Mỗi ngày, EU nhập từ Nga khoảng 2,2 triệu thùng dầu thô và 1,2 triệu thùng sản phẩm dầu mỏ. Do đó, Mỹ cho rằng, đây được xem là cách thức để hạn chế nguồn tiền Nga thu được từ bán dầu cho EU, trong khi EU đảm bảo nguồn cung trên thị trường và tránh giá năng lượng tiếp tục leo thang.
Tuy nhiên, đề xuất cấm vận dầu mỏ Nga theo từng giai đoạn của khối này vẫn đang vấp phải sự phản đối của một số nước Đông Âu vốn phụ thuộc lớn vào nguồn dầu khí nhập từ Nga.
Trước đó, ngày 18/5, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết, Liên minh châu Âu (EU) dự định huy động khoản đầu tư trị giá lên tới 300 tỷ Euro (315,3 tỷ USD) vào năm 2030 để chấm dứt sự phụ thuộc vào dầu khí của Nga.
Cụ thể, các khoản đầu tư trên sẽ bao gồm 10 tỷ euro cho hệ thống cơ sở hạ tầng khí đốt, 2 tỷ euro cho dầu mỏ và phần còn lại dành cho năng lượng sạch. EU cũng đang đề xuất các mục tiêu ràng buộc pháp lý cao hơn đối với năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng vào năm 2030.
Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu, chương trình RePowerEU sẽ giúp EU tiết kiệm nhiều năng lượng hơn để đẩy nhanh việc giảm dần nhiên liệu hóa thạch và quan trọng nhất là để kích hoạt các khoản đầu tư trên quy mô mới.