Serum B5 còn được gọi là Panthenol, D-Panthenol, Pro vitamin B5 hay Pantothenic Acid, là tinh chất làm đẹp da sử dụng thành phần chính là vitamin B5 và có thể có thêm một số hoạt chất khác.
Huyết thanh đa nhiệm, nhiều tác dụng cho làn da
Serum B5 là một loại tinh chất làm đẹp cô đặc với thành phần chủ yếu là Vitamin B5. Serum B5 được giới chuyên gia coi là một loại huyết thanh đa nhiệm được chiết xuất từ Ethanol và rượu Benzyl để có thể dễ dàng hòa tan vào da. Khi bôi lên da, các thành phần này sẽ chuyển hóa thành vitamin B5, được da hấp thụ và có tác dụng:
Dùng serum B5 đúng cách cho da đẹp không biến chứng - Ảnh minh họa |
Dưỡng ẩm: Serum B5 có khả năng giữ nước cũng như hạn chế tình trạng mất nước qua biểu bì. Khi sử dụng serum chứa vitamin B5, làn da sẽ luôn duy trì được độ ẩm, mượt mà, căng mịn.
Làm mềm bề mặt, ngăn ngừa dấu hiệu lão hoá: Với làn da sần sùi, thô ráp, vitamin B5 sẽ giúp lấp đầy các khoảng trống giữa phần da chết, kích thích sự hình thành collagen và elastin, ngăn ngừa các dấu hiệu lão hóa hiệu quả.
Chữa lành, chống viêm, tăng sinh tế bào mới, duy trì độ đàn hồi cho da: Serum B5 tham gia tích cực vào việc tái tạo, phục hồi các tổn thương trên da, hỗ trợ kháng viêm, tăng tính đàn hồi và độ săn chắc cho làn da.
Phục hồi làn da hư tổn: Sản phẩm chứa vitamin B5 có công dụng làm dịu và làm lành các hư tổn do mụn, kích ứng,... đồng thời giúp điều trị tăng sắc tố sau viêm PIH một cách hiệu quả, mang lại làn da tươi sáng, khỏe mạnh.
Kiểm soát dầu thừa và ngăn ngừa mụn: Những ai có làn da dầu nên bổ sung serum vitamin B5 vào quy trình dưỡng da nhờ khả năng điều tiết tuyến bã nhờn, hạn chế sự hình thành của mụn.
Giảm thâm sạm và dày sừng: Vitamin B5 sẽ giúp cải thiện bề mặt da thâm sạm, kém sắc, không đều màu, giảm tình trạng làn da bị dày sừng, ngăn ngừa tình trạng lỗ chân lông bị bít tắc.
Củng cố hàng rào bảo vệ da: Nhờ khả năng duy trì và cân bằng độ ẩm cần thiết, vitamin B5 cũng sẽ giúp chữa lành và củng cố hàng rào bảo vệ da bị tổn thương trở nên khỏe mạnh, giúp ngăn cản các tác nhân xấu gây hại đến làn da tốt hơn.
Dùng serum B5 đúng cách cho da đẹp không biến chứng - Ảnh minh hoạ |
Lựa chọn serum B5 phù hợp với từng loại da
Serum B5 có nhiều loại được các nhà sản xuất phát triển dựa trên những công thức khác nhau, vào đặc tính của từng loại da. Để sản phẩm phát huy hiệu quả dưỡng da tối đa, cần chọn sản phẩm đúng loại, phù hợp với loại da và tình trạng da.
Với da dầu mụn: Nên chọn serum B5 chứa thành phần Glycerin, Niacinamide để tăng hiệu quả giữ nước, kiềm dầu. Khi đó, tình trạng tiết dầu nhờn sẽ giảm và giảm cả nguy cơ hình thành mụn.
Các loại serum B5 chứa Hyaluronic acid cũng là “chân ái” với loại da này vì có khả năng giảm sưng viêm, thúc đẩy phục hồi tổn thương da do mụn. Đặc biệt, nên chọn serum có kết cấu lỏng, thấm nhanh, không gây bí bách da.
Với da khô: Nên chọn serum B5 có kết cấu đặc hơn một chút vì chúng có khả năng cấp ẩm tốt hơn. Các thành phần như Glycerin, Hyaluronic acid với khả năng cấp ẩm ưu việt cũng giúp da khô trở nên mịn màng, căng bóng.
Da nhạy cảm: Nên chọn loại serum B5 với các thành phần dịu nhẹ, có kết cấu lỏng, dễ thẩm thấu và hạn chế kích ứng da.
Để serum B5 phát huy tối đa hiệu quả nên thực hiện theo quy trình chăm sóc da chuẩn: Tẩy trang kỹ càng - rửa mặt sạch sẽ - cân bằng độ pH trên da bằng nước hoa hồng - dùng serum B5 - kem dưỡng - dùng kem chống nắng (nếu là ban ngày).
Ngoài ra, có thể kết hợp serum B5 với vitamin C để mang đến lợi ích kép cho da. Tốt nhất nên sử dụng vitamin C trước sau đó khoảng 5 phút mới bôi serum B5, không nên dùng cả hai loại cùng lúc.
Bảo quản serum B5 thế nào?
- Dùng serum trên nền da ẩm, tốt nhất là ngay sau khi rửa mặt và cân bằng da bằng toner.
- Bôi serum B5 kết hợp massage mặt và vỗ nhẹ để serum nhanh thẩm thấu vào trong da.
- Dùng kem dưỡng sau khi bôi serum và cần dùng kem chống nắng vào ban ngày.
- Đậy kín nắp sản phẩm sau khi sử dụng, để bảo vệ serum khỏi các vi khuẩn trong môi trường, hoặc bị oxi hoá nếu để lâu trong không khí.
- Có thể bỏ vào ngăn mát tủ lạnh để tăng hiệu quả dưỡng da của serum và giúp se khít lỗ chân lông.
TS.BS Phạm Đăng Bảng (Bệnh viện Da liễu Trung ương)