Khám phá

Đừng để sofa thành ổ rệp và vi khuẩn

Các chuyên gia cảnh báo nguy cơ bộ ghế sofa

Nơi trú ẩn an toàn

Một bộ ghế sofa gia đình thường là nơi các thành viên trong gia đình tiếp xúc nhiều nhất, từ việc tiếp khách cho đến ngồi chơi trò chuyện, cùng ăn uống, đọc sách báo, xem tivi, chơi game trên tivi, ngồi nghỉ hay nằm ngả lưng, thậm chí cả ngủ đêm khi cần. Đấy là còn chưa kể đến những gia đình có trẻ nhỏ, vật nuôi thì việc chạy nhảy chơi đùa trên sofa là khó tránh khỏi. Ngoài việc chính bản thân bạn cùng những người trong gia đình, trẻ em, vật nuôi là những tác nhân gây bẩn cho sofa thì bản thân chiếc ghế cũng thu hút bẩn bằng cách thu thập bụi.

Theo ông Nguyễn Thành Vinh, Công ty Dịch vụ Vệ sinh Nhà sạch, Cầu Giấy, Hà Nội, tất cả đất cát, bụi bẩn, vụn thức ăn, lông tóc, tế bào da chết, mồ hôi, dịch cơ thể của cả người và vật nuôi… đều làm sofa bám bẩn, thậm chí những vụ thức ăn, bụi bẩn, lông tóc này còn rơi xuống và trú ngụ trong các khe, kẽ nhỏ ở ghế và gần như không thể phủi sạch. Điều đáng nói, sofa không chỉ là nơi chứa bụi bẩn, vi khuẩn, nấm mốc mà còn là một ổ rệp. Rệp luôn tìm cách ẩn náu gần nơi có nguồn thức ăn của chúng là các tế bào da chết; điều này có nghĩa là bạn có nhiều khả năng tìm thấy rệp trên sofa.

Dấu hiệu nhận biết có sự hoạt động của rệp có thể bao gồm: Những điểm đen, hay những vệt màu đen mỏng; thậm chí nếu bạn nhìn thấy những mảnh da, vỏ có bám cả lông nghĩa là rệp đã tiến triển qua năm giai đoạn trưởng thành, nở ra từ trứng và phát triển thành thục. Vết máu khô có thể là dấu hiệu của việc rệp đã cắn đốt và hút máu mới đây. Trứng rệp có màu trắng sữa và nhỏ bằng một nửa kích thước của hạt gạo. Chúng có thể được tìm thấy trong các khe, kẽ của ghế, thậm chí từng đường may, kẽ khóa, là những nơi trú ẩn an toàn của chúng.

/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/so-mpha-thanh-o-rep-mau-t11111111111.jpg

Vệ sinh định kỳ để sofa không thành ổ rệp

Lau chùi, hút bụi, giặt định kỳ

Theo ông Nguyễn Thành Vinh, không ít các gia đình có sofa cứ biết dùng là dùng đến cũ hỏng chứ chả vệ sinh, giặt tẩy gì. Khá hơn thì có những nhà dùng đến vài ba năm, khi thấy bẩn quá mới gọi dịch vụ giặt hoặc lại gọi thay luôn lớp vải bọc mới. Điều đó là hoàn toàn không nên, bởi bên cạnh hậu quả là sofa rất nhanh cũ hỏng, xuống cấp thì điều đáng lo ngại hơn là môi trường sống của chính bạn.

Sẽ chẳng dễ chịu gì khi nằm ngồi trên một chiếc ghế sofa bẩn thỉu và đầy rệp. Vì vậy, tốt nhất hàng tuần nên vệ sinh ghế sạch sẽ, bằng cách hút bụi ghế. Khi hút bụi nên dùng đầu hút nhỏ dành cho sofa, chú ý hút kỹ các khe, kẽ nhỏ để loại bỏ rệp trú ngụ trên sofa.

Những con rệp ở sofa tuy không truyền bệnh nhưng chúng cắn và hút máu, gây ngứa ngáy khó chịu. Bạn cũng có thể bị nhiễm trùng thứ phát nếu chúng cắn vào vết thương hở của bạn. Trong một vài trường hợp, người bị rệp cắn có thể có phản ứng phản vệ, cũng có thể gây phản ứng dị ứng đường hô hấp, thậm chí hen suyễn vì da rệp bị bỏ lại sau khi chúng phát triển và chết.

Ông Louis Sorkin (nhà côn trùng học tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ)

Ngoài ra, nên thường xuyên giặt sofa, định kỳ 6 – 12 tháng/lần. Đặc biệt, ngay khi nhận biết dấu hiệu của rệp thì bạn nên giặt sofa ngay chứ không cần đợi đến lịch giặt định kỳ. Trong quá trình sử dụng, cũng nên tự làm sạch những vết bẩn trên sofa bằng cách nhanh chóng lau ngay vết bẩn đó với khăn sạch nhúng ướt, sau đó làm khô ngay bằng một khăn vải sạch khác.

Nếu vết bẩn vẫn không sạch, bạn có thể dùng nước xà phòng có chất tẩy nhẹ, hoặc nước rửa bát pha loãng với nước ấm, nhúng vào khăn bông sạch và lau kỹ vết bẩn đó, rồi dùng khăn khô để lau lại hoặc sấy khô bằng máy sấy tóc.

Bạn nên định kỳ hằng tuần hoặc ít nhất là hằng tháng làm sạch sofa với các bước như trên, giúp cho bộ ghế luôn sạch đẹp. Tuy nhiên, hãy chú ý thực hiện liên tục như vậy cho từng phần nhỏ của bộ ghế, đến khi khăn bẩn thì thay bằng chiếc khăn khác cho các vùng còn lại. Đối với sofa da, thì nên lau bề mặt da bằng khăn vải cotton sạch, khô và mềm; hằng tuần nên đánh xi cho toàn bộ bề mặt ghế bằng sản phẩm chăm sóc chuyên dụng dành cho sofa da.

Huy Khánh