Trong nước

Đường băng sân bay Vinh bị bong tróc: Có xem xét trách nhiệm?

  • Tác giả : Hải Ninh
Theo đánh giá ban đầu, nguyên nhân sự cố có thể do nhiệt độ cao gây phồng rộp, bong bật mảng bê tông nhựa bề mặt đường cất hạ cánh.
Nguyên nhân đường băng sân bay Vinh bị bong tróc
Chiều 3/7, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, sáng cùng ngày, đường băng ở sân bay Vinh bất ngờ gặp sự cố khi lớp bê tông nhựa bề mặt bị bong một mảng lớn.
Sự việc đã khiến nhiều chuyến bay phải thay đổi lịch trình hoặc hủy chuyến. Một số chuyến bay của các hãng hàng không đến Sân bay Vinh buộc chuyển hướng hạ cánh xuống sân bay ở Thanh Hóa.
Theo đánh giá ban đầu, nguyên nhân sự cố có thể do nhiệt độ cao gây phồng rộp, bong bật mảng bê tông nhựa bề mặt đường cất hạ cánh.
Phát hiện tình trạng hư hỏng đường cất hạ cánh, Cảng hàng không Vinh phát thông báo với lý do an toàn, xin lỗi tới các hành khách để hành khách nắm và chủ động kế hoạch.
Duong bang san bay Vinh bi bong troc: Co xem xet trach nhiem?

Đường băng sân bay Vinh bị nứt vỡ khiến nhiều chuyến bay phải hủy.

Đồng thời, Cảng hàng không Vinh đã thông báo tới Trung tâm Thông báo tin tức hàng không để thông báo đóng cửa tạm thời đường băng sân bay Vinh từ 10h50 ngày 3/7; báo cáo đại diện Cảng vụ Hàng không miền Bắc thực hiện thủ tục đóng cửa tạm thời sân bay Vinh trong khoảng 24 giờ để khắc phục hư hỏng đường cất hạ cánh theo quy định và huy động đơn vị thi công triển khai ngày công tác trám vá, khắc phục hư hỏng tại đường cất hạ cánh.
Cảng vụ hàng không miền Bắc đã ban hành Quyết đóng tạm thời Cảng hàng không Vinh do sự cố nứt vỡ, bong bật một phần bề mặt bê tông nhựa đường cất hạ cánh trong khoảng thời gian từ 10h50 ngày 3/7/2023 đến 10h50 ngày 4/7/2023 (giờ địa phương); giám sát việc thi công trám vá, khắc phục hư hỏng tại đường cất hạ cánh để kịp thời kiểm tra các điều kiện thực tế đưa Cảng hàng không Vinh vào khai thác trở lại sau khi hoàn thành thi công.
Cục Hàng không Việt Nam cũng ngay lập tức tổ chức Đoàn công tác do một Phó Cục trưởng làm Trưởng đoàn cùng đại diện các phòng chuyên môn đến Cảng để kiểm tra tình hình hư hỏng và chỉ đạo, đôn đốc việc khắc phục hư hỏng đường cất hạ cánh. Cục đã triển khai điều phối các chuyến bay bị ảnh hưởng, cấp phép cho các chuyến bay đột xuất để vận chuyển hành khách bị ảnh hưởng bởi sự cố tại Cảng hàng không Vinh.
Hiện tại, Cảng hàng không Vinh đã triển khai thi công khắc phục hư hỏng. Dự kiến khai thác trở lại từ 6h00 ngày 4/7/2023 (giờ địa phương).
Trước đó vào lúc 9h35 ngày 3/7, Cảng hàng không Vinh nhận được thông tin từ Đài Kiểm soát không lưu về việc phát hiện các mảng bê tông nhựa bong tróc tại vị trí đầu đường băng 17 (CHC17). Kết quả phát hiện đầu đường băng 17 có khu vực bong tróc bề mặt bê tông nhựa rộng khoảng 40m2.
"Điểm nứt, bong tróc dài khoảng 8m, ngay tại điểm quay đầu của các máy bay. Khi máy bay lăn bánh cất cánh tạo ra lực lớn dồn nén, cộng thêm nắng nóng kéo dài thời gian qua nên khiến đường băng tại điểm này bị nứt", đại diện Cảng hàng không Quốc tế Vinh nói và cho biết, đã gọi nhà thầu kiểm tra, chuẩn bị bê tông nhựa sửa chữa, điều xe cào bóc lớp nứt...
Có xem xét trách nhiệm?
Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy khi trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống cho rằng, chuyện đường băng sân bay bị bong tróc hoàn toàn có thể xảy ra. Tuy nhiên, Cảng hàng không Quốc tế Vinh cần phải có kiểm tra định kỳ. Một tháng hoặc 15 ngày kiểm tra một lần, rò các vết nứt, xem các kết cấu mặt đường băng như thế nào.
“Nếu phát hiện sớm, chủ động sửa chữa sẽ giảm bớt thời gian ngưng trệ đi. Để xảy ra sự việc trên các đơn vị cần rút kinh nghiệm. Mặt đường băng sân bay tương đối quan trọng, ảnh hưởng lớn đến vấn đề an toàn, việc kiểm tra phải thường xuyên, chặt chẽ hơn”, chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy nói.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, đây là sự cố đáng tiếc xảy ra trong lĩnh vực hàng không gây ra nhiều phiền hà cho hành khách và thiệt hại cho các hãng hàng không, có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh an toàn bay. Do đó, cơ quan chức năng sẽ làm rõ nguyên nhân của sự cố, xem xét trách nhiệm của các bên liên quan và khẩn trương khắc phục để sân bay này sớm hoạt động bình thường trở lại.
Theo luật sư Cường, giao thông vận tải hàng không là loại hình giao thông đặc biệt, đặc thù nên yêu cầu đảm bảo an toàn bay là rất cao. Đặc biệt là lúc máy bay cất cánh và hạ cánh là thời điểm dễ xảy ra tai nạn, nguy cơ mất an toàn cao hơn các thời điểm khác trong lộ trình bay. Chính vì vậy, việc cảnh báo không lưu, đảm bảo an toàn mặt đất là những vấn đề quan trọng để những chuyến bay được đảm bảo an toàn.
Cơ quan chức năng sẽ làm rõ nguyên nhân sự cố này là gì, cơ quan quản lý có lường trước được hậu quả của sự việc hay không? Công trình đã được thi công từ bao giờ, việc giám sát, nghiệm thu được thực hiện như thế nào ? Tuổi thọ công trình dự tính là bao lâu?
Trên cơ sở đó sẽ đánh giá mặt đường băng hư hỏng là do yếu tố khách quan hay chủ quan, có lỗi của đơn vị quản lý, đơn vị thi công hay không?
Trường hợp có lỗi của tổ chức cá nhân có liên quan sẽ xem xét trách nhiệm pháp lý theo quy định của pháp luật, trong đó có thể trách nhiệm kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính, trách nhiệm hình sự và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp kết quả xác minh cho thấy mặt đường băng hư hỏng là do hết tuổi thọ, việc thi công trước đây là đảm bảo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, việc giám sát và nghiệm thu công trình đúng quy định thì sẽ không đặt ra trách nhiệm pháp lý của các tổ chức cá nhân.
Đối với những hành khách bị lỡ chuyến bay có quyền yêu cầu các hãng hàng không xin lỗi, thậm chí còn có thể đề nghị bồi thường thiệt hại nếu có căn cứ chứng minh chuyến bay bị chậm là do lỗi của hãng hàng không hoặc của cảng hàng không gây thiệt hại cho hành khách.
Nếu hành khách yêu cầu bồi thường thiệt hại do chậm chuyến, đơn vị cung cấp dịch vụ hàng không phải chứng minh sự cố xảy ra ở sân bay này là do nguyên nhân khách quan, không có lỗi của đơn vị khai thác vận hành bay cũng như của hãng hàng không.

>>> Mời độc giả xem thêm video Check-in mệt nghỉ tại sân bay “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam


Hải Ninh