Doanh nghiệp

FLC xác nhận đã nộp 162 tỷ đồng thuế bị cưỡng chế từ 2015 đến nay

  • Tác giả : Hồng Linh
(khoahocdoisong.vn) - Cơ quan thuế đã ban hành 66 quyết định cưỡng chế yêu cầu CTCP Tập đoàn FLC (mã: FLC) phải nộp tổng cộng hơn 162,6 tỷ đồng nợ thuế.

Theo yêu cầu của Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM, CTCP Tập đoàn FLC (mã: FLC) đã báo cáo nội dung từ năm 2015 đến nay, doanh nghiệp này đã nộp tổng cộng hơn 162,6 tỷ đồng tiền thuế bị cưỡng chế.

Báo cáo đề ngày 22/3 của FLC cho biết, trong thời gian nêu trên, FLC đã nhận được 66 quyết định cưỡng chế nợ thuế của cơ quan thuế. Việc thực hiện cưỡng chế thuế đối với FLC là theo biện pháp trích tiền từ tài khoản ngân hàng.

FLC cho biết, nguyên nhân bị cưỡng chế nợ thuế chủ yếu do tập đoàn này nợ tiền thuế và tiền chậm nộp quá 90 ngày từ khi hết thời hạn nộp theo quy định. Số tiền cưỡng chế nợ thuế từ vài trăm triệu đồng tới vài chục tỷ đồng sẽ được thu hồi thông qua việc trích tài khoản của FLC tại nhiều ngân hàng.

Đáng chú ý, báo cáo của FLC không cho biết việc bị cưỡng chế nợ thuế có nguyên nhân do tình hình khó khăn của doanh nghiệp này, hay còn có nguyên nhân từ quy định về thuế có thể khiến các doanh nghiệp lớn, lượng giao dịch nhiều có thể không kịp cập nhật nghĩa vụ với nhà nước...

Nhằm tăng cường thu hồi nợ thuế, gần đây Tổng cục thuế đã công bố danh sách hơn 1.500 công ty niêm yết, giao dịch trên 3 sàn đã có vi phạm pháp luật thuế, các cục thuế địa phương đã ban hành nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính, phạt truy thu thuế, cưỡng chế nợ thuế doanh nghiệp trong giai đoạn 2014-2017.

Trong đó, Tập đoàn FLC và nhóm công ty liên quan như FLC Faros, FLC AMD… được nêu tên trong số các doanh nghiệp nợ thuế lớn và có vi phạm nợ thuế nhiều năm, bị cưỡng chế thuế. Trong đó, Tập đoàn FLC bị cưỡng chế 125,4 tỷ đồng và phạt chậm nộp 3,5 tỷ đồng; Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros bị cưỡng chế thuế 11,47 tỷ đồng; Công ty cổ phần Đầu tư và khoáng sản FLC AMD 4,16 tỷ đồng...

Thực tế, trong một số năm gần đây, FLC đã trở thành nhà phát triển bất động sản nghỉ dưỡng lớn, có dự án tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư dự án, số nợ thuế của FLC phát sinh tại địa phương rất lớn, cơ quan thuế đã nhiều lần nhắc nhở, thông báo thu hồi nợ thuế… Số nợ thuế lớn nhất tại tỉnh Bình Định lên tới 68,4 tỷ đồng. Tính đến 31/12/2018, báo cáo tài chính cho thấy, khoản thuế và các khoản phải nộp nhà nước của Tập đoàn FLC phải trả là hơn 321,4 tỷ đồng, chiếm khoảng 2% tổng nợ phải trả bao gồm: thuế thu nhập doanh nghiệp 177,2 tỷ đồng; thuế thu nhập cá nhân 25,1 tỷ đồng; thuế nhà đất, tiền thuê đất 93,5 tỷ đồng; thuế bảo vệ môi trường và các loại thuế khác là 25,3 tỷ đồng…

Hồng Linh