Vấn đề - Sự kiện

Đường Hoà Lạc - Hoà Bình “gánh” xe có dấu hiệu quá tải từ mỏ đá

  • Tác giả : Thiên Tuấn
Xe tải chở đất, đá thải từ mỏ đá bazan của Công ty Cổ phần Yên Quang (tỉnh Hòa Bình) có dấu hiệu quá tải chạy trên tuyến đường Hoà Lạc - Hoà Bình. Trách nhiệm thuộc về ai?

Theo phản ánh của người dân, thời gian qua, tuyến đường Hoà Lạc - Hoà Bình thường xuyên xuất hiện nhiều xe tải chở đất, đá từ mỏ đá bazan Yên Quang (tỉnh Hoà Bình), có dấu hiệu quá tải. Việc này gây nguy hại kết cấu hạ tầng giao thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Xe tải BKS 29K - 229.12 từ mỏ đá bazan Yên Quang ra đường Hoà Lạc - Hoà Bình làm rơi vãi đất, đá xuống đường.

Xe tải BKS 29K - 229.12 từ mỏ đá bazan Yên Quang ra đường Hoà Lạc - Hoà Bình làm rơi vãi đất, đá xuống đường.

Những phiếu cân không kiểm soát tải trọng

Ngày 10/7/2024, mỏ đá bazan tại xóm Văn Minh, xã Quang Tiến (TP Hoà Bình, tỉnh Hoà Bình) của Công ty cổ phần Yên Quang dồn dập tiếng máy xúc. Một lượng lớn đất, đá thải liên tục được đổ vào thùng xe tải.

Khoảng 13h40, sau khi “ăn hàng”, xe tải BKS 29K - 229.12 lập tức di chuyển vào hệ thống cân tải trọng của mỏ đá và được trả kết quả với tổng trọng tải 45 tấn, trong đó, 27,5 tấn hàng (đất, đá thải). Bằng một cú nhấp chuột trên hệ thống máy tính, nhân viên của Công ty Yên Quang nhanh chóng in phiếu cân để lưu trữ.

Lúc này, tài xế xe tải tăng ga chạy ra tuyến đường Hoà Lạc - Hoà Bình, rẽ trái đi qua trạm thu phí BOT. Từ mỏ đá chạy về Hà Nội, xe tải BKS 29K - 229.12 làm rơi vãi đất, đá thải xuống mặt đường, gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Phiếu cân và sổ ghi chép của nhân viên kiểm soát hệ thống cân tải trọng của Công ty Cổ phần Yên Quang thể hiện vi phạm bốc xúc, chở quá tải.

Phiếu cân và sổ ghi chép của nhân viên kiểm soát hệ thống cân tải trọng của Công ty Cổ phần Yên Quang thể hiện vi phạm bốc xúc, chở quá tải.

Dữ liệu đăng kiểm của xe tải BKS 29K - 229.12 cho thấy, tổng trọng lượng toàn bộ cho phép phương tiện này tham gia giao thông (xác xe và tải trọng hàng) chỉ là 30 tấn. Theo đó, chiếc xe này đã vượt quá 50% tải trọng khi rời mỏ đá và lưu thông trên đường.

Sáng cùng ngày, các xe tải BKS 29C - 719.15 (tổng tải trọng khi cân là 46,7 tấn, trong đó 30 tấn hàng, vượt 55,6%), BKS 29C - 716.25 (tổng tải trọng khi cân là 44,4 tấn, trong đó 28 tấn hàng, vượt 48%)… cũng rời mỏ, chạy trên tuyến đường Hoà Lạc - Hoà Bình mà không bị lực lượng chức năng kiểm soát, xử lý.

Ngoài phiếu cân trực tiếp, nhân viên của Công ty Yên Quang còn ghi chép chi tiết danh sách các xe tải vào mỏ mua hàng và khối lượng đất, đá thải được vận chuyển đi, chủ yếu là các Công ty Bảo An, Công ty Phương Anh, Công ty Long Thành… Danh sách này đều thể hiện các xe chở đất, đá thải đều quá tải từ 30 - 50% so với tải trọng cho phép.

Mỏ đá Bazan Yên Quang đang thu đất, đá thải hàng ngày.

Mỏ đá Bazan Yên Quang đang thu đất, đá thải hàng ngày.

Nhân viên kiểm soát hệ thống cân tải trọng của mỏ đá Bazan Yên Quang tiết lộ: “Công ty bán đất, đá thải còn xe vận chuyển là của các đơn vị mua. Hiện, bán 45 nghìn đồng/khối, nếu tính VAT là 70 nghìn đồng/khối. Mỏ xúc bán và vận chuyển cả ngày lẫn tối. Những ngày nắng, xe chạy tấp nập…, chủ yếu chở về huyện Quốc Oai, Thạch Thất, Hà Nội”.

Ai chịu trách nhiệm?

Trao đổi với PV Khoa học và Đời sống/ Báo Tri thức và Cuộc sống qua điện thoại, ông Đặng Văn Hải, Giám đốc Công ty Cổ phần Yên Quang, cho biết, công ty chỉ bán sản phẩm, còn bốc xúc, vận chuyển do đơn vị mua. Việc chở quá khổ, quá tải, rơi vãi đất đá xuống đường, đơn vị vận tải phải chịu trách nhiệm. Thực tế, ngay đầu cổng công ty có một trạm CSGT và nhiều xe đã bị xử phạt.

Khi được hỏi về trách nhiệm của chủ mỏ trong việc bốc xúc hàng hoá bảo đảm tải trọng xe, ông Đặng Văn Hải khẳng định: Công ty không bốc xúc. Bên mua tự bốc, vận chuyển và tự chịu trách nhiệm.

Thượng tá Nguyễn Quang Huy - Trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh Hoà Bình, cho hay, trường hợp bốc xúc, vận chuyển đất đá từ mỏ, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải và Sở Tài nguyên Môi trường phải có trách nhiệm. Nhiệm vụ của lực lượng CSGT là tuần tra, kiểm soát trên đường, chứ không thể vào mỏ kiểm tra.

“Các mỏ đá đều đã ký cam kết xếp hàng hóa đúng quy định, nếu không bảo đảm theo yêu cầu, để chở vượt quá tải trọng là vi phạm. Chủ mỏ phải chịu trách nhiệm và bị xử lý”, Thượng tá Nguyễn Quang Huy nói và cho biết, tiếp nhận thông tin phản ánh trên của Báo Tri thức và Cuộc sống, kiểm tra, xử lý theo quy định pháp luật.

Được biết, ngày 6/9/2023, UBND tỉnh Hoà Bình có văn bản số 1533 về việc tăng cường công tác quản lý, cấp phép khai thác đất san lấp ở khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh Hoà Bình, trong đó nhấn mạnh việc nghiêm cấm hành vi xe chở quá khổ, quá tải trọng.

UBND tỉnh Hoà Bình giao trách nhiệm cho Công an tỉnh chủ trì, chỉ đạo Công an các huyện, thành phố kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn kịp thời việc vận chuyển đất san lấp trái quy định; xử lý nghiêm phương tiện vận chuyển đất trái phép ra ngoài tỉnh; xe vận chuyển quá khổ, quá tải trọng theo quy định của pháp luật.

Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hoà Bình cũng có trách nhiệm chỉ đạo Thanh tra Giao Thông tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát hoạt động vận chuyển đất, xử lý xe vận chuyển quá khổ, quá tải.

Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hoà Bình có trách nhiệm phối hợp các cơ quan liên quan trong việc kiểm tra, xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác, vận chuyển đất san lấp ra khỏi địa bàn tỉnh…

Dù vậy, hoạt động mua bán, bốc xúc, vận chuyển đất đá thải san lấp có dấu hiệu quá tải tại mỏ đá bazan của Công ty Cổ phần Yên Quang và trên tuyến đường Hoà Lạc - Hoà Bình vẫn ngang nhiên diễn ra suốt thời gian qua mà không bị xử lý triệt để.

* Khoa học và Đời sống/Báo Tri thức và Cuộc sống tiếp tục thông tin.

Thiên Tuấn