Dinh dưỡng

Gần 600 loại sữa giả, chuyên gia mách cách chọn sữa đạt tiêu chuẩn

  • Tác giả : ThS.Dược sĩ Lê Hồng Dũng
Sau vụ gần 600 loại sữa giả được công an TP Hà Nội triệt phá, chuyên gia Viện Dinh dưỡng hướng dẫn người dân cách phân biệt sữa đạt tiêu chuẩn và sữa không đạt tiêu chuẩn.

Thành phần chất dinh dưỡng trong sữa

Sữa là chất lỏng được tiết ra từ tuyến vú của các loài động vật có vú, bao gồm cả con người. Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng ưu tiên dành cho trẻ sơ sinh, vì sữa được dung nạp tốt trong quá trình phát triển và hoàn thiện của hệ tiêu hóa. Sữa động vật có thể được bổ sung ở giai đoạn sau nếu trẻ dung nạp tốt.

Sữa có thể được sử dụng là một nguồn thực phẩm bổ sung vào chế độ ăn cho con người ở các lứa tuổi, phù hợp với các khuyến nghị dinh dưỡng hiện nay ở Việt Nam.

Theo Bảng thành phần thực phẩm Việt Nam năm 2017, sữa bột nguyên chất từ bò có các thành phần dinh dưỡng chính như sau (tính trung bình trên 100g):

Năng lượng 494 Kcal, nước 3,5 g, protein 27g, chất béo 26g, carbohydrate 38g;

Các vitamin: 10mg vitamin C; 0,24 mg vitamin B1; 1,31 mg vitamin B2; 0,7 mg niacin; 2,27 mg vitamin B5; 0,3 mg vitamin B6; 37 mg folate; 10 mg biotin; 3,25 mg vitamin B12; 318 mg retinol; 7,8 mg vitamin D; 0,48 mg vitamin E; 1,8 mg vitamin K.

Chất khoáng: 939 mg calci; 790 mg phospho; 1,1 mg sắt; 3,34 mg kẽm; 371 mg natri; 1330 mg kali; 85 mg magie.

Đối với các loại sữa bò, hiện nay Việt Nam đã ban hành Quy chuẩn Quốc gia QCVN 5-2:2010/BYT và Tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN 7979:2018), trong đó quy định hàm lượng các chất dinh dưỡng chính đối với sữa bột nguyên chất, sữa bột đã tách một phần chất béo và sữa bột đã tách béo (sữa bột gầy) như sau:

Bảng tiêu chí chất lượng sữa.

Bảng tiêu chí chất lượng sữa.

Sữa được bổ sung vi chất phải căn cứ vào tiêu chuẩn

Ngoài các loại sữa trên, các loại sản phẩm từ sữa khác khi bổ sung vi chất được xếp vào nhóm Thực phẩm bổ sung theo quy định tại Điều 2, Thông tư 43/2014/TT-BYT Quy định về quản lý thực phẩm chức năng.

Hàm lượng các chất dinh dưỡng trong các sản phẩm sữa bổ sung vi chất phải được công bố theo quy định của Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 Quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm.

Như vậy, để xác định một sản phẩm sữa hay thực phẩm bổ sung làm từ sữa có đạt tiêu chuẩn hay không phải căn cứ vào bản chất của sản phẩm để đối chiếu với các tiêu chuẩn tương ứng.

Các sản phẩm từ sữa bò, bao gồm sữa bột nguyên chất, sữa bột đã tách một phần chất béo và sữa bột tách béo (sữa bột gầy) phải căn cứ vào Quy chuẩn QCVN 5-2:2010/BYT và tiêu chuẩn TCVN 7979:2018 để đánh giá về chất lượng thành phần dinh dưỡng, các chỉ tiêu an toàn.

Đối với các sản phẩm sữa bổ sung khác, phải căn cứ tiêu chuẩn được công bố của nhà sản xuất để đánh giá về chất lượng thành phần dinh dưỡng và các chỉ tiêu an toàn thực phẩm.

Thông tin về kết quả kiểm tra chất lượng các loại sữa được thể hiện qua Phiếu kiểm nghiệm của các đơn vị chuyên môn có năng lực và đáp ứng được điều kiện tại Khoản c, Điều 7, Nghị định 15.

Trong bối cảnh thị trường có rất nhiều sản phẩm sữa khác nhau như hiện nay, người tiêu dùng không nên chỉ nghe theo các thông tin quảng cáo mà cần tỉnh táo xem xét kỹ thông tin sản phẩm, đối chiếu với các tiêu chuẩn và các quy định pháp luật hiện nay để lựa chọn các sản phẩm sữa phù hợp cho bản thân và gia đình, đảm bảo dinh dưỡng, an toàn thực phẩm, tránh tiền mất tật mang.

ThS.Dược sĩ Lê Hồng Dũng (Trưởng khoa Hoá thực phẩm, Viện Dinh dưỡng)

ThS.Dược sĩ Lê Hồng Dũng