp thu quá nhanh và tác dụng ngắn hơn bình thường
Rút bơm tiêm ngay sau khi tiêm xong, khi thuốc chưa kịp đi vào hết, nên một phần insulin sẽ bị chảy ra tại chỗ tiêm
Không thay kim tiêm thường xuyên (hàng ngày hoặc sau mỗi lần tiêm), có khi cả tuần hoặc 2 tuần mới thay kim 1 lần. Hậu quả là kim bị cùn gây đau, bị tắc gây giảm lượng insulin đưa vào cơ thể, bị nhiễm trùng...
Bút hoặc lọ tiêm insulin được cất trở lại tủ lạnh sau khi tiêm, như vậy bút/lọ insulin bị thay đổi nhiệt độ quá nhiều lần, ảnh hưởng đến chất lượng thuốc.
Một lọ insulin dùng quá lâu, đến hơn 1 tháng, khi đó insulin bị giảm chất lượng.
Tiêm xong để quá lâu mới ăn, nên bị hạ đường huyết.
Tự bớt mũi tiêm insulin. Bệnh nhân được kê đơn tiêm 3-4 mũi/ngày nhưng do ngại hoặc chủ quan nên tự bớt còn 1-2 mũi tiêm. Hậu quả là cơ thể bị thiếu insulin trầm trọng và đột ngột nên đường huyết tăng vọt, có thể dẫn đến hôn mê nhiễm toan xê tôn.
Nhờ nhân viên y tế tiêm nhưng những người này không được hướng dẫn, không quen với việc tiêm insulin có thể tích rất nhỏ nên họ thường tiêm liều cao hơn chỉ định, gây hạ đường huyết nặng.
Sử dụng sai loại bơm tiêm. Ví dụ cùng là bơm tiêm 1 mL, nhưng loại chia vạch 40 là dành cho tiêm insulin U40 (1 mL có 40 đơn vị), còn loại chia vạch 100 là dành cho tiêm insulin U100 (1 mL có 100 đơn vị). Cùng thể tích nhưng lượng insulin chênh nhau 2,5 lần.